Phát triển bền vững du lịch đô thị Việt Nam hậu Covid 19: thách thức và giải pháp
Phạm Thị Bích Thủy[1]
Tóm tắt: Hiện nay du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra cùng các lệnh hạn chế di chuyển của Chính phủ các nước đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng tới ngành du lịch. Nghiên cứu được phát triển dựa trên tổng quan các tài liệu nghiên cứu về du lịch đô thị và phát triển du lịch bền vững trên các tạp chí uy tín trong những năm gần đây, từ đó cung cấp một cái nhìn tổng quan về các tác động kinh tế - xã hội - môi trường gây ra bởi đại dịch. Nó nhấn mạnh vai trò của du lịch trong việc thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững, bao gồm cả mối quan hệ của nó với các mục tiêu kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững - tập trung vào các vùng đô thị du lịch Việt Nam - trước tác động của đại dịch Covid-19 dưới góc độ bền vững, bài báo đề xuất những giải pháp hạn chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và ngành du lịch vượt qua thách thức do dịch bệnh gây ra, nhằm phát triển du lịch bền vững tại các đô thị du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Covid-19; Chính sách ngành; Du lịch bền vững, du lịch đô thị; Phát triển du lịch bền vững.
[1] Thạc sĩ, Trường Đại học Giao thông Vận tải, email: bichthuyhvtc@gmail.com
- Đặt vấn đề
Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, với doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 319 triệu việc làm. Tuy nhiên, du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với dịch bệnh (Chen & cộng sự, 2007). Kể từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ Trung Quốc và lan ra toàn thế giới, du lịch được coi là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Dù các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đều đang nỗ lực ứng phó nhưng cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết. Dịch bệnh tưởng chừng trong tầm kiểm soát thì những biến chủng mới nguy hiểm hơn xuất hiện đã dập tắt mọi hy vọng đang le lói của ngành kinh tế xanh này. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh cũng đã lan tỏa, tác động sâu rộng tới các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội, từ đó tác động tiêu cực tới các trụ cột phát triển bền vững.
Trước những tác động nặng nề của các lệnh hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đối với nền kinh tế toàn cầu, các khu vực riêng lẻ cũng như tình trạng mất việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới, tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng chính là cơ hội cho ngành du lịch phục hồi và phát triển trở lại. Đại dịch chắc chắn sẽ được khống chế và qua đi nhưng những hậu quả mà nó để lại trên tiến trình phát triển phát triển du lịch bền vững ở các quốc gia là không hề nhỏ.
Hậu Covid-19, những vấn đề phát triển du lịch theo hướng bền vững có thể tạm thời bị xáo trộn, gián đoạn thậm chí ngưng trệ, tuy nhiên ngành du lịch, lữ hành sẽ phải xoay trục và thích ứng để sau đó trở lại mạnh mẽ, đồng thời xác định các xu hướng cũng như khám phá những thay đổi cần thiết nhằm duy trì hoạt động trong tương lai. Bài viết phân tích những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới sự phát triển du lịch bền vững và đề xuất một số chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với tiến trình phát triển du lịch bền vững tại các đô thị du lịchViệt Nam.
---------------------------------------------------
Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững
(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:
- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)