• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc trưng sinh thái nhân văn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam

Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2018

Số trang: 243

 

 

      Vùng núi Đông Bắc Việt Nam bao gồm 9 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang và Quảng Ninh với diện tích 50.684,1 km2 (chiếm khoảng 15,3% diện tích cả nước), dân số đạt khoảng hơn 8,5 triệu người, chiếm 72,59% dân số các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và 9,35% dân số cả nước. Đây là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, cơ cấu dân tộc đa dạng với khoảng hơn 20 dân tộc, như Tày, Sán Chay, Sán Dìu, Nùng, Mông, Dao…nhưng cũng là vùng có tỷ lệ người dân không biết chữ ở mức độ khá cao 7,34% với mật độ dân cư thưa thớt và tỷ lệ nghèo vào loại cao nhất trong cả nước. Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, văn hóa, những yếu tố kéo khu vực này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn phải kể tới là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ ảnh hưởng đã trở thành những hệ lụy ngày càng lớn đối với khu vực này.

     Trước thực tế nêu trên, tháng 2/2018, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Đặc trưng sinh thái nhân văn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam" do TS. Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lí nhân văn chủ biên. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Tổng quan cơ sở lý luận về sinh thái nhân văn và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương 2: Đặc trưng sinh thái nhân văn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc; Chương 3: Một số giải pháp phát huy các đặc trưng sinh thái nhân văn để thích ứng với biến đổi khí hậu.

     Chương 1 cung cấp các thông tin tổng quan về sinh thái nhân văn và thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm: Lịch sử hình thành và phát triển của sinh thái; Quan niệm về sinh thái nhân văn; Đặc điểm, cách thức biểu hiện của sinh thái nhân văn; Một số khái niệm về biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu; Các biểu hiện chính; Nguyên nhân của biến đổi khí hậu… Qua đó, có thể nhận thấy mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và sự thay đổi các đặc điểm sinh thái rất chặt chẽ, nhờ áp dụng các chiến lược sinh tồn, con người đã có thể tồn tại giữa những thay đổi của môi trường sống. Kết quả này xuất phát từ quá trình điều chỉnh linh hoạt và lâu dài thông qua các kĩ năng sống, kinh nghiệm và kiến thức mà con người đạt được. Đây là lý do chính có thể lý giải được tại sao con người lại có thể phân bố rộng khắp trên trái đất đến vậy. Từ một điểm tiến hóa ban đầu, con người dần thích nghi để khắc phục tình trạng khó khăn khi phải đối mặt với tự nhiên. Tuy nhiên, để tồn tại được lâu dài, khả năng thích ứng của con người gồm cả khả năng thích ứng về mặt sinh thái và văn hóa “ứng xử” với tự nhiên, tồn tại đồng thời và không thể tách rời.

     Chương 2 gồm nhiều thông tin nêu bật được các đặc trưng sinh thái nhân văn của một số dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc. Đó là các đặc trưng về tập quán làm ruộng lúa nước, tập quán canh tác nương rẫy, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh nghiệm khai thác nguồn lực tự nhiên… Bạn đọc sẽ có cơ hội được biết đến rõ hơn các đặc trưng vùng, miền của các dân tộc miền núi nơi đây. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nêu rõ các biểu hiện của biến đổi khí hậu như nhiệt độ có xu hướng tăng; lượng mưa tăng; mùa đông có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài; hạn hán… đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Tác giả cũng làm rõ khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của bà con các dân tộc nơi đây qua các kinh nghiệm của họ trong sản xuất nông nghiệp; trong khai thác và bảo vệ tài nguyên nước; trong việc chăm sóc sức khỏe để sinh tồn và phát triển…

     Chương 3 bao gồm các nội dung thông tin luận bàn về các giải pháp nhằm phát huy các đặc trưng sinh thái nhân văn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua các đề xuất nhằm phát huy tri thức bản địa; sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và bảo vệ nguồn nước… Tác giả cho rằng đầu tư sâu trong lĩnh vực truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và năng lực, trách nhiệm tham gia của người dân, các cấp, các ngành với các chính sách, thể chế phù hợp, kịp thời, chính là những giải pháp có tính đột phá để phát huy được các đặc trưng sinh thái nhân văn vùng Đông Bắc Việt Nam.

     Qua đó, có thể thấy rằng vai trò của nhà nước và chính quyền tại các địa phương đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Bằng sự chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung các quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Bằng sự vận động, truyền thông phù hợp với sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành và người dân bản địa; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chắc chắn sẽ tạo lên những đột phá mới, nhằm phát huy tốt các đặc trưng sinh thái nhân văn tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi phía Đông Bắc Việt Nam.

     Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.

     Xin trân trọng giới thiệu./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết