• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách tăng trưởng xanh ở một số nước ASEAN trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu 04/02/2016

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2015

Số trang: 279

Chủ biên: Nguyễn Huy Hoàng Chb.

 

 

     Hiện nay, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với những thách thức do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 và những dư chấn mà nó gây ra. Cuộc khủng hoảng đã làm bộc lộ những bất cân đối trong cơ cấu kinh tế các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tình trạng này dường như càng trở nên trầm trọng hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, dân số thế giới ngày càng tăng cao, kéo theo sự tăng nhanh nhu cầu về đất, nước, nơi cư ngụ và năng lượng... Thêm vào đó, quá trình phát triển kinh tế chưa chú ý đến môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá trị vốn tự nhiên chưa được đánh giá đúng và đủ, lãng phí tài nguyên trong sản xuất và tiêu dùng lớn đang là những thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Những thách thức này mang một ý nghĩa quan trọng, đặt ra nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới, một cơ cấu kinh tế mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang được áp dụng để giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt liên quan đến phát triển thiếu bền vững. Những công cụ phát triển mới đó có thể giúp các nền kinh tế biến những thách thức thành các cơ hội cho phát triển và là động lực tăng trưởng mới trong chiến lược phát triển bền vững mà toàn cầu đang hướng tới. Đó là thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh nhằm xanh hóa con đường phát triển kinh tế thông qua việc khuyến khích tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo đảm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và vẫn giữ được tài nguyên cho phát triển của các thế hệ mai sau.

      Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu. Cấu trúc kinh tế của các nước trong khu vực bất cập, thực tế giá trị sản xuất gia tăng trong sản phẩm thấp, hàm lượng tài nguyên đầu vào của sản phẩm cao... đang gây nên những vấn đề nan giải đối với tăng trưởng bền vững ở các nước này. Những biến động kinh tế - xã hội toàn cầu và thảm họa thiên nhiên trong những năm gần đây đã có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực. Vì vậy, nhằm hưởng ứng sáng kiến về nền kinh tế xanh được UNEP (Chương trình môi trường Liên hợp quốc) đề xuất năm 2008 và muốn đạt được sự phát triển bền vững trong dài hạn, các nước ASEAN đã bắt đầu theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh nhằm hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững với lượng khí thải và tiêu dùng tài nguyên thấp, đảm bảo duy trì sự bền vững của hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống mọi mặt cho người dân. Vì thế, tái cấu trúc kinh tế theo hướng xanh hóa quá trình sản xuất và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề chính sách quan trọng trong quá trình xanh hóa nền kinh tế và phát triển bền vững của các nước Đông Nam Á trong thời gian qua.

     Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về vấn đề trên, tháng 10/2015, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Chính sách tăng trưởng xanh ở một số nước ASEAN trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu" do TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (chủ biên). Nội dung cuốn sách được trình bày trong 3 chương. Chương 1: Khuôn khổ lý thuyết và xu hướng quốc tế về tăng trưởng xanh. Chương 2: Chính sách tăng trưởng xanh của các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương 3: Một số nhận xét, đánh giá về chính sách tăng trưởng xanh của các nước IMPT (các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) và đề xuất định hướng ưu tiên cho Việt Nam.

     Trên thực tế, Việt Nam là một trong năm nước hàng đầu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Kể từ khi thực hiện cải cách và mở cửa kinh tế vào năm 1986, cơ cấu kinh tế nước ta chưa thực sự được cải thiện theo chiều hướng bền vững mà giá trị tài nguyên trong sản phẩm vẫn chiếm tỷ lệ cao. Việc tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào tài nguyên trong thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn tới sự cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường sinh thái, gây nên tình trạng thiếu bền vững. Vì vậy, để đảm bảo bền vững hơn trong tương lai, cũng như các nước ASEAN khác, Việt Nam đã thông qua chương trình nghị sự và theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội đất nước trong tương lai, cả trung hạn và dài hạn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm đói nghèo.

     Việc nghiên cứu Chính sách tăng trưởng xanh ở một số nước ASEAN trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng. Các tác đã giả tập trung phân tích và đánh giá những vấn đề cơ bản trong chính sách tăng trưởng xanh của các nước này khi đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu kinh tế theo hướng thiếu bền vững và thách thức của phát triển thiếu bền vững mà biến đổi khí hậu gây ra. Trên cơ sở đó, rút ra một số gợi ý cho Việt Nam trong việc ưu tiên thực hiện định hướng chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai. Những kết quả được công bố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho giới nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này, mà còn là tài liệu giảng dạy quan trọng cho sinh viên thuộc các chuyên ngành như kinh tế học, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, các môn học thuộc khoa học về môi trường và phát triển bền vững, cũng như các chuyên ngành của khoa học về nông nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách, giúp họ đưa ra những giải pháp chiến lược quan trọng trong chính sách tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.

      Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết