• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái định dạng phát triển các đô thị Việt Nam từ tính dễ tổn thương với biến đổi khí hậu

Dương Trường Phúc*

Tóm tắt: Đô thị xuất hiện ngày càng nhiều nơi trên Thế giới, trở thành trung tâm và động lực cho nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Đồng thời, đô thị với tư cách là một hệ thống, đang phải đối mặt và dễ tổn thương với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Bài viết lấy bối cảnh các đô thị Việt Nam đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, kết quả cho thấy tính dễ tổn thương của đô thị phản ánh tính phức tạp vốn có và mức độ phức tạp ngày càng biến đổi của hệ thống này. Việc tìm kiếm giải pháp tối ưu để chống lại các thách thức được thay thế bằng các chiến lược thích ứng và giảm thiểu. Phát triển đô thị thích ứng sẽ mang đến những triển vọng để phát triển bền vững đô thị trong thời gian tới.

Từ khóa: Đô thị thích ứng; Phát triển bền vững; Tính dễ tổn thương đô thị.

* Thạc sĩ, Nghiên cứu viên, Đại học KHXH&NV, ĐHQGHCM, email: duongtmongphuc@gmail.com

  1. Đặt vấn đề

Ngày nay, hơn một nửa dân số toàn cầu sống ở các khu vực thành thị và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 67% vào năm 2050 (UN-DESA, 2012). Điều này là kết quả của quá trình đô thị đóng vai trò như một thỏi nam châm thúc đẩy di cư khi những nơi này mở ra nhiều cơ hội sống hơn so với khu vực nông thôn (Bettencourt et al., 2007; Bettencourt & West, 2010; Glaeser, 2011). Do vậy, các đô thị trở thành hình thái kinh tế-xã hội tiêu biểu trên Thế giới với sự tập trung dân số (Butler, 2010; Cohen, 2003), các hoạt động sản xuất quan trọng (Dobbs et al., 2011; Sassen, 2018) tạo ra sự phát triển và thịnh vượng của xã hội.

Bên cạnh là động lực mới cho nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, đô thị cũng trở thành chủ thể phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển khác nhau. Với bản chất là hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi nhiều khía cạnh (môi trường, xã hội, vật chất, kinh tế, v.v.), đô thị hiện đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đe dọa không đồng nhất - từ biến đổi khí hậu, đến các mối nguy riêng lẻ và đồng thời, từ khan hiếm tài nguyên đến suy thoái môi trường.

Biến đổi khí hậu chính là thách thức lớn nhất cho sự phát triển trong thế kỷ XXI bởi những tác động tiềm tàng trên nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội (WEF, 2018). Lối sống và các hoạt động ở đô thị là nguyên nhân của tình trạng gia tăng khí thải nhà kính dẫnđến biến đổi khí hậu (IPCC, 2014). Các đô thị chiếm chưa đầy 1% diện tích Trái Đất nhưng lại là nơi sinh sống của 50% dân số Thế giới với mức tiêu thụ năng lượng là 75%, mức phát thải khí carbonic là 78% và khí gây hiệu ứng nhà kính là 75% (IPCC, 2014; WWF, 2009).

Có lẽ những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu thể hiện qua số lượng và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lốc xoáy... Trong những trường hợp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém đã làm gia tăng nguy hiểm cho thị dân đối với các hiện tượng này. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy phạm vi địa lý của những hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng lan rộng nhưng đô thị vẫn có nguy cơ rất cao phải đối mặt với những hiểm họa từ biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những nỗ lực đáng kể thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu tác động, các chiến lược thích ứng với những mối nguy cũng đã được quan tâm trong thời gian gần đây (Galderisi, 2014a). Trọng tâm của sự thích ứng bắt nguồn từ nhận thức ngày càng tăng về tác động của biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực đô thị (Brugmann, 2012).

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ tổn thương với những tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, hệ thống đô thị cũng không nằm ngoài đánh giá này. Hệ thống các đô thị Việt Nam ở vào vị trí gần sông, gần biển hoặc vùng trũng thấp nên dễ phơi nhiễm và nhạy cảm với các tác động trực tiếp và tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phần lớn các đô thị Việt Nam là vừa và nhỏ được chuyển đổi từ điểm quần cư nông thôn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, các hoạt động kinh tế vẫn chưa đa dạng dẫn đến năng lực thích ứng của cả hệ thống và từng đơn vị hộ gia đình ở đô thị còn yếu kém.

Viễn cảnh dễ tổn thương đô thị đã trở thành vấn đề chính sách trong các chiến lược phát triển đô thị từ những năm đầu thập niên 2010. Các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng nhiều và gây thiệt hại lớn càng củng cố thêm sự cần thiết về các giải pháp thích ứng có hiệu quả dành cho đô thị. Từ đánh giá tính dễ tổn thương đến đánh giá khả năng thích ứng cho thấy việc tái định dạng lại việc phát triển đô thị lồng ghép yếu tố phơi nhiễm, nhạy cảm và năng lực thích ứng sẽ mang đến những triển vọng phục hồi cho đô thị tốt hơn sau các biến cố và cú sốc từ bên ngoài trong tương lai.

-----------------------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết