Sinh kế của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai: Nghiên cứu trường hợp xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Tóm tắt:
Bài viết sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, bảng hỏi bán cấu trúc và phân tích SWOT nhằm đánh giá sự thay đổi sinh kế của người dân tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là trận lũ diễn ra tại thời điểm tháng 10/2017. Nhìn chung, sinh kế của người dân trên địa bàn đã có sự chuyển dịch đáng kể từ hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Mặc dù vậy hoạt động phi nông nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn và vẫn chưa có nhiều hỗ trợ chuyển đổi sinh kế phù hợp cho người dân để đa dạng hóa hơn. Hoạt động nông nghiệp cũng bị hạn chế nhiều bởi sự eo hẹp về quỹ đất trên địa bàn. Những vấn đề trên làm cho sinh kế của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn và thiếu bền vững.
Trên cơ sở các nhận định nêu trên, các khuyến nghị về mặt chính sách bao gồm: (i) Phát triển các hoạt động sinh kế nhằm thích ứng với rủi ro thiên tai cho các hộ gia đình; (ii) Tăng cường sự trợ giúp của cộng đồng, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp; (iii) Xây dựng các mô hình quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ phát triển sinh kế .
1. Giới thiệu
1.1 Sinh kế và sinh kế bền vững
Hiện nay sinh kế bền vững đang là mối quan tâm hàng đầu của con người, là điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển nâng cao đời sống xã hội nói chung, các hộ gia đình nói riêng. Vì vậy, đây là chủ đề thu hút sự chú ý trong các tranh luận về phát triển, xóa đói giảm nghèo, di dân tái định cư, hay ứng phó với thiên tai.
Về mặt lý luận, cách tiếp cận sinh kế bền vững dựa trên sự phát triển các tư tưởng giảm nghèo, cách thức con người duy trì cuộc sống và tầm quan trọng của các vấn đề thể chế. Với việc lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, cách tiếp cận này tập trung vào các hoạt động giảm nghèo bằng cách để người nghèo tự xây dựng cuộc sống dựa trên các cơ hội của họ, sự hỗ trợ trong tiếp cận được các nguồn lực và một môi trường thuận lợi về thể chế cũng như chính sách để có thể hiện thực hóa các cơ hội đó.
Về mặt thực tiễn, cách tiếp cận sinh kế bền vững xuất phát từ mối quan tâm về tính hiệu quả của hoạt động phát triển với kỳ vọng rằng việc đặt trọng tâm vào con người sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu giảm nghèo. Điều này khác với những nỗ lực giảm nghèo trước đây thường có xu hướng tập trung vào tăng cường các nguồn lực hoặc cung cấp các dịch vụ hơn. Chính vì vậy, các nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn về sinh kế bền vững luôn có một vai trò quan trọng nhất định trong xóa đói giảm nghèo khi mà hiện nay nhu cầu của con người, đặc biệt là của người nghèo luôn được ưu tiên trong mọi chính sách và hoạt động phát triển của mỗi quốc gia.
Trên thế giới, khái niệm về sinh kế bền vững được bắt nguồn từ tư tưởng phát triển bền vững trong báo cáo của Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển (WECD) nay là Ủy ban Bruntland (WECD, 1987) và Báo cáo phát triển con người đầu tiên của UNDP (1990). Đó là tập trung vào người nghèo và nhu cầu của họ; tầm quan trọng của sự tham gia của người dân; nhấn mạnh vào tính bền vững và những giới hạn về sinh thái. Về sau, khái niệm này xuất hiện trong các nghiên cứu của Chambers và Conway (1992); sau đó được phát triển cụ thể hơn qua nghiên cứu của Scoones (1998), của Cơ quan phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) vào năm 1999. Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho rằng sinh kế là bao gồm khả năng, nguồn lực và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người. Một sinh kế được coi là bền vững khi: (i) Có khả năng phục hồi và thích ứng với những cú sốc từ bối cảnh bên ngoài như thiên tai, lũ lụt...; (ii) Không phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài; (iii) Duy trì được năng suất dài hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và (iv) Không làm phương hại đến sinh kế khác.
Trong phạm vi bài viết này, khái niệm về sinh kế dựa trên cách quan niệm sinh kế trong nghiên cứu DFID, và được hiểu là khả năng, các nguồn lực và các hoạt động sinh kế cần thiết để kiếm sống ở cấp hộ gia đình. Sinh kế có bền vững hay không ngoài các nguồn lực nội tại của mỗi hộ gia đình còn phụ thuộc các yếu tố bên ngoài khác như cơ chế chính sách và các chương trình hỗ trợ sinh kế.
Chi tiết xin xem file đính kèm