• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển năng lượng xanh trong mối quan hệ với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Hiện nay, tại Việt Nam, cơ cấu cung ứng năng lượng theo kiểu truyền thống đang dần đi đến tới hạn và bộc lộ nhiều hạn chế. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, nhu cầu tăng cao về năng lượng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, nhận thức của con người về những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững cũng ngày một được nâng cao, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn, cũng như nhiều áp lực hơn đối với việc vừa phải thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường.

Cùng chung xu hướng với khu vực và thế giới, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tiếp cận đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đa dạng các loại hình năng lượng, chú trọng tập trung các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Quá trình phát triển, vận hành và cung ứng các loại hình năng lượng xanh mang những đặc điểm khác biệt đáng kể khi so sánh với cơ cấu năng lượng truyền thống, như những yêu cầu về phụ tải, điều chỉnh chênh lệch điện áp hoà lưới, … cũng như không ngừng đặt ra các thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực vận hành hệ thống. Việc có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, có chiến lược phát triển, quy hoạch rõ ràng, đồng bộ tăng trưởng năng lượng tái tạo với tăng trưởng ngành năng lượng nói chung của quốc gia qua từng thời kỳ phát triển, quy hoạch cả trong ngắn hạn và dài hạn sẽ tạo tiền đề để các loại hình năng lượng tái tạo phát huy triệt để lợi thế và vai trò trong góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế và phát triển của quốc gia.

  1. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhìn từ phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam

Việt Nam hiện nay đang được xếp hạng là nước có mức tiêu thụ than đá cho sản xuất và cung ứng điện lớn thứ 20 thế giới. Nhưng với kế hoạch tăng trưởng năng lượng đạt 55GW cùng với hàng loạt dự án xây mới nhà máy nhiệt điện đến 2030, Việt Nam được dự báo sẽ vươn lên là nước tiêu thụ than lớn thứ 8, bằng với mức tiêu thụ của cả Nga và Indonesia cộng lại, mặc dù dân số Việt Nam lúc đó dự tính chỉ bằng 2/3 của Nga và 1/3 của Indonesia. Điều này có nghĩa là ít nhất trong 20 năm tới, nhiệt điện vẫn là nguồn cung năng lượng chủ yếu của đất nước. Như vậy, sự lệ thuộc vào nguồn than nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) và gánh nặng tài chính khổng lồ dành cho nhập khẩu nguyên liệu sẽ là rất lớn. Với mức trung bình 10 triệu tấn than phải nhập khẩu mỗi năm, những rủi ro về môi trường do tăng xả thải, thất thoát nguồn ngoại tệ và lệ thuộc an ninh năng lượng vào bên ngoài sẽ trở thành những mối nguy hiểm tiềm ẩn, mang đến rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc quốc hội thống nhất dừng các dự án điện hạt nhân, năng lực khai thác của thuỷ điện và khí đốt không thể tăng thêm cũng tạo ra không ít áp lực đối với khả năng cung ứng năng lượng của ngành điện.

Trước bối cảnh đó, đảm bảo duy trì tăng trưởng năng lượng ổn định, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là bài toán khó trong phát triển, và để đạt được đồng thời cả 2 khía cạnh này, ngành năng lượng rất cần ra tìm hướng đi mới, chú trọng phát triển loại các loại hình năng lượng vừa có tính tự chủ trong nước cao, vừa thân thiện với môi trường. Phát triển năng lượng tái tạo mà cụ thể là phát triển điện gió và điện mặt trời là hướng đi đầy triển vọng. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo nội địa có thể giúp Việt Nam tự chủ hơn về năng lượng cũng như hạn chế, giảm thiểu tác động bởi các biến động về giá than, khí đốt và dầu trên thị trường thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào cũng giúp giảm chi phí nhập khẩu năng lượng trong dài hạn, giúp củng cố nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, từ đó cải thiện sức khỏe con người và phúc lợi chung.

         2. Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hơn 39% tổng diện tích Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Bên cạnh đó, tổng số giờ nắng trung bình của cả nước lên đến hơn 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình là 4,6kWh/m2/ngày, theo mức độ tăng dần về phía Nam. Tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam được ước tính có thể đạt công suất 26.700MW; đối với điện mặt trời là 339.600MW.

Bảng. Mục tiêu tăng trưởng điện gió và điện mặt trời đến 2020 và 2030

 

2020 (7% sản lượng điện toàn quốc)

2030 (10% sản lượng điện toàn quốc)

Điện gió

800MW

6.000MW

Điện mặt trời

850MW

12.000MW

Nguồn: Quy hoạch điện VII

Hệ thống điện Việt Nam đã và đang có sự tham gia ngày càng lớn của năng lượng tái tạo. Chỉ trong một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến 30/6/2019, có tổng số gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 4.460 MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, và tính tới hết tháng 9/2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 5.829MW. Riêng điện mặt trời mái nhà, tính đến hết 14/10/2020, cả nước đã có trên 57.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747 MWp. Đến nay, nguồn điện mặt trời đã chiếm khoảng 10% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa rất lớn, không những giúp đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; mà còn góp phần giảm lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu phát triển toàn cầu. Theo báo cáo năng lượng thường niên của Bộ Công thương, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện và sinh khối có thể chiếm tới 24% nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2050 và chiếm tới 59% sản lượng điện sản xuất. Tỷ lệ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu có thể giảm từ 59% xuống 51% vào năm 2030 và từ 72% xuống 61% vào năm 2050 nếu kết hợp thành công các biện pháp tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo để thay thế hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

       3. Phát triển năng lượng xanh giúp khai thác hiệu quả lợi thế vùng và địa phương

Do đặc thù phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại các địa phương khác nhau là không giống nhau. Việc xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương sẽ giúp quy hoạch năng lượng thu được hiệu quả tối đa, đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương cũng như cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Ví dụ như tại Việt Nam, Bình Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng gió và năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước với số giờ nắng, giờ gió, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao. Phát triển điện gió tại Bình Thuận trong những năm gần đây đang có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, tại Bình Thuận đã có 20 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ khai thác hiệu quả lợi thế và tài nguyên của địa phương mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường.

       4. Phát triển các loại hình năng lượng tái tạo cần có quy hoạch, lộ trình cụ thể

Với vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành năng lượng cần có sự phát triển tương xứng, đồng thời quy hoạch năng lượng cần đi trước  một bước, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của toàn nền kinh tế. Trong bối cảnh cung ứng năng lượng gặp nhiều hạn chế như hiện nay, việc phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn cần thiết, nhưng cần được thực hiện có lộ trình cụ thể để đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cho toàn hệ thống. Quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ “nâu” sang “xanh”, từ sử dụng chủ yếu nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo cần được tiến hành từ từ, hợp lý, cần đồng bộ hoá từ cơ sở hạ tầng tới nhân lực, kỹ thuật.

Trong thời gian hơn một năm qua, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và mạnh mẽ của loại hình năng lượng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ sở hạ tầng và năng lực truyền tải điện của hệ thống. Nguồn năng lượng tái tạo phát triển nóng và tập trung tại một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải tỏa công suất; điều độ, vận hành hệ thống điện tại các khu vực này. Do các nguồn năng lượng tái tạo nói chung có đặc điểm nổi bật là thiếu ổn định, khó vận hành hơn so với các dạng năng lượng truyền thống, do đó đặt ra thách thức về việc cần quy hoạch và có chiến lược phát triển sao cho hợp lý để nguồn cung năng lượng vừa tăng trưởng nhanh, ổn định, nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn hệ thống. Ví dụ như nhược điểm của năng lượng mặt trời là tính không ổn định cao, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, số giờ nắng trong ngày, cũng như tính chất khó dự báo chính xác. Trên thực tế, công suất phát năng lượng mặt trời có thể thay đổi từ 60-80% chỉ trong thời gian từ 5 đến 10 phút, do đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) luôn phải khởi động nhiều tổ máy ở các nhà máy điện truyền thống để dự phòng nóng cho điện mặt trời, gây khó khăn và tăng chi phí trong công tác vận hành, truyền tải và phân phối.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Minh Quang, 2018, “An ninh năng lượng ở Việt Nam: Những rào cản và định hướng chính sách”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 5.
  2. Bộ Công thương, 2019, “Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019”.
  3. Quy hoạch Điện VII
  4. https://enternews.vn/dam-bao-an-ninh-nang-luong-con-nhieu-thach-thuc-116470.html
  5. Tập đoàn điện lực Việt Nam, 2019, Chuyên gia cảnh báo về đảm bảo an ninh năng lượng. https://www.evn.com.vn/d6/news/Chuyen-gia-canh-bao-ve-dam-bao-an-ninh-nang-luong-6-12-23901.aspx
  6. http://evnhanoi.vn/tin-tuc-evnhanoi/tin-trong-nganh-dien/6981-thuc-day-phat-trien-nguon-nang-luong-tai-tao-cua-viet-nam
  7. https://congthuong.vn/phat-trien-nang-luong-sach-xu-the-va-thach-thuc-138956.html
  8. Nguyễn Văn Bình và cộng sự, 2020, “Định hướng Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sách tham khảo)”, Ban Kinh tế Trung ương, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

Cập nhật lúc: 29/12/2020 10:13:23 AM


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22382 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan