• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwe và Việt Nam

Tác giả: Bùi Nhật Quang, Trần Thị Lan Hương

Năm xuất bản: 2018

Số trang: 264

 

 

     Trong thời gian gần đây, nước trở thành một chủ đề mang tính thời sự được cả thế giới quan tâm. Mặc dù còn những tranh luận khác nhau nhưng đa số các nhà khoa học đều khẳng định nước là nguồn tài nguyên quý giá nhất trong thế kỷ XXI. Cách tiếp cận nghiên cứu về nước từ trước tới nay thường chủ yếu tập trung dưới góc độ an ninh và xã hội, tuy nhiên dưới góc độ kinh tế, nước chưa được nhìn nhận, đánh giá đầy đủ vai trò và tác động của nó đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Nước vừa là yếu tố đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất, khiến hệ thống kinh tế vận hành thông suốt và hiệu quả, mặt khác, nước cũng là một lực lượng kinh tế mang tính hủy hoại, có thể mang lại thảm họa cho con người thông qua lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa và bệnh tật…

     Mặc dù nằm trong vùng khí hậu xích đạo có mưa, được thiên nhiên ban tặng nhiều sông hồ lớn nhưng do sự phân bố không đồng đều nên Châu Phi – Trung Đông là khu vực khô hạn và khan hiếm nước nhất trên thế giới. Những cấu tạo địa chất, thay đổi thời tiết và hoạt động quản lý nguồn nước kém hiệu quả là những lý do cơ bản giải thích cho hiện tượng ngày càng khan hiếm này. Việc khan hiếm nước đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực này phải sống trong nghèo đói, bệnh tật, kinh tế kém phát triển và nước đôi khi còn gây ra các cuộc chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia, các bộ tộc cùng chia sẻ nguồn lợi về nước. Trước thực trạng đó, năm 2018, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mát cuốn sách chuyên khảo: “Tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế: Nghiên cứu trường hợp Israel, Ai Cập, Zimbabwa và Việt Nam”. Cuốn sách nhằm xây dựng cơ sở lý thuyết về tài nguyên nước dưới góc độ kinh tế học, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của một số nước châu Phi – Trung Đông như Israel, Ai Cập, Zimbabwe trong việc sử dụng tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam tăng nhanh, phát triển dân số, ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngọt bị chi phối và ràng buộc rất lớn với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc thì việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về tài nguyên nước sẽ đem lại cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong phương thức và thái đở dụng nước hiệu quả phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cuốn sách gồm 6 chương:

     Chương 1. Tài nguyên nước cho tăng trưởng kinh tế: tiếp cận dưới góc độ kinh tế học

    Qua phân tích khái niệm “nước”, nêu lên những đặc điểm kinh tế của tài nguyên nước cũng như những đóng góp của tài nguyên nước cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhóm tác giả làm rõ một số vấn đề về quan điểm nghiên cứu: (i) Cách đánh giá giá trị kinh tế của nguồn nước và có những nghiên cứu bước đầu trong xác định giá cả của tài nguyên nước; (ii) Nước tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế với tư cách là yếu tố trung gian và qua các kênh khác nhau; (iii) Quản lý cầu về nước cần thực hiện trên cả ba lĩnh vực: nước phục vụ sinh hoạt, phục vụ công nghiệp và nông nghiệp tưới tiêu; (iv) Tài nguyên nước cần phải được chú trọng và ưu tiên trong các chiến lược phát triern kinh tế quốc gia.

     Chương 2. Châu Phi – Trung Đông: Mối liên hệ giữa tài nguyên nước, đói nghèo, xung đột và phát triển kinh tế. Trên cơ sở những phát hiện rút ra về mặt lý luận ở chương 1, nhóm tác giả tiến hành phân tích những đặc trưng và thách thức của nguồn tài nguyên nước khu vực châu Phi – Trung Đông. Nghiên cứu khẳng định sự khai thác tài nguyên nước bừa bãi của con người khiến nguồn tài nguyên nước của châu Phi ngày càng khan hiếm, trong khi đó sự khan hiếm nước ở châu Phi đang tác động nặng nề đến an ninh lương thực của châu Phi và Trung Đông…Cùng với những phân tích cụ thể về chất lượng nguồn nước, nhóm tác giả phân tích mối liên hệ này trên các chiều cạnh sau: (i) Tranh châp, cung đột và rủi ro từ nguồn nước; (iii) Nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế; (iii) Những nỗ lực quản lý nguồn tài nguyên nước. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực hỗ trợ châu Phi quản lý nguồn tài nguyên nước, tuy nhiên nhóm tác giả nhận định khu vực này vẫn gặp nhiều thách thức trong việc giải quyết vấn dề tài nguyên nước phục vụ cho tăng trưởng và phát triển.

