• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động của tầng lớp trung lưu Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020

Tại Việt Nam, những năm đầu trong giai đoạn 2011-2020, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát cao, nợ công tăng nhanh, tỉ lệ nợ xấu cao; sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, quyết liệt, kịp thời, nhất là trong năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nên đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là tầng lớp trung lưu (TLTL) Việt Nam gia tăng nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có TLTL phát triển nhanh trong khu vực. 

Nói một cách bao quát, sự phát triển của TLTL là kết quả, thành tựu đã đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở mỗi quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bởi khi TLTL ngày càng phát triển, nó phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mà trọng tâm là tăng trưởng kinh tế, cũng như thu nhập của người dân ở nước ta ngày càng cao. Ngược lại, khi tăng trưởng kinh tế của đất nước ngày một cao và bền vững hơn, nó phán ánh tình trạng, quy mô nghèo đói ngày càng được thu hẹp nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tạo bàn đạp vững chắc cho TLTL phát triển.

Hơn nữa, sự phát triển nhanh của TLTL ở nước ta còn được cho như là một nhân tố quan trọng góp phần đáng kể giúp nước ta chuyển sang nhanh nấc thang phát triển mới và bền vững hơn. Nghiên cứu cho thấy, sự phát triển của TLTL có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cụ thể là thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài tác động bao trùm của TLTL đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tầng lớp này còn tác động rất tích cực đến các nhân tố kinh tế - xã hội cụ thể đáng chú ý sau đây:

Tác động của TLTL đến tăng trưởng kinh tế

Sự gia tăng nhanh chóng của TLTL tất yếu không chỉ kéo theo cầu tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, mà còn cho thấy mức tiết kiệm của tầng lớp này cũng ngày càng tăng. Điều này không chỉ góp phần quan trọng phản ánh đầu ra và đầu vào của nền kinh tế được thông suốt hơn, mà còn phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng được cải thiện hơn, nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu bởi sức mạnh nội vi của nền kinh tế. Do đó, hạn chế tối đa được những tác động tiêu cực ngoại vi, nhất là những biến động, suy thoái tiềm ẩn từ các thị trường xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, dù trải qua nhiều tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, nhưng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Có được thành tựu này, trước hết phải kể đến việc dựa vào đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta từ tập trung chủ yếu vào chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng cũng thể hiện sức chống chịu đáng kể, trong đó có sức mạnh của TLTL.

Dưới góc độ tiêu dùng, chi tiêu của cá nhân hay của hộ gia đình là một thành tố quan trọng cấu thành GDP. Như vậy, khi TLTL ở Việt Nam gia tăng nhanh và quy mô ngày càng được mở rộng, mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn, kéo theo sự gia tăng tổng mức chi tiêu trong toàn xã hội và kết quả là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Số liệu nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, chi cho tiêu dùng của hộ gia đình trong giai đoạn 2014-2018 và dự báo đến 2021 đóng vai trò ngày một quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vì nó chiếm tỷ trọng cao nhất so với các yếu tố cơ bản có đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Hình 1: Các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP Việt Nam (%)

                                                                                                                                                                    Nguồn: WB.

Tác động của TLTL đến xóa đói giảm nghèo

Tác động của TLTL đến xóa đói, giảm nghèo được thể hiện rõ nét khi TLTL ngày càng gia tăng, nó phản ánh tình trạng đói nghèo ở nước ta ngày càng giảm. Điều này được lý giải như sau:

TLTL là “bến vươn tới” và là “điểm tựa”, “bệ đỡ” cho các tầng lớp có mức sống thấp hơn, tạo dịch chuyển xã hội sang nấc thang phát triển mới cao hơn. Theo xu hướng phát triển, TLTL với mức chi tiêu tối thiểu trên 15 USD/ngày/người là kỳ vọng, đích đến của các tầng lớp có mức sống thấp hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của TLTL còn thể hiện ở vai trò là lực lượng đi tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ thiết thực cho tầng lớp nghèo và dễ bị tổn thương cải thiện mức sống. Tại Việt Nam, số liệu của WB cho thấy, đến năm 2016, 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, hơn 13% dân số thuộc TLTL theo chuẩn thế giới. Trong khi đó, số người dễ bị tổn thương về kinh tế cũng đã giảm từ 32% năm 2010 xuống còn 21,1% năm 2016.

Xét chung cho cả 2 nhóm là nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế và nhóm nghèo đói cũng cho thấy đã giảm nhanh trong giai đoạn 2010-2016, từ khoảng 50% dân số năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2016. Điều này cho thấy, các hộ gia đình không chỉ đang nỗ lực thoát nghèo, mà họ còn có thể nhanh chóng thoát ra khỏi nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế để chuyển sang các nhóm cao hơn. Đây là những thành tựu đã đạt được và nó trở thành xu hướng dường như bền vững hơn bởi sự tiếp tục gia tăng nhanh chóng số người thuộc TLTL ở Việt Nam.

TLTL gia tăng kéo theo sự chuyển dịch việc làm từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác có năng suất cao hơn với mức thu nhập cao hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp vào thành tựu xóa đói, giảm nghèo quốc gia. Đây chính là vai trò “điểm tựa”, “bệ đỡ” của TLTL đối với tầng lớp có mức sống thấp hơn trong xã hội.

Có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước. Không những vậy, cách thức tính toán và xác định tiêu chí về hộ nghèo luôn được thay đổi, cập nhật với tình hình thực tế, phù hợp với cách tính chung của quốc tế nhằm làm cho công tác xóa đói, giảm nghèo được đa chiều và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu xóa đói, giảm nghèo rất đáng khích lệ. Dự báo, những thành tựu giảm nghèo của nước sẽ tiếp tục đạt được trên nhiều phương diện hơn trong thời gian tới, trong đó có đóng góp không nhỏ của TLTL.

Tác động của TLTL đến chất lượng và năng suất lao động (NSLĐ)

Tác động từ TLTL đến chất lượng và NSLĐ trong điều kiện, bối cảnh nước ta là một quốc gia đang phát triển được biểu hiện khi quy mô TLTL ngày càng lớn, tất yếu phản ánh chất lượng và NSLĐ trong nền kinh tế ngày càng tăng. Điều này được biểu hiện ở nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến yếu tố thu nhập tăng. Thu nhập tăng chính là nhân tố tổng hợp phản ánh chất lượng và NSLĐ được cải thiện. Điều này được lý giải như sau:

Đa số những người thuộc TLTL đều có trình độ, kỹ năng, tay nghề và có việc làm, nghề nghiệp ổn định, nên sự gia tăng số lượng TLTL sẽ kéo theo sự cải thiện về chất lượng cũng như NSLĐ toàn xã hội. Số liệu ở Hình dưới đây cho thấy, trong giai đoạn 2010-2017, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo trên phạm vi cả nước nói chung, cũng như tại cả 2 khu vực thành thị và nông thôn nói riêng đều có xu hướng gia tăng. Minh chứng cho điều này, có thể thấy, kể từ năm 2014, TLTL tại Việt Nam cũng được cho là bước vào giai đoạn ngày càng gia tăng nhanh nên tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tất yếu cũng có tốc độ tăng nhanh, cụ thể là từ 19,6% năm 2014 đã tăng lên 23,1% năm 2017.

Hình 2: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo phân theo thành thị, nông thôn (%)

                                                                                                                                    Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Như vậy, có thể thấy, sự gia tăng số lượng lao động đã qua đào tạo cũng có mối quan hệ hữu cơ, cùng chiều với sự gia tăng TLTL. Đây chính là một tiêu chí quan trọng cho thấy chất lượng và NSLĐ cũng được cải thiện đáng kể theo thời gian. Số liệu được mô tả trong Hình dưới đây cho thấy tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo tăng lên hàng năm cũng hàm ý bao gồm cả việc được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết, nhất là các kỹ năng liên quan tới thực hành nghề, qua đó tạo thành động lực trực tiếp thúc đẩy việc cải thiện NSLĐ.

Hình 3: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo và NSLĐ

                                                                                                                                     Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trên phương diện phát triển bền vững, TLTL ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh sẽ càng biểu hiện hoặc tiếp sức mạnh hơn cho trục phát triển nguồn nhân lực nói chung nhanh hơn, cho việc tăng tốc trong cải thiện NSLĐ nói riêng một cách bền vững hơn. Bởi phát triển nguồn nhân lực hay nâng cao NSLĐ cũng phải xuất phát chủ yếu từ giáo dục và đào tạo. Đây được coi là nhân tố quan trọng có tác động tích cực và quyết định hướng phát triển của xã hội, giúp xoá đói giảm nghèo. Liên quan đến khía cạnh này, các chuyên gia cũng đều có chung nhận định là trình độ học vấn có liên hệ nhất định đối với việc gia tăng cơ hội tiếp cận việc làm cũng như khả năng nâng cao thu nhập, dịch chuyển kỹ năng và dịch chuyển xã hội của mỗi cá nhân lên tầm cao hơn. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, lao động có chuyên môn, tay nghề cũng có cơ hội tiếp cận và lĩnh hội tri thức nhiều hơn so với lao động không có chuyên môn, kỹ thuật nên nhóm lao động này cũng có cơ hội hơn để nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống theo chiều sâu để từng bước chuyển dịch lên các thang bậc kinh tế cao hơn, từ thoát nghèo, tới thoát nghèo bền vững, gia nhập nhóm an toàn về kinh tế, rồi gia nhập TLTL.

Bên cạnh đó, TLTL cũng là những người hiểu rõ vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình và các thế hệ tương lai, nên sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo con cái họ. Với xu hướng này, sự phát triển của TLTL cũng gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng và NSLĐ bền vững toàn xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc nâng cao chất lượng và NSLĐ là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thời gian qua, chất lượng và NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Có được điều này cũng phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của TLTL.

------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.

2. Tổng cục Thống kê (2016), NSLĐ của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. 

3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo điều tra lao động, việc làm các năm 2016, 2018, 2019.

4. Nguyễn Bích Lâm (2018), “NSLĐ của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng NSLĐ”, Tổng cục Thống kê

5. WB (2018), Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

Cập nhật lúc: 27/07/2021 10:31:23 AM


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22616 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết