• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số thành tựu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam

An ninh năng lượng (ANNL) có thể được coi là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam hiện nay, tầm quan trọng và vai trò của đảm bảo ANNL được nhận thức ngày càng rõ ràng hơn. Từ đó, công tác quản lý về năng lượng đã có những bước tiến quan trọng. Khung pháp lý cho lĩnh vực năng lượng đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Nhiều chính sách, chiến lược then chốt cho phát triển năng lượng bền vững nhằm mục tiêu đảm bảo ANNL đã được ban hành, tiêu biểu như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam,  Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo (REDS), Những đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030 (QHĐ7 điều chỉnh), Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3),…

Dựa trên các chính sách, chiến lược trên, Việt Nam có thể định hình được xu hướng phát triển năng lượng trong tương lai và có những hướng đi phù hợp nhằm đảm bảo ANNL. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong đảm bảo ANNL được thể hiện qua nhiều khía cạnh, bao gồm:

Công nghiệp khai thác dầu khí phát triển mạnh

Tính đến cuối năm 2019, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước). Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo ANNL đất nước. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. PVN hiện đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn gồm: 1) Đường ống dẫn khí Bể Cửu Long - Dinh Cố - Phú Mỹ, cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; 2) Đường ống Nam Côn Sơn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; 3) Đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; 4) Đường ống PM3 CAA - Cà Mau: cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Tây Nam Bộ; và 5) Đường ống Hàm Rồng - Thái Bình cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Bắc bộ. Các đường ống dẫn khí của PVN hàng năm cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí, đáp ứng sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.

Ngành than có nhiều bước tiến nổi bật

Năm 2019, sản lượng than sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt từ 40,5 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2018 và tăng khoảng 6 lần so với năm 1995 với sản lượng chỉ ở mức 7 triệu tấn. Sau 25 năm xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập năm 1995, TKV đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn than. Để đạt được sản lượng này, TKV đã thực hiện đào 5,2 ngàn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm. Tổng doanh thu than từ 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 đã tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng vào năm 2018, gấp 47,6 lần; năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người-năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995.

TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến (-350) và (-500) mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn. Nếu như năm 2008, tỷ lệ khai thác than bằng CGH chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng than khai thác, thì đến nay đã tăng lên 15%. Số mét lò chống bằng công nghệ neo năm 2019 vượt trên 40.000 mét, đạt trên 18% tổng số mét lò đào. Cùng với đó, cơ giới hoá, tự động hoá cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò.

Điện gió và điện mặt trời phát triển với tốc độ cao

Năm 2019, tổng công suất điện mặt trời và điện gió của Việt Nam tăng gấp 100 lần so với năm 2013 và chiếm tỷ lệ 9,2% tổng công suất đặt nguồn điện (1). Cụ thể, năm 2013, Việt Nam chỉ đạt công suất 46 MW điện gió và 4 MW điện mặt trời. Tới năm 2019, tổng công suất cho cả hai loại nguồn này đạt tới 5.039 MW, bao gồm 274 MW điện gió và 4.765 MW điện mặt trời, vượt xa mục tiêu 1GW năng lượng mặt trời được đặt ra cho năm 2020. Theo ASEAN Post, công suất điện mặt trời của Việt Nam 2019 chiếm tới 44% tổng công suất cả khu vực Đông Nam Á (2).

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ

Năm 2019, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia đạt khoảng 54.850 MW, đứng thứ thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện (3). Hệ thống lưới điện từ các công trình siêu cao 500 kV, 220 kV, 110 kV đến các cấp điện áp phân phối được phát triển đồng bộ, đảm bảo cung cấp điện tới hộ tiêu dùng cả nước. Tính tới hết năm 2014, điện đã được đưa về tận 99,9% số xã và 98% số hộ dân trên cả nước. Ngoài chủ trương phát triển nguồn và lưới điện đồng bộ, ngành Điện đã tập trung phát triển, xây dựng mới, củng cố cải tạo hệ thống điện nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt trong hai năm 2013 - 2014 đã đưa điện ra nhiều đảo lớn như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn và các đảo khác.

Bên cạnh đó, nhiều dự án về truyền tải điện quốc gia như đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, 500 kV Sơn La - Lai Châu và hàng loạt các dường dây 220 kV khác cũng được phát triển đồng bộ. Các công trình đều vượt tiến độ thi công, đảm bảo kỹ thuật, cải tạo và nâng cấp một số tụ bù ngang, bù dọc ở các trạm Thường Tín, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku để nâng công suất truyền tải điện vào miền Nam lên tới 3.000 MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho miền Nam, khắc phục tình trạng thiếu điện trước đây của miền Nam. Một trong những thành công lớn của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là đầu tư xây dựng khép kín lưới điện mạch vòng 500 kV, 220 kV cho khu vực miền Nam, đảm bảo cung cấp đủ điện cho khu vực này, ổn định hệ thống và đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục.

Nhiều giải pháp giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện

Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp

Nhiều giải pháp đã được thực hiện trong ngành thép, xi măng và dệt may như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, thu hồi nhiệt thải để phát điện và sấy nguyên liệu, sử dụng tối ưu công suất động cơ, thiết bị, trang bị hệ thống chiếu sáng hợp lý… (Hộp 3). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành này đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến liên quan đến tiết kiệm năng lượng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (2017), việc sử dụng năng lượng hiệu quả ở 5 ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (sắt thép, xi măng, phân bón, lọc hóa dầu và công nghiệp giấy và bột giấy) sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính hơn 600 triệu tấn CO2 tương đương giai đoạn 2010-2050 ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ được 585 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng. Đến hết năm 2016, Chương trình đã hỗ trợ được hơn 150 doanh nghiệp xây dựng mô hình quản lý năng lượng (Bộ Công Thương 2018).

Sử dụng tiết kiệm nhiên liệu trong giao thông vận tải

Các hãng hàng không đã tổ chức nghiên cứu và triển khai áp dụng nhiều giải pháp (rút ngắn đường bay trong nước và quốc tế, tối ưu hóa tốc độ bay, thực hiện các giải pháp quản lý khí thải…). Trong khi đó, ngành vận tải đường sắt đã thực hiện biện pháp tiết kiệm nhiên liệu như ứng dụng công nghệ ray hàn liền không mối nối để tăng tốc độ chạy tàu; xây dựng lại định mức tiêu hao nhiên liệu và khoán mức tiêu thụ nhiên liệu cho các đơn vị; ban hành quy định về sử dụng điều hòa trên toa xe khách, bảo đảm công tác bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ… Về giao thông đường thủy, hệ thống đèn báo hiệu sử dụng năng lượng mặt trời với 5.165 chiếc đã được đưa vào sử dụng trên các tuyến đường thủy nội địa (chiếm 76% tổng số đèn báo hiệu), thay cho các đèn điện công nghệ cũ (MPI&GIZ 2017).

Ban hành tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (4) và dán nhãn năng lượng (5)

Hiện nay, Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và quy định dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm. Tại Việt Nam, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt đầu triển khai từ năm 2008. Bộ Công Thương đã triển khai theo hình thức tự nguyện, bắt buộc thực hiện từ ngày 01/7/2013. Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 500 MW (6). Từ khi chương trình áp dụng chế độ bắt buộc, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2012, chỉ có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn (7). Đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra thị trường.

Theo Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm. Năm 2015, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được do loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60 W khoảng 1,5 tỷ kWh/năm. Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% điện năng vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030 so với các sản phẩm không được dán nhãn (VCEA 2019).

Chú thích

  1. http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/muoi-su-kien-noi-bat-cua-nganh-nang-luong-viet-nam-nam-2019.html
  2. https://theaseanpost.com/article/vietnam-leading-aseans-solar-pv-market
  3. http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-luc-viet-nam/65-nam-ngay-truyen-thong-nganh-dien-luc-viet-nam.html
  4. Hiệu suất năng lượng là chỉ số biểu thị khả năng của phương tiện, thiết bị chuyển hóa năng lượng sử dụng thành năng lượng hữu ích. Mức hiệu suất năng lượng tối thiểu là mức hiệu suất năng lượng thấp nhất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà dưới mức đó, thiết bị sẽ chịu sự quản lý đặc biệt.
  5. Nhãn năng lượng là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
  6. http://tietkiemnangluong.com.vn/tin-tuc/nhan-nang-luong/t26213/chuong-trinh-tieu-chuan-hieu-suat-nang-luong-va-dan-nhan-nang-luong-tren-the-gioi-va-tai-viet-nam.html
  7. https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bo-cong-thuong-sua-%C4%91oi-va-thay-the-quy-%C4%91inh-ve-dan-nhan-nang-luong-108887-22.html

------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Công thương, 2018, Chương trình quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
  2. MPI&GIZ, 2017, Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2013-2017, Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do GIZ hỗ trợ.
  3. VCEA, 2019, EVNNPT sẽ đảm bảo truyền tải công suất điện từ các dự án năng lượng tái tạo, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam, số 28, tháng 01/2019, p.12-14

Trích nguồn:NCIF

Cập nhật lúc: 29/07/2021 11:10:00 AM
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22622 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...