• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa (Trường hợp làng Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Châm, Đỗ Lan Phương

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2016

Số trang: 379

 

 

      Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Điều  này, một mặt đã giúp mở rộng các đô thị, thay đổi đáng kể bộ mặt nhiều vùng quê ven đô và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặt khác cũng khiến cho các khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới: việc làm, lao động, di dân, đất canh tác… và đặc biệt là nảy sinh các thách thức về văn hóa mà trong đó đặc biệt phải kể tới là sự thay đổi lối sống, sức sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, đời sống tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật và tính cố kết trong đời sống của cộng đồng làng.

      Trước thực tế nêu trên, nhiều câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra: Làng quê của chúng ta ở đâu trong cơ cấu xã hội đương đại? Liệu làng và văn hóa làng ở những khu vực giáp ranh đang nhập vào đô thị có bị hòa tan hay vẫn giữ được những nét riêng vốn có? Bức tranh văn hóa làng đặt ra vấn đề gì cho sự phát triển xã hội hiện nay…

      Để giải đáp những vấn đề này tháng 6/2016, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa (Trường hợp làng Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội" do hai tác giả Nguyễn Thị Phương Châm và Đỗ Lan Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa đồng chủ biên. Thông qua trường hợp làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cuốn sách đã chỉ rõ quá trình biến đổi văn hóa ở làng Xuân Đỉnh trong bối cảnh đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng ở đây. Mặt khác, cuốn sách còn luận bàn về những động thái kinh tế, văn hóa, xã hội ẩn chứa trong quá trình biến đổi, thông qua cách nhìn nhận khác nhau của người dân, của các nhà quản lý quy hoạch đô thị, của các nhà nghiên cứu… để làm rõ những vấn đề liên quan đến phát triển, lựa chọn và thích nghi, đồng thời nêu bật được những vấn đề đặt ra từ quá trình biến đổi qua đó có những kiến nghị, giải pháp về trung và dài hạn cho sự phát triển làng trong tương lai.

      Ngoài phần Mở đầu, cuốn sách được cấu trúc thành 6 chương như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận; Chương 2: Bối cảnh tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội làng Xuân Đỉnh và những chính sách tác động tới quá trình đô thị hóa ở làng; Chương 3: Thực trạng biến đổi văn hóa ở làng Xuân Đỉnh (qua không gian, cảnh quan, sinh kế, lối sống, tiếp cận thông tin và các hình thức giải trí); Chương 4: Thực trạng biến đổi văn hóa ở làng Xuân Đỉnh (qua một số phong tục, tập quán); Chương 5: Thực trạng biến đổi văn hóa tín ngưỡng ở làng Xuân Đỉnh (qua di tích, tín ngưỡng và lễ hội); Chương 6: Biến đổi văn hóa ở làng Xuân Đỉnh và những vấn đề đặt ra.

      Tại chương 1, các thông tin về tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận đã được các tác giả tập trung làm rõ. Qua đó, độc giả được tìm hiểu kĩ hơn về bối cảnh tình hình nghiên cứu, những ảnh hưởng mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của quá trình giao lưu vượt phạm vi quốc gia, của những xã hội đang chuyển đổi tới các chiều cạnh của biến đổi văn hóa tại các làng quê ven đô và cuộc sống của họ giai đoạn từ sau đổi mới năm 1986 cụ thể là làng Xuân Đỉnh. Theo đó, các tác giả khẳng định Xuân Đỉnh vốn là một làng quê cổ, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Song, với vị trí cận kề kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội nay, Xuân Đỉnh luôn đối mặt với nhiều tác động từ sự giao lưu, hội nhập đô thị qua nhiều con đường, điều đó đã tạo ra tính chất hỗn hợp, đan xen, phức tạp và đa chiều của làng quê này trên hầu khắp các phương diện chủ đạo như kinh tế, xã hội và văn hóa.

      Thông qua bối cảnh tự nhiên, lịch sử; bối cảnh kinh tế xã hội và các chính sách tác động tới đô thị hóa, tại chương 2 độc giả được biết Xuân Đỉnh chính là sự hợp nhất của hai làng Xuân Tảo và Cáo Đỉnh. Đây được xem là vùng đất cổ ,có vị trí trọng yếu trong khu vực ven đô phía Tây của Hà Nội, nơi có giao thông thuận lợi với khu vực nội đô và các vùng lân cận. Ở chiