• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số bộ chỉ số đô thị xanh trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam

Lê Thị Thu Hiền*
Tóm tắt: Từ cách tiếp cận phát triển bền vững, trên cơ sở nguồn tài liệu trong và ngoài nước được thu thập, phân tích một cách hệ thống; bài viết góp phần làm rõ khái niệm đô thị xanh gắn với phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, giới thiệu một số bộ chỉ số đô thị xanh trên thế giới và ở Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi ý trong việc sử dụng bộ chỉ số đô thị xanh như là một công cụ trong quá trình hoạch định, thực thi, giám sát các chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Từ khóa: Bộ chỉ số đô thị xanh; Đô thị xanh, Đô thị bền vững; Phát triển đô thị.
* Tiến sĩ, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, email: lethuhien.isdn@gmail.com.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hoá ở nước ta đã và đang được diễn ra với tốc độ nhanh chóng với những hệ luỵ đối với quá trình phát triển chung. Vào thời điểm năm 1999, nước ta có 629 đô thị và đến tháng 12 năm 2020 có 862 đô thị (năm 2015 là 787 đô thị) bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III và 90 đô thị loại IV (Vũ Trọng Lâm và Nguyễn Thị Diễm Hằng, 2021). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng từ 30,5% năm 2010 lên 38,4% năm 2019 và ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020[1][2].
Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị trong quá trình đô thị hoá đã mang lại những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, các đô thị ở nước ta cũng đang đối mặt với một loạt những thách thức không nhỏ trong việc tổ chức quản lý đô thị, giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị, nước sạch, vệ sinh, nhà ở, các vấn đề môi trường, cảnh quan cũng như các vấn đề xã hội mới phát sinh từ đặc thù của cuộc sống, cách thức quản lý đô thị, tổ chức và quy hoạch không gian, liên kết. Vấn đề phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh trong thời gian gần đây đã được đặt ra một cách nghiêm túc trong bối cảnh phát triển mới của nước ta nói riêng và bối cảnh phát triển chung, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đô thị hoá trên quy mô toàn cầu (Trương Văn Quảng, 2013; Lưu Đức Hải, 2016). Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization of Economic and Cooperation Development, OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank, ADB), Liên hợp quốc (United Nations, UN) và Cộng đồng châu Âu (European Union, EU) đã đưa ra các chương trình, nghiên cứu về phát triển đô thị xanh với mục đích nâng cao nhận thức, xây dựng các chương trình hành động phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường (OECD, 2011; EIU, 2014; ADB, 2012). Các nghiên cứu về xây dựng và thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh của các tổ chức như ADB (2012, 2015), Siemens (2013) đã khẳng định khả năng hiện thực hoá khái niệm đô thị xanh và sử dụng nó như là công cụ trong việc thúc đấy phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Những năm gần đây, trong bối cảnh phát triển chung của thế giới và trước những thách thức mang tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, an ninh lương thực, vấn đề phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đã và đang được quan tâm và có những bước chuyển to lớn cả trong nhận thức cũng như hành động. Các nhà nghiên cứu đã đạt được nhiều kết quả mới trong việc nhận thức đầy đủ hơn vai trò của phát triển bền vững, tiến tới cách hiểu chung về phát triển bền vững, làm cơ sở cho các chiến lược, chương trình hành động, điều phối nhằm hướng tới một sự phát triển mang tính bền vững hơn trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các khái niệm “phát triển bền vững”, “tăng trưởng xanh” đã dần được phát triển từ những ý tưởng mang tính bao quát, khát vọng ban đầu thành những khái niệm cụ thể, được chia sẻ bởi đông đảo các cộng đồng dân cư, các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các tổ chức xã hội và dần được hiện thực hóa và lồng ghép vào trong các chương trình hành động, các kế hoạch phát triển ở các cấp.
Các nghiên cứu về đô thị bền vững, đô thị xanh được coi như là sự tiếp nối tự nhiên các nghiên cứu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cho đối tượng là các đô thị. Lĩnh vực nghiên cứu này càng trở nên quan trọng do sự tăng trưởng nhanh chóng của đô thị và quá trình đô thị hoá trên phạm vi của từng quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu. Các nghiên cứu đó chỉ ra vai trò ngày càng tăng của đô thị trong sản trong sản xuất, tiêu dùng, vai trò làm động lực phát triển, thúc đẩy nhu cầu, sản xuất, công nghệ. Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng chỉ ra đô thị cũng là nơi tập trung các nguồn gây ô nhiễm (chiếm tới 80% lượng ô nhiễm trên thế giới), các nguồn phát thải khí nhà kính toàn cầu (OECD, 2011; EIU, 2013; ADB, 2015). Do đó, đô thị trở thành một vấn đề thực sự cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với năng lực của mình, đô thị không chỉ là vấn đề mà hoàn toàn có thể giải pháp cho phát triển bền vững. Điều đó tuỳ thuộc và hành động của con người nhận thức được vấn đề, ý thức được năng lực và đưa ra các giảp pháp phù hợp thông qua xây dựng thể chế để giải quyết các vấn đề (OECD, 2013; ADB, 2015). Trong quá trình xây dựng, thực thi các giải pháp đó, bộ chỉ số mức độ phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của đô thị hoàn toàn có thể trở thành một công cụ hữu hiệu có thể góp phần giải quyết tốt các thách thức phát triển bền vững đặt ra cho quá trình phát triển đô thị. Để làm được điều đó cần tổ chức lại công tác tổ chức hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đánh giá năng lực, tổ chức thực hiện hướng tới xây dựng đô thị xanh.
--------------------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết