• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung Bộ (giai đoạn 2011-2020)

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2013

Số trang: 378

Chủ biên: Dương Bá Phượng Chb.

 

 

     Vùng Trung bộ bao gồm 14 tỉnh và thành phố, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, dải đất nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, có tọa độ địa lý từ 10o40’ đến 20o vĩ độ Bắc, kéo dài theo chiều Bắc - Nam, hẹp chiều Đông - Tây với 41 dân tộc cùng sinh sống. Đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là cái nôi của nhiều di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới, quốc gia…

     Bên cạnh các lợi thế thì đây cũng là vùng đất có nhiều điểm bất lợi liên quan đến trình độ phát triển giữa các vùng miền, tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí còn tương đối thấp, nhất là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mặt khác, các tỉnh vùng Trung Bộ còn thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của hiện tượng thiên tai, khí hậu khắc nghiệt như bão, lũ lụt, nhiệt độ cao, hạn hán, xâm ngập mặn…

     Trong thực tế, các quan điểm và giải pháp được áp dụng tại khu vực này phục vụ cho mục tiêu phát triển vẫn chưa thực sự đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững. Điều đó khiến cho nhu cầu cần phải có cơ sở lý luận cho những tư duy mới, quan điểm mới mang tính đột phá, phân tích được những lợi thế, bất lợi thế, cơ hội và thách thức, đặc biệt về biển đảo trở thành nhu cầu cấp bách.

      Trước thực tiễn đặt ra, quý IV/2013, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa đã phát hành ấn phẩm mang tên Về quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung Bộ (giai đoạn 2011-2020) do TS. Dương Bá Phượng (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ biên. Đây là ấn phẩm được biên soạn trên cơ sở báo cáo tổng hợp kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Bộ cùng tên do Viện chủ trì thực hiện. Trên cơ sở đánh giá toàn bộ các quan điểm, chiến lược, giải pháp chính sách phát triển vùng Trung Bộ giai đoạn 2011-2020; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; phân tích, đánh giá các lợi thế, thách thức, cơ hội, cuốn sách đã đề xuất các quan điểm, kiến nghị mới nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững cho khu vực này trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

     Cuốn sách được cấu trúc thành 6 chương như sau: Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng lãnh thổ; Chương 2: Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường vùng Trung Bộ giai đoạn 2001-2011; Chương 3: Đánh giá những quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng trung bộ giai đoạn 2001-2010. Chương 4: Những lợi thế, bất lợi thế, cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững vùng Trung Bộ; Chương 5: Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011-2020; chương 5: Các kiến nghị nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011-2020.

     Chương 1, các tác giả cung cấp các vấn đề lý thuyết liên quan bao gồm: Cơ sở lý thuyết, nội hàm khái niệm phát triển bền vững vùng; Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng lãnh thổ của một số nước Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Philipine, Nhật Bản), một số nước Châu Âu và Châu Mỹ (Vương quốc Anh, Canada, Cộng hòa Liên bang Đức) và rút ra bài học cho Việt Nam và vùng Trung Bộ về quan điểm và giải pháp thực hiện vấn đề này dựa trên cách tiếp cận chiến lược phát triển bền vững và các giải pháp thực hiện cụ thể…

Chương 2 đi sâu nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế có liên quan đến tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng kinh tế, vấn đề chuyển dịch cơ cấu, tình hình phát triển các ngành kinh tế tại một số địa phương. Song song với vấn đề này, cuốn sách tiếp tục triển khai làm rõ tình hình bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội của vùng Trung Bộ về dân số, lao động việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, công tác xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và các hiện trạng về ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, giảm diện tích rừng, giảm đa dạng sinh học, các suy thoái khác về môi trường biển và tình trạng khan hiếm nước ngọt... giai đoạn 2001-2011.

     Chương 3 đánh giá các quan điểm và giải pháp và chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2001-2010 thông qua các văn bản của Đảng và Nhà nước đối với toàn vùng và đối với các địa phương trong vùng. Nêu rõ những hạn chế còn tồn tại bắt nguồn từ những nguyên nhân như sau: (1). Hệ thống văn bản pháp quy còn thiếu, chưa thống nhất và có tính pháp lý cao; (2) Phương pháp tiếp cận, lập quy hoạch còn chậm, chưa theo kịp được xu hướng phát triển; (3). Đội ngũ nhân lực làm công tác quy hoạch còn yếu; (4). Thiếu sự quan tâm cần thiết ở nhiều cấp…

     Chương 4 cung cấp các thông tin liên quan đến lợi thế, bất lợi thế, các cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới lợi thế về địa kinh tế, tài nguyên khoáng sản, rừng và tài nguyên biển đảo với bờ biển dài gần 1.800km. Làm rõ những điểm bất lợi trong phát triển văn hóa xã hội tại khu vực này theo 4 chiều cạnh: (1). Tình trạng việc làm; (2). Vấn đề nghèo đói; (3). Khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng; (4). Tệ nạn xã hội và nêu bật được những vấn đề liên quan tới môi trường biển trong bối cảnh hội nhập, CNH, HĐH và biến đổi khí hậu hiện nay.

     Chương 5 tập trung vào các vấn đề liên quan đến quan điểm và giải pháp theo hướng bền vững tầm nhìn đến năm 2020 trên cả bốn chiều cạnh: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Các tác giả cho rằng, vùng Trung Bộ cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, liên kết kinh tế địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; Coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy nhân tố con người; Có sự nhìn nhận thống nhất toàn vùng trong mối liên kết với các hoạt động phát triển với phương châm khai thác đi liền với bảo dưỡng thiên nhiên, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường… vốn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm đổi mới các quan điểm và nâng cao chất lượng các giải pháp phát triển theo hướng bền vững…

      Chương 6 là chương dành riêng cho các kiến nghị với ba tầng nấc: (1) Đối với tầm quốc gia của Chính phủ; (2). Đối với toàn vùng Trung Bộ; (3). Đối với các địa phương. Các tác giả cho rằng ở tầm quốc gia Chính phủ cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Nâng cao chất lượng lập và thẩm định, tổ chức, thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể gắn với quy hoạch cụ thể của các ngành trong tỉnh, thành phố với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia; Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; Đầu từ đủ mức và tổ chức tốt phát triển kết cấu hạ tầng. Đối với toàn vùng Trung Bộ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình liên kết giữa các địa phương, có chính sách và giải pháp về phương diện tổ chức - hành chính - kinh tế nhằm đảm bảo sự hợp tác, liên kết có hiệu quả giữa các địa phương; Tái cấu trúc nền kinh tế từng vùng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm cũng như của toàn ngành kinh tế… Với địa phương, chính quyền các tỉnh, thành trong vùng cần triển khai xây dựng chiến lược phát triển trên tinh thần quán triệt đầy đủ, nhất quán với chiến lược, quy hoạch của quốc gia, của toàn vùng, địa phương trong mối liên kết phát triển bền vững...

      Hy vọng với những thông tin nêu trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích đối với nhiều người.

      Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ./.

 

Tác giả: Tác giả: Dương Bá Phượng
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết