• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa học cộng đồng: từ lý thuyết đến thực tiễn và triển vọng cho ứng phó các vấn đề môi trường đô thị ở Việt Nam

Nguyễn Minh Quang*

Tóm tắt: Đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam đang tạo ra áp lực lớn về môi trường và suy thoái tài nguyên. Các thách thức này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do bùng nổ dân số đô thị và sự mở rộng quy mô các thành phố. Hoạt động kinh tế và cư dân đô thị có thể đối mặt với rủi ro kép nếu các thách thức môi trường đô thị cộng hưởng với tác động từ biến đổi khí hậu như nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Trong khi đổi mới công nghệ và quy hoạch đô thị tiên tiến có ý nghĩa cốt yếu trong giải quyết các vấn đề môi trường đô thị, xu hướng nổi lên gần đây của các giải pháp khoa học cộng đồng đã cho thấy hiệu quả tích cực ở các đô thị có nguồn lực giới hạn. Bài viết này nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết về sự ảnh hưởng của khoa học cộng đồng trong nghiên cứu và quản trị môi trường đô thị. Dựa trên phân tích dữ liệu nghiên cứu quốc tế, bài viết này chỉ ra tầm quan trọng của khoa học cộng đồng trong đổi mới tiếp cận nghiên cứu khoa học, giáo dục và xây dựng niềm tin cộng đồng, và thúc đẩy quyết sách dựa trên khoa học. Các tác động này được thể hiện ở hai trường hợp nghiên cứu ở Mỹ và Bỉ - nơi các dự án khoa học cộng đồng chứng minh tiềm năng giải quyết các vấn đề môi trường và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích các triển vọng áp dụng tiếp cận khoa học cộng đồng trong quản trị môi trường và thúc đẩy xã hội tri thức ở Việt Nam.

Từ khóa: Khoa học cộng đồng; Ô nhiễm môi trường; Phát triển đô thị bền vững; Quản trị môi trường; Tiếp cận từ dưới lên.

Giảng viên, Đại học Cần Thơ, email: nmquang@ctu.edu.vn.

  1. Bối cảnh và vấn đề nghiên cứu

“Khoa học cộng đồng” là một thuật ngữ bắt đầu được đề cập nhiều ở các diễn đàn về môi trường, sinh thái và biến đổi khí hậu trong vài năm gần đây. Kể cả trong hoàn cảnh đại dịch Covid- 19, khi mà hầu hết các dự án nghiên cứu bị đình trệ, các dự án nghiên cứu và hành động dựa trên tiếp cận khoa học cộng đồng vẫn phát triển, đóng góp dữ liệu hữu ích cho nhiều lĩnh vực khoa học, bao gồm các nghiên cứu chống Covid (Dinneen, 2020). Ở một số viện nghiên cứu y dược của Hoa Kỳ, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ khoa học cộng đồng để phục vụ dự báo thời điểm bùng phát, hiểu cơ chế hoạt động và triệu chứng bệnh, và trong nghiên cứu điều chế thuốc (Samuel, 2021; Dinneen, 2020). 

Hiện nay, tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ Internet và điện thoại thông minh ở phạm vi toàn cầu, đã thúc đẩy sự phát triển mau chóng của khoa học cộng đồng. Hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng địa phương trở nên dễ dàng hơn nhờ các ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép thu thập và đóng góp dữ liệu theo cách đơn giản mà bất kỳ người dân nào cũng có thể thực hiện được. Các công cụ khoa học cộng đồng hiện nay được thiết kế dựa trên các chuẩn quản lý dữ liệu nghiêm ngặt từ đầu vào đến đầu ra, bao gồm quy chuẩn đảm bảo chất lượng dữ liệu, hạ tầng dữ liệu, kiểm chứng dữ liệu, quản trị dữ liệu và các nguyên tắc đóng góp và sử dụng dữ liệu mở (Sherbinin et al., 2021). Một số nền tảng dữ liệu khoa học cộng động được sử dụng phổ biến trên thế giới gồm iNaturalist, OpenStreetMap, BioCollect, CitSci.org, NASA’s GLOBE Observer, PlantNet, Open Development Mekong, v.v.. (Liu et al., 2021).

Toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế trong khoa học cũng thúc đẩy sự hiện diện của dữ liệu khoa học cộng đồng trong các chương trình vận động chính sách ở quy mô quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu của các tổ chức quốc tế. Một số nghiên cứu gần đây của NASA và Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học cộng đồng trong “dân chủ hóa khoa học” và thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận thông tin khoa học. Dữ liệu đóng góp của cộng đồng cũng trở nên ngày càng quan trọng và được ưa chuộng đối với giới nghiên cứu, viện chính sách, các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế (Sherbinin et al., 2021). Các lĩnh vực sử dụng rộng rãi dữ liệu khoa học cộng đồng gồm đa dạng sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu, địa sinh học, nông - lâm - ngư nghiệp, phòng chống thiên tai, dịch bệnh,... Nhiều cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ, Canada, Ireland, Scotland, Nhật Bản,... đã thể chế hóa vai trò của khoa học cộng đồng. Các tổ chức thuộc Liên hợp quốc cũng đang sử dụng dữ liệu khoa học cộng đồng cho các hoạt động nhân đạo, ứng phó thảm họa và thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (Sherbinin et al. 2021; Irwin 2018).

Sự quan tâm gia tăng dành cho khoa học cộng động ở nhiều quốc gia đã đưa đến khuynh hướng nghiên cứu và quản trị môi trường theo tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) và tiếp cận nhiều bên (multi-actor) cho phép và khuyến khích sự tham gia của công chúng trong đóng góp và chia sẻ thông tin phục vụ quá trình hoạch định, thiết kế và đánh giá hiệu quả chính sách (Sherbinin et al., 2021; Quang và Borton, 2020). Một số nghiên cứu cho thấy xu hướng này rõ hơn qua các diễn đàn khoa học cộng đồng, nơi đóng vai trò kết nối các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các nhà khoa học và các chuyên gia khoa học cộng đồng cùng phối hợp để đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường và phát triển bền vững (European Commission Joint Research Centre, 2018; Lepenies và Zakari, 2021; Schade et al., 2021; Van Oudheusden và Abe, 2021). Tuy vậy, nỗ lực để định nghĩa và thúc đẩy vai trò của khoa học cộng đồng trong cấu trúc quản trị môi trường đang thay đổi vẫn còn hạn chế, gây ra các nhận thức khác nhau về khoa học cộng đồng, nhất là ở các nước đang phát triển (Froeling et al., 2021).

Ở Việt Nam, áp lực tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa ở khắp đất nước. Đô thị hóa quá mức vừa gây lãng phí quỹ đất nông - lâm nghiệp vừa tạo ra những hệ lụy thấy rõ về môi trường và đa dạng sinh học. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về giải pháp tiếp cận mới giúp tăng cường hiệu quả quản trị khí hậu và ứng phó chủ động và hữu hiệu với các vấn đề môi trường ở các vùng đô thị. Nghiên cứu này nhằm phân tích triển vọng của khoa học cộng đồng ở các đô thị Việt Nam nơi có các thách thức an ninh môi trường đang đe dọa sự phát triển bền vững và có hạ tầng số phát triển hoàn thiện để cho phép các sáng kiến khoa học cộng đồng được triển khai hiệu quả. Mặc dù khoa học cộng đồng không phải là giải pháp tiếp cận nhiều bên duy nhất trong nghiên cứu và quản trị môi trường, nhưng nó có nhiều thế mạnh vượt trội trong việc tạo ra dữ liệu quy mô lớn (crowdsourcing data) một cách mau chóng và bảo chứng cho sự bền vững của dự án nghiên cứu cũng như lan tỏa kết quả nghiên cứu rộng rãi hơn so với các giải pháp khác (Froeling et al., 2021).

Bài viết này trước hết cung cấp cơ sở lý thuyết về khoa học cộng đồng dựa trên quan điểm lịch sử để làm sáng tỏ nguồn gốc và bản chất của nó. Phần tiếp theo thảo luận về tầm quan trọng của khoa học cộng đồng đối với chính sách, khoa học và nhận thức khoa học của công chúng. Hai trường hợp nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Bỉ được sử dụng để minh chứng cho ứng dụng của khoa học cộng đồng trong nghiên cứu và ứng phó vấn đề môi trường đô thị cụ thể ở các thành phố. Phần tiếp theo thảo luận các triển vọng áp dụng khoa học cộng đồng ở Việt Nam theo các lĩnh vực cấp thiết hiện nay. Trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy khoa học cộng đồng ở nước ta vì một xã hội tri thức và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

----------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết