• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp cận kinh tế tuần hoàn của Israel qua xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị: Kinh nghiệm cho Việt Nam

Trần Thuỳ Phương*
Tóm tắt: Quốc gia Do Thái khi lập nước năm 1948 có xuất phát điểm khó khăn và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên luôn nỗ lực tối đa hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực. Do đó, mô hình nền kinh tế tuần hoàn là tối ưu để Israel hướng tới. Israel đã đạt những thành tựu khả quan trong việc tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn ở hai nội dung chính: i) Trong lĩnh vực tái chế nước thải sinh hoạt được khởi động cách đây khoảng 30 năm, đến nay đã đạt những thành tựu xuất sắc, được đánh giá là mô hình quốc gia nổi bật về tái chế nước thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp. ii) Trong lĩnh vực tái chế chất thải rắn đô thị, Israel cũng đã chính thức bắt đầu chiến lược này, coi đó là một nhân tố cốt lõi để quốc gia trở thành một nền kinh tế tuần hoàn. Trong những năm kế tiếp, nhờ những ưu thế về khoa học công nghệ hiện đại và các chính sách hỗ trợ tốt, Israel nỗ lực đạt bước tiến vượt bậc trên bản đồ thế giới trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đầy đủ. Những kinh nghiệm từ Israel về xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị là rất cần thiết cho Việt Nam tham khảo, vươn tới một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Từ khoá: Chất thải rắn đô thị; Israel; Kinh tế tuần hoàn; Nước thải sinh hoạt; Phát triển bền vững; Tái chế.
* Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, email: tranthuyphuong@iames.gov.vn
Quá trình phát triển kinh tế thường đi đôi với việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến đời sống con người. Vì thế, yêu cầu đặt ra là các quốc gia cần thay đổi chiến lược phát triển kinh tế, chú trọng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mô hình nền kinh tế tuần hoàn đã được nhiều quốc gia châu Á và châu Âu thực hiện tốt. Tiêu biểu: i) Malaysia xây dựng kế hoạch sản xuất bền vững giai đoạn 2015-2030, không chôn lấp và mở rộng vòng đời rác thải. ii) Singapore đề cao khẩu hiệu “tái chế mọi thứ”, biến rác thành năng lượng từ năm 1979 - dùng nhiệt phát điện, lọc khói trước khi thải ra môi trường, số rác còn lại bồi đắp thành một hòn đảo nhân tạo. iii) Hàn Quốc ra quy định loại bỏ chất thải từ năm 2013: yêu cầu trả phí cho số rác vượt quy định (60% số tiền đó để chi trả cho xử lý chất thải), 95% rác thải thực phẩm được tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, nước từ rác lên men thành dầu sinh học. iv) Trung Quốc đã xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển kinh tế tuần hoàn như: Ban hành Luật về Kinh tế tuần hoàn từ năm 2008, Chương trình Kinh tế tuần hoàn năm 2017, ký Biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc với EU về hợp tác kinh tế tuần hoàn năm 2018; và Định hình ba cấp độ tuần hoàn gồm vòng tuần hoàn lớn (toàn nền kinh tế), vòng tuần hoàn trung bình (quy mô vùng, tiểu vùng), vòng tuần hoàn nhỏ (quy mô doanh nghiệp, khu công nghiệp). v) Thuỵ Điển đã tuyên truyền mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của công chúng, đánh thuế cao với các loại chất thải, có ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sinh học, tái chế chất thải.
Israel nhận thức nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, trong đó các chất thải được quay vòng và trở thành nguyên liệu cho quy trình sản xuất kế tiếp, từ đó giảm rác thải, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người (Daskal S., 2020).
Việt Nam cũng xác định rõ vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đạt được các mục tiêu phát triển bền vững bằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn. Định hướng đó nằm trong lộ trình thống nhất: 1) Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2) Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 3) Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia phát triển, thu nhập cao (Vietnam, 2021).
--------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết