• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu phản ứng chính sách của một số nước và bài học cho Việt Nam

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Chủ biên: Lưu Ngọc Trịnh Chb.

 

 

     Hiện nay, trên thế giới và trong khu vực, ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, không ít nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là về mặt kinh tế - xã hội. Trên thực tế, không ít nước đã khá thành công trong một số khía cạnh để kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhưng, đồng thời, cũng có không ít nước đang rất lúng túng và bị động trong việc xử lý các tác động và hậu quả do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng gây ra.

     Việc nghiên cứu thực trạng tác động kinh tế - xã hội của BĐKH toàn cầu ở các quốc gia này, tổng kết có tính hệ thống các kinh nghiệm phản ứng chính sách, để từ đó rút ra những bài học và kiến nghị cho Việt Nam trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu là điều cần thiết và bổ ích. Cuốn sách "Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu: Phản ứng chính sách của một số nước và bài học cho Việt Nam" do tác giả Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên) đã tổng kết những đánh giá về thực trạng tác động kinh tế - xã hội của BĐKH toàn cầu và phản ứng chính sách ở một số nước, như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc; trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất một số kiến nghị cho Việt Nam trong việc giảm nhẹ các tác động tiêu cực của BĐKH.

     Nội dung cuốn sách được trình bày trong 7 chương. Chương 1: Biến đổi khí hậu toàn cầu: Thực trạng, tác động và các giải pháp ứng phó; Chương 2: Tác động kinh tế - xã hội của BĐKH và phản ứng chính sách của Hoa Kỳ; Chương 3: Tác động kinh tế - xã hội của BĐKH và phản ứng chính sách của Trung Quốc; Chương 4: Tác động kinh tế - xã hội của BĐKH và phản ứng chính sách của Nhật Bản; Chương 5: Tác động kinh tế - xã hội của BĐKH và phản ứng chính sách của Hàn Quốc; Chương 6: Tác động kinh tế - xã hội của BĐKH và phản ứng chính sách của Indonesia; Chương 7: Biến đổi khí hậu: Thực trạng, thách thức và những giải pháp ứng phó của Việt Nam.

     Việt Nam có vùng dân cư và đời sống kinh tế tập trung ở các vùng đồng bằng thấp dọc ven biển, có hai đồng bằng thấp, lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, và cũng là một trong năm quốc gia bị tác động nhiều nhất của hiện tượng nước biển dâng, hậu quả của tăng nhiệt độ làm bề mặt trái đất nóng lên.

     Theo cảnh báo của ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ ảnh hưởng đến 5% đất đai của Việt Nam, 10% dân số, tác động đến 7% sản xuất nông nghiệp, làm giảm 10% GDP, riêng sản xuất kinh tế biển sẽ suy giảm 1/3. Còn nếu mực nước biển dâng cao từ 3 - 5m thì đây sẽ là thảm họa khôn lường với Việt Nam.

     BĐKH đã, đang và sẽ gây ra những tác động tiêu cực và nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, những biến động thời tiết bất thường đã và đang gây thiệt hại lớn cho đời sống dân cư. Hiện tượng El Nino làm cho thời tiết bị xáo động; bão có xu hướng gia tăng về cường độ và ngày càng khó đoán định về thời gian và hướng dịch chuyển; mùa đông ấm lên, mùa hè nóng thêm; bão lũ và khô hạn xuất hiện bất thường. Hiện tượng ngập úng vùng đồng bằng châu thổ mở rộng vào mùa mưa lũ. Các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở tại các vùng dân cư tập trung ở hai bờ trên nhiều khu vực từ Bắc vào Nam.

     Cách thức phát triển thiếu bền vững hiện nay của Việt Nam đang góp phần vào việc tạo ra và làm gia tăng thêm các mối hiểm họa của BĐKH toàn cầu và tác động tiêu cực ngược trở lại. Việc chạy theo tốc độ tăng trưởng cao đã và đang làm tăng các hoạt động xây dựng và đô thị hóa trên diện rộng, đặc biệt ở khu đô thị. Các công trình xây dựng và nâng cấp nhà ở, cầu đường đang diễn ra khắp mọi nơi, làm cho tình trạng ô nhiễm bụi càng trở nên trầm trọng và thu hẹp không gian sống xanh của cư dân. Nồng độ bụi tại các thành phố, đô thị ngày càng tăng và vượt quá ngưỡng cho phép 2 đến 3 lần. Bản tổng kết môi trường toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố năm 2007 cho thấy Việt Nam có hai thành phố nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trên thế giới là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

     Ngoài khí thải từ các phương tiện giao thông và khói từ các khu công nghiệp, chất thải và nước thải cũng là những nhân tố chính gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Nhiều khu công nghiệp và khu dân cư không có hệ thống nghiền và xử lý chất thải ở mức chuẩn tối thiểu. Trong số 183 khu công nghiệp (KCN) trong cả nước, có trên 60% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom… nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

     Hiện nay có khoảng 80% doanh nghiệp còn thờ ơ với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách công nghiệp về nhu cầu bảo vệ môi trường tại 18 ngành và lĩnh vực kinh tế cho thấy: các ngành sản xuất tác động lớn đến môi trường nước gồm rượu - bia - nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may; ảnh hưởng đến môi trường không khí như xây dựng, cơ khí, giao thông, điện và khai thác khoáng sản; thải ra nhiều chất thải rắn như y tế, đóng tàu, xi măng... nếu không được kiểm soát kỹ về công nghệ, vận hành trong quá trình sản xuất thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đánh giá sơ bộ, nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường tại 18 ngành và lĩnh vực này, dự báo đến năm 2020 lên tới hơn 124.000 tỷ đồng. Dự báo tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường đến năm 2020 sẽ là 1,2% GDP.

     Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc bức tranh tổng thể về thực trạng, tác động kinh tế - xã hội của BĐKH trên thế giới và Việt Nam, cùng những kinh nghiệm phản ứng chính sách của một số nước tiêu biểu trên thế giới, trên cơ sở đó có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc giảm nhẹ các tác động tiêu cực của BĐKH.

     Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn./.

 

Tác giả: Tác giả: Lưu Ngọc Trịnh
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...