     Đánh giá mối quan hệ giữa tài nguyên nước với tăng trưởng và phát triển kinh tế là nội dung chính ở chương 3, chương 4 và chương 5.  Nghiên cứu đã lựa chọn ba quốc gia điển hình trong châu lục này với ba trạng thái khác nhau: Israel- rất khan hiếm nước, vì vậy ngay từ đầu, nước đã được coi là một phần hàng hóa kinh tế, chính phủ đầu tư nguồn nước hiệu quả và tác động của nước đối với tăng tưởng và phát triển kinh tế rất tích cực; Ai Cập- thừa hưởng hạ lưu nước sông Nile, là quốc gia tương đối khan hiếm nước (so với thế giới) nhưng lại tương đối đầy đủ nước (so với các nước Bắc Phi) và nước được coi là hàng hóa ngay từ đầu, chính phủ tập trung đầu tư nguồn nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng vẫn gặp nhiều bất cập từ chính sách và yếu tố bên ngoài, do vậy tác động của nước đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở mức trung bình; Zimbabwe- dư thừa nước so với các nước châu Phi khác, nhưng nước không được coi là nguồn tài nguyên cần bảo vệ và đầu tư khai thác hiệu quả, do đó tác động của nước đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở mức thấp. Qua nghiên cứu các quốc gia này, nhóm tác giả nhận định, mỗi nước có một cách thức quản lý tài nguyên nước một cách khác nhau, phục thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và năng lực quản lý nguồn tài nguyên này của từng quốc gia. Nhưng quan trọng hơn, quốc gia nào thực sự coi nước là một hàng hóa kinh tế, quốc gia đó sẽ quản lý tài nguyên này hiệu quả hơn và tác động của nước đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế sẽ theo hướng tích cực hơn.

     Chương 6. Tài nguyên nước ở Việt Nam và bài học từ Israel, Ai Cập, Zimbabwe.

     Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm tài nguyên nước, nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa và mức tăng dân số, nguồn nước ở Việt Nam vì thế ngày càng ít đi. Nhằm sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả và hợp lý, nghiên cứu đã đề cập tới một số chính sách khai thác, sử dụng vào bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam và việc phân cấp quản lý tài nguyên nước. Cùng với việc phân tích thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các nước châu Phi- Trung Đông, đặc biệt là 3 nước điển hình Israel, Ai Cập và Zimbabwe, nhóm tác giả đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm sau: (i), tài nguyên nước có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng nếu đánh đồng sự dồi dào về nguồn nước, không coi nước là một hàng hóa kinh tế thị các quốc gia giàu có về tài nguyên nước sẽ thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; (ii) đầu tư cho tài nguyên nước là biện pháp kinh doanh hiệu quả nhất bởi nó mang lại sự cải thiện nguồn cung và quản lý nguồn cầu một cách hiệu quả góp phần tăng năng suất lao động, mở rộng sản xuất cho các ngành kinh tế; (iii) Cần có sự chủ động trong hợp tác với nước láng giềng trong việc giữ gìn tài nguyên nước và tạo sự phát triển bền vững cho các nước vùng hạ nguồn; (iv) đảm bảo tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững; (v) Chính phủ cần quản lý nguồn tài nguyên nước theo một chuỗi chính sách hợp lý để nguồn tài nguyên đó đem lại những tác động tích cực nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Từ những bài học này nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị chính sách nhằm quản lý tài nguyên nước cho tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài tiệu tham khảo hữu ích dành cho các độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Thị Đậm giới thiệu

 

Tác giả: Tác giả: Bùi Nhật Quang, Trần Thị Lan Hương
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...