• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong đô thị tại Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Thục*
Tóm tắt: Bài viết hệ thống các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở khu vực đô thị thành 03 nhóm: (1) các chính sách sản xuất và tiêu dùng, (2) các chính sách quản lý chất thải; và (3) các chính sách phát triển chung kinh tế tuần hoàn tại khu vực đô thị. Trên cơ sở đó, phân tích và làm rõ điểm tích cực và hạn chế trong các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại khu vực đô thị nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính sách kinh tế tuần hoàn ở đô thị; Kinh tế tuần hoàn; Kinh tế tuần hoàn tại đô thị.
* Thạc sĩ, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, email: thucnguyenbb@gmail.com.
Đặt vấn đề
Đô thị là trung tâm của các hoạt động kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội. Đô thị là nơi tập trung vốn, lực lượng sản xuất, cũng là trọng tâm của những chuyển đổi kinh tế - xã hội của một khu vực/địa phương. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2020 cả nước có 862 đô thị các loại với sấp sỉ 36 triệu người, chiếm là 36,8% dân số cả nước; tốc độ tăng kinh tế cao hơn 2 - 2,5 lần so với tốc độ trung bình; đồng thời là nơi đóng góp khoảng 70% trong tổng số GDP của cả nước. Những điều này cho thấy công cuộc đô thị hóa tại Việt Nam thời gian qua là rất mạnh mẽ. Khu vực đô thị đã, đang và tiếp tục là vùng động lực, các cực phát triển từ đó lan tỏa sự thịnh vượng ra các khu vực xung quanh(Đức Tuân, 2020).
Bên cạnh những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, hạ tầng; từ rất sớm Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng các hệ thống trong cùng một không gian đô thị (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, dân cư, hạ tầng,...) thiếu sự gắn kết, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và tác động đồng thời, đẩy tình trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân (Bộ TNMT, 2016). Các giải pháp tình thế ít có hiệu quả trong thực tế, đòi hỏi cần tìm một mô hình phát triển các đô thị thân thiện và hiệu quả hơn về cả kinh tế, môi trường và xã hội. Và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) với những thành tựu đạt được ở nhiều quốc gia trên thế giới đang trở thành một trong những chiến lược kỳ vọng của nền kinh tế nói chung và khu vực đô thị nói riêng hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020) là văn bản pháp lý đầu tiên thừa nhận việc phát triển mô hình KTTH. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đối với khu vực đô thị, hoạt động KTTH ở khu vực đô thị có thể hiểu là sự tối ưu hóa các dòng vật chất, năng lượng trong mọi hoạt động ở khu vực đô thị, dựa trên các nguyên tắc của việc tuần hoàn vật chất, năng lượng, nguyên liệu,... trong hoặc giữa các ngành, các lĩnh vực của một đô thị, từ đó giúp đô thị trở thành một chỉnh thể gắn kết, linh hoạt, hỗ trợ nhau và cùng phát triển một cách hài hòa, hiệu quả và bền vững hơn.
Trên thực tế, các khía cạnh của nền KTTH tại các đô thị Việt Nam vẫn được thực hiện trong quá trình phát triển. Những hoạt động này đã được đề cập và nhấn mạnh đến trong nhiều các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, dưới góc độ của KTTH, quá trình phát triển tại khu vực đô thị của Việt Nam thời gian qua còn chứa đựng nhiều hạn chế với mô hình sản xuất - tiêu dùng chưa hiệu quả; mức hao tổn tài nguyên, năng lượng và phát thải lớn; là nguyên nhân cơ bản của thực trạng ô nhiễm môi trường đô thị; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của những tồn tại này được cho là xuất phát từ chính các bất cập của hệ thống chính sách. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả hướng tới hệ thống các chính sách nhằm thúc đẩy KTTH ở khu vực đô thị; phân tích, và làm rõ điểm tích cực và hạn chế trong các chính sách hiện tại, góp phần tăng cường hiệu quả của các chính sách KTTH tại khu vực đô thị trong thời gian tới.
----------------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết