• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam

Lý Đại Hùng
Tóm tắt: Bài viết đánh giá vai trò của vốn đầu tư, gồm cả nội địa và quốc tế, đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh. Kinh nghiệm quốc tế dựa vào mô hình hồi quy dữ liệu mảng của 51 nền kinh tế trong giai đoạn 1991-2013, được kết hợp với phân tích nền kinh tế điển hình, để đúc rút ra một số hàm ý đối với Việt Nam. Bằng chứng thực nghiệm ghi nhận rằng vốn đầu tư nội địa đang đóng vai trò quan trọng hơn một cách tương đối so với vốn đầu tư quốc tế, trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xanh. Từ đó, các kết quả này hàm ý rằng ưu tiên chính sách sắp tới đối với Việt Nam có thể vẫn tiếp tục khai thác các nguồn lực vốn tài chính nội bộ nền kinh tế, hơn là chú trọng vốn đầu tư quốc tế.
Từ khóa: Tăng trưởng xanh; Vốn đầu tư; Việt Nam.

 

Đặt vấn đề
Vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Về lý thuyết, tăng trưởng xanh được coi như một chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Và trên thực tiễn, chiến lược này càng trở nên quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam với quan điểm phát triển nhanh và bền vững đang hướng tới mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và mức thu nhập cao vào năm 2045 (Báo Điện tử Cộng sản, 2021). Trong bối cảnh đó, bài viết này gợi mở thêm một thảo luận về vai trò của vốn đầu tư đối với tăng trưởng xanh từ góc độ kinh nghiệm quốc tế: đánh giá vai trò của vốn đầu tư, gồm cả nội địa và quốc tế, đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.
Bài viết sử dụng phương pháp phân tích hồi quy dữ liệu mảng dựa vào một mẫu số liệu gồm 51 nền kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2013. Bằng chứng thực nghiệm ghi nhận rằng vốn đầu tư nội địa đang đóng vai trò quan trọng hơn một cách tương đối so với vốn đầu tư quốc tế, trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xanh. Ngoài ra, cân bằng ngân sách công và chất lượng thể chế cũng giúp hỗ trợ tốc độ tăng trưởng xanh. Các kinh nghiệm quốc tế này hàm ý rằng chính sách sắp tới đối với Việt Nam có thể vẫn tiếp tục khai thác các nguồn lực vốn tài chính trong nội tại nền kinh tế, hơn là chú trọng vốn đầu tư quốc tế.
Bài viết đóng góp vào một số nhánh nghiên cứu liên quan đến vốn đầu tư và tăng trưởng xanh:
Trước hết, các kết quả nghiên cứu bổ sung thêm một số kết quả về các yếu tố chi phối tốc độ tăng trưởng xanh, và tăng trưởng kinh tế, như đã được Pincus (2020) khảo sát gần đây. Theo nhóm tác giả Aghion, Howitt Mayer-Foulkes (2005), tốc độ tăng trưởng kinh tế được chi phối bởi tốc độ tăng trưởng công nghệ. Yếu tố này, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào chi đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, và khoảng cách công nghệ của một nước so với nước dẫn đầu. Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế còn gồm có độ mở thương mại và chất lượng thể chế (Lee, 2017), đổi mới sáng tạo dựa trên cải cách kinh tế và thể chế (Ito, 2017), và sự gia nhập thị trường toàn cầu (Dowrick và DeLong, 2003).
Cách tiếp cận của bài viết này khác với một số bài viết đã thực hiện trước đây ở việc vận dụng bộ dữ liệu mảng về tăng trưởng xanh, được công bố chính thức và thống nhất cho nhiều nền kinh tế, bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hiện nay, khái niệm về tăng trưởng xanh dường như đã khá thống nhất, nhưng cách thức đo lường trong thực tế thì vẫn còn khá đa dạng. Nhìn chung, điểm thách thức lớn nhất đối với nhánh nghiên cứu này vẫn là sự thiếu số liệu chính thức về tốc độ tăng trưởng xanh. Để vượt qua thách thức này, bài viết sử dụng bộ số liệu đã được công bố bởi OECD (2017) để đạt được sự thống nhất về khung phân tích. Từ đó, bài viết đánh giá các kinh nghiệm quốc tế, để đúc rút ra một số hàm ý đối với nền kinh tế Việt Nam.
Hơn nữa, bài viết cũng đóng góp thêm vào nhánh nghiên cứu về vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư quốc tế. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, vốn đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như đã được chứng minh bởi mô hình tăng trưởng tân cổ điển (Solow, 1956; Swan, 1956). Theo nhóm tác giả Mankiw, Romer và Weil (1992), vốn nhân lực giúp bổ sung cho vốn tư bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn nhóm tác giả Nguyễn Văn Công và Nguyễn Việt Hùng (2014) ghi nhận rằng, sự tăng cường tỷ lệ đầu tư giúp củng cố tăng trưởng ở cấp địa phương tại Việt Nam. Kết quả quả này cũng được nhóm tác Hà Văn Sơn, Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Thanh Bình (2020) bổ sung thêm, với bằng chứng thực nghiệm ghi nhận thêm sự tương tác của vốn đầu tư với quy mô của lực lượng lao động tại các địa phương. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài thường giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng của nước nhận đầu tư (Prasad và cộng sự, 2007; Alfaro và cộng sự, 2014). So với các nghiên cứu vừa nêu trên, bài viết này làm rõ vai trò tương đối của vốn đầu tư nội địa so với vốn quốc tế. Theo đó, vốn đầu tư nội địa đóng vai trò quan trọng tương đối hơn so với vốn đầu tư quốc tế khi xem xét tác động của chúng đối với tăng trưởng xanh. Các kết quả này đã kiểm soát ảnh hưởng của chất lượng thể chế và khả năng cân đối ngân sách công.
-----------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết