• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số hạn chế trong công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và giải pháp khắc phục

Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Chuẩn nghèo xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Về tài chính, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. 

Ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/TTg ngày 2/9/2016 là 41.449 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng). Đến năm 2020, Ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016¬2020 là 42.334,618 tỷ đồng/kế hoạch 41.449 tỷ đồng (đạt 101,02%). 

Nguồn các tổng công ty, doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ các huyện nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 93.289,683 tỷ đồng. Trong đó: vốn Trung ương 42.334,618 tỷ đồng (45,3%); vốn địa phương đối ứng cho chương trình và thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh, bao gồm cả vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác 10.065,605 tỷ đồng (10,8%); vốn xã hội hóa dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo của địa phương 22.112 (23,6%); vốn ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp 18.594,434 (19,9%)…

Một số hạn chế trong công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

Thứ nhất, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng qua số liệu về chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 (20% dân số giàu nhất) và nhóm 1 (20% dân số nghèo nhất) năm 2014 là 9,7 lần, tăng lên 10 lần vào năm 2018.

Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019). Điều này đòi hỏi cần tiếp tục phải có những giải pháp hiệu quả, phù hợp hơn để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

Thứ hai, chính sách giảm nghèo vẫn còn tình trạng vừa trùng lặp vừa dàn trải, phân tán với mức hỗ trợ thấp… đã làm giảm tính hiệu quả của các chính sách. Còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp nên chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, làm phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp và của bản thân người nghèo, xu hướng nhiều địa phương, huyện, xã và người dân muốn vào danh sách đối tượng nghèo để được trợ giúp khá phổ biến.

Thực tế hiện nay, các cấp địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chính sách và bố trí nguồn lực phù hợp với địa phương do bị giới hạn về thẩm quyền và ngân sách thực hiện trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo thường đặt mục tiêu cao, nhiều chính sách ban hành mà không dựa vào cân đối nguồn lực, không có đủ nguồn lực để thực hiện…

Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ rang. Hoạt động giám sát và đánh giá chưa được tổ chức một cách có hệ thống và đồng bộ. Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá chưa thống nhất.

Một số giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới

Trước tiên, cần tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả. Đồng thời tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò… và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.

Hai là, thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương, lấy ý kiến nhân dân và tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo mục tiêu của các chương trình đã đề ra. Cần xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân. 

Ba là, tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện. 

Bốn là, tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên. Dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, cần quan tâm đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ thành giải pháp cơ bản để nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới. 

Cuối cùng, xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giảm nghèo cho phù hợp. Để chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo, đào tạo là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Do đó, trong các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Dũng Hiếu (12/2020), Xóa đói giảm nghèo vẫn còn gian nan, Tạp chí điện tử

2. Ủy Ban dân tộc và Tổng cục thống kê (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thành tựu trong công tác giảm nghèo ở nông thôn giai đoạn 2010 - 2020; định hướng, giải pháp trong giai đoạn 2021 – 2025

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

Cập nhật lúc: 28/07/2021 11:11:00 AM


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22619 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết