Vai trò của tín dụng vi mô cho phát triển nông nghiệp, nông thôn: Trường hợp xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
Tóm tắt:
Tín dụng vi mô góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Thị trường tín dụng nông thôn có sự hoạt động đan xen giữa ba loại hình tín dụng là chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Mặc dù không được đảm bảo về mặt luật pháp nhưng do bản chất không hoàn hảo của thị trường tín dụng nên tín dụng phi chính thức đang tồn tại và hoạt động mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Bằng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp và điều tra thực địa, bài viết đi vào nhận diện các hình thức tín dụng đang hoạt động tại địa bàn nghiên cứu cũng như chỉ ra các điểm mạnh và hạn chế của các loại hình tín dụng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những tác động về mặt kinh tế đối với các hộ gia đình, tín dụng vi mô còn có những tác động xã hội mang tính tích cực.
Đặt vấn đề
Tín dụng vi mô (microcredit) đóng vai trò quan trọng trong việc cấp các khoản vay nhỏ cho hộ nghèo trong thị trường tín dụng ở nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, cung tín dụng vi mô đến các hộ gia đình ở nông thôn vẫn còn là một nhiệm vụ khó khăn do bản chất không hoàn hảo của thị trường tín dụng nông thôn. Bên cạnh đó, các thủ tục cho vay cũng góp phần giới hạn hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp tiếp cận tín dụng. Nhìn chung, các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp phải đối mặt với hai vấn đề chính trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Trước tiên, hầu hết các hộ nghèo không có tài sản thế chấp và không thể đi vay dựa trên mức thu nhập của họ. Thứ hai, các tổ chức tín dụng cho rằng chi phí giao dịch cho một khoản vay bất kể lớn hay nhỏ gần như tương đương.
Trong khi lợi ích trên một hợp đồng cho vay lớn thường lớn hơn gấp nhiều lần lợi ích mang lại từ các khoản vay nhỏ. Ví dụ, cho vay cá nhân hoặc cho vay thông qua chương trình tín dụng vi mô mang lại lợi tức trên vốn vay thấp hơn cho vay doanh nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ bên ngoài, các hộ nghèo ở nông thôn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức. Vì vậy, họ tìm đến các nguồn tín dụng thay thế, tín dụng phi chính thức. Cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng chính thức thông qua các chương trình tín dụng vi mô được xem như là một công cụ chiến lược nhằm để hỗ trợ vốn cho đại đa số hộ nghèo ở nông thôn. Mặc dù sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tín dụng nông thôn thông qua các chương trình tín dụng vi mô đang gây tranh cãi, hoạt động can thiệp này vẫn đang được chấp nhận rộng rãi bởi vì nó có thể điều chỉnh những thất bại của các thị trường tín dụng nông thôn.
Ở khu vực nông thôn Việt Nam, cả hai loại hình tín dụng chính thức và phi chính thức này tồn tại song song và chúng vừa có vai trò bổ sung và thay thế trong nguồn cung tín dụng cho hộ gia đình, tuy nhiên sự cùng tồn tại và tương tác của cả hai nguồn tín dụng này chưa được đề cập và nghiên cứu rộng rãi. Mặt khác, các nghiên cứu gần đây về loại hình tín dụng phi chính thức thường xem xét và phân tích các tác động mang tính tiêu cực đối với sự phát triển của các hộ gia đình. Do vậy, bài viết “Vai trò của tín dụng vi mô cho phát triển nông nghiệp, nông thôn: trường hợp xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội” sẽ phân tích thực trạng hoạt động của tín dụng vi mô tại địa bàn nghiên cứu, từ đó chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế của mỗi loại hình và vai trò của các loại hình tín dụng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi tiết xin xem file đính kèm.