• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả và hạn chế trong thực hiện đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. (Theo khoản 7, điều 3 giải thích từ ngữ, Chương I Quy định chung, luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14). ĐTM được xem là công cụ quản lý môi trường với tính chất ngăn ngừa, giúp chọn phương án tối ưu để khi dự án được triển khai có thể hạn chế đến mức tối đa, tác động không tốt đến môi trường. Ngoài ra ĐTM còn giúp nhà quản lý tăng chất lượng của việc đưa ra quyết định.

Đối với công tác ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành, phát triển và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra cho công tác ĐTM là tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Dựa trên các quy định, chính sách đã được xây dựng và ban hành, công tác ĐTM đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể:

  • Các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, thủ tục thẩm định ĐTM được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng của công tác thẩm định.
  • Nội dung và chất lượng của báo cáo ĐTM ngày càng có những tiến bộ nhất định. Nhiều dự án trước khi vận hành chính thức đã được xác nhận thực hiện các công trình BVMT theo yêu cầu của báo cáo ĐTM. Dựa trên quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không đảm bảo các yêu cầu về BVMT. Như vậy, có thể thấy ĐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác BVMT.
  • Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT ngày càng hoàn thiện, đã được thiết lập từ cấp Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông và toàn xã hội ngày càng quan tâm hơn đến công tác ĐTM. Việc tham vấn ý kiến cộng đồng khi thực hiện ĐTM trở thành yêu cầu bắt buộc, thể hiện sự dân chủ, nhân văn, khoa học… và đang từng bước tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hạn chế còn hiện hữu cần được nghiên cứu, thảo luận rộng rãi và đưa ra giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới của Việt Nam. Chất lượng báo cáo ĐTM còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định. Công tác ĐTM và quản lý ĐTM chưa đạt hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, cụ thể:

  • Một số quy định trong hệ thống văn bản pháp luật về BVMT chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và khoa học, các quy định về việc lập lại ĐTM chưa thực sự rõ ràng; việc quy định về đánh giá tác động sức khỏe cộng đồng, xã hội áp dụng cho tất cả các loại hình dự án là không phù hợp và khó khả thi. Đến nay, chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát công tác BVMT của dự án cho tất cả các công đoạn từ chuẩn bị, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại và đóng cửa dự án. Ngoài ra, một số quy định trong các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật BVMT còn thiếu tính đồng bộ.
  • Trong hoạt động thẩm định thiết kế dự án, theo ngôn ngữ của ĐTM, thiết kế của dự án quyết định nguồn tác động đến môi trường, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham gia góp ý đối với thiết kế cơ sở của dự án, không có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết cho các bước tiếp theo của dự án do chính chủ đầu tư phê duyệt, do vậy trong một số trường hợp (đối với các chủ đầu tư có nhận thức hạn chế về BVMT), mức độ tin cậy về thiết kế của dự án có những giới hạn nhất định. Đây là một trong những thách thức cho cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM.
  • Trong một số trường hợp, vì sức ép tăng trưởng kinh tế, một số ngành, địa phương xem nhẹ vai trò của công tác ĐTM. Ngoải ra, cũng có những trường hợp quá trình ĐTM chưa dự báo đúng mức, chưa lường trước các vấn đề môi trường nhạy cảm, phức tạp của dự án sẽ nảy sinh.
  • Việc đầu tư ngân sách cho công tác ĐTM còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐTM. Các thông tin dữ liệu về hiện trạng môi trường vật lý, các yếu tố kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống, trong khi đó, đây là những thông tin rất quan trọng phục vụ cho công tác ĐTM.
  • Kinh phí cho đào tạo tập huấn, hợp tác quốc tế về lĩnh vực ĐTM chưa được đầu tư thích đáng, chưa đủ nguồn lực để tiến hành ĐTM tổng hợp cho vùng, lãnh thổ và ĐTM xuyên biên giới.

            Để hoàn thiện hệ thống và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác ĐTM tại Việt Nam, một số giải pháp được đề xuất bao gồm:

Thứ nhất, cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, tham khảo hệ thống ĐTM của một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Thứ hai, tiến hành sửa đổi các quy định về ĐTM cho cả 3 cấp độ là Luật, Nghị định, Thông tư, trong đó định hướng công tác ĐTM, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức và tiếp cận hài hòa với các quy định quốc tế.

Thứ ba, cần xây dựng quy trình kỹ thuật ĐTM, đề xuất cấu trúc, nội dung của báo cáo ĐTM cho từng danh mục dự án; Xây dựng quy trình kiểm tra, xác nhận công tác BVMT theo từng giai đoạn của dự án và theo các cấp độ khác nhau; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thẩm định báo cáo ĐTM, hình thành bộ tiêu chí thẩm định ĐTM thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường… Như vậy mỗi ĐTM đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều thành phần chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và được đào tạo bài bản về ĐTM.

Thứ tư, cần sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội từ chủ đầu tư cho đến các cấp có thẩm quyền. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí - lợi ích để đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

----------------------------

Tài liệu tham khảo

Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 7, khoản 3, chương ILuật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14

Mai Thế Toản, Hoàng Thanh Nguyệt, 2016, Thực trạng và đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống đánh giá tác động môi trường trong quá trình xét duyệt dự án đầu tư, Tạp chí Môi trường số 8/2016

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

Cập nhật lúc: 29/07/2021 11:11:00 AM


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22621 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan