• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính công ở một số nước châu Á và bài học cho Việt Nam

 

 

     Xu thế chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đều tiến hành cải cách hành chính nhằm làm tăng hiệu lực và hiệu quả của nền hành chính công. Một nền hành chính công đang chuyển dần từ “hành chính cai trị” sang “hành chính phục vụ”, cùng với một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn và người dân quyết đoán hơn đã dẫn tới áp lực buộc chính quyền trung ương phải giao bớt thẩm quyền và các nguồn lực cho cấp dưới. Việc phân cấp quản lý hành chính nhà nước là một tất yếu không thể ngăn cản được đối với hầu hết các quốc gia.

     Do đó, cải cách hành chính được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Mục tiêu của cải cách là: “xây dựng một nền hành chính trong sạch có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của Nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Ngày 8/11/2011, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với 5 mục tiêu cải cách kinh tế cùng với 6 lĩnh vực. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, việc tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu kinh nghiệm cải cách nền hành chính công ở các nước châu Á mà đại diện là Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản nhằm đúc rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ cải cách hành chính công ở Việt Nam là điều hết sức cấp bách.

     Năm 2018 nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách: “Cải cách hành chính công ở một số nước châu Á và bài học cho Việt Nam” do PGS.TS. Phạm Thái Quốc làm chủ biên. Ngoài Lời giới thiệu, Kết luận và phần Phụ luc, nội dung chính của cuốn sách được trình bày trong 3 chương: Chương I. Cơ sở của cải cách hành chính công ở một số nước trên thế giới; Chương II. Chính sách cải cách nền hành chính công tại một số nước châu Á; Chương III. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

     Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung tham khảo kinh nghiệm từ 3 quốc gia điển hình là Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản, từ đó rút ra một số bài học về cải cách hành chính công ở Việt Nam

     Chương I. Nhóm tác giả tập trung bàn về chính sách cải cách hành chính công ở một số nước trên thế giới cũng như cải cách hành chính công ở các nước châu Á, trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn như: Bối cảnh quốc tế thay đổi; Quá trình dân chủ hóa, phi tập trung hóa đang diễn ra ở nhiều nước; Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; Khủng hoảng toàn cầu 2008; Các mô hình quản lý công mới được áp dụng tại nhiều nước.

      Chương II. Tập trung phân tích chính sách cải cách hành chính công ở ba nước Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản dựa trên một số tiêu chí về bối cảnh cải cách hành chính cũng nhưquan điểm và chủ trương về cải cách hành chính công, từ đó rút ra nhận xét và đánh giá hoạt động cải cách hành chính ở từng nước.Những cơ sở để tác giả chọn đại diện 3 quốc gia này như sau: Thứ nhất, cả ba nước này ở những trình độ phát triển khác nhau nhưng lại có quá trình cải cách hành chính công rất mạnh mẽ; Thứ hai, Trung Quốc như một điển hình của các nền kinh tế chuyển đổi, đều chuyển sang phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, bên cạnh đó Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam có nhiều nhiều thành công trong cải cách nói chung; Thứ ba, Malaysia là nước đang phát triển, là một nước khá thành công trong phát triển kinh tế ở ASEAN. Năm 2004, nước này công bố Kế hoạch minh bạch quốc gia, trong đó nhấn mạnh hành chính công phải cạnh tranh hơn, chuyên nghiệp hơn, phục vụ công chúng tốt hơn, do đó, tổng kết việc triển khai Kế hoạch này là bài học hữu ích cho Việt Nam; Thứ tư, Nhật Bản là một đại diện của G7 tại châu Á, là nước có nền kinh tế phát triển cùng với trình độ công nghệ cao, là một điển hình trong phát triển kinh tế tri thức ở châu Á. Sau 20 năm cải cách, Nhật Bản đã thu được kết quả đáng khích lệ. Sau cùng, tác giả đã so sánh chính sách và thực hiện các chính sách cải cách hành chính công ở ba nước và chỉ ra những điểm chung có tính phổ quát như: 1/Tinh giản nhằm xây một chính phủ nhỏ hơn; 2/ Phân chia chức năng, nhiệm vụ hành chính và ủy quyền là điểm cốt lõi trong cải cách hành chính công; 3/ Thực hiện cải cách hành chính công theo những điều kiện cụ thể của đất nước. Trong các chính sách thực hiện cải cách đều quan tâm đến một số nội dung sau: Cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Tập trung điều chỉnh mối quan hệ giữa trung ương và địa phương; Dịch vụ hướng tới người dân; Tinh giản biên chế.

      Chương III. Trong phần đầu của chương, nhóm tác giả tóm lược quá trình cải cách hành công ở Việt Nam giai đoạn 2001-2010, giới thiệu chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và đánh giá những kết quả bước đầu của cải cách hành chính công giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở những phân tích đó và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cải cách hành chính từ 3 nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia), nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị sau: thứ nhất, cần nghiên cứu để làm rõ hơn nữa về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung vào các mối quan hệ giữa thị trường và hoạt động quản lý của nhà nước về kinh tế, giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội, giữa Nhà nước với công dân; Thứ hai, Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh cải cách hành chính; Thứ ba, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính; Thứ tư, việc cải cách phải được tiến hành đồng bộ nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm; Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực chủ yếu có liên quan tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; Thứ sáu, cần xem xét lại công tác nhân sự, kể cả nhân sự cấp cao. Cần đưa ra quy định: Lãnh đạo không được tuyển con cái vào cơ quan mình, Những người thân trong một gia đình không nên làm việc trong một cơ quan nhà nước; Thứ bảy, cần sớm phổ biến thực hiện chế độ thi tuyển vào các chức vụ lãnh đạo và nên xem xét lại cơ chế Đảng cử dân bầu.

      Hy vọng với nội dung trên cuốn sách sẽ đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của độc giả về cải cách hành chính công tại một số nước trong khu vực cũng như định hướng cải cách hành chính công của Việt Nam trong thời gian tới.

Xin trân trọng giới thiệu./

Nguyễn Thị Đậm - Thư viện

 

Tác giả: Tác giả: Phạm Thái Quốc (chủ biên), Phạm Khắc Anh, Hạ Thu Quyên, Phan Anh Tuấn
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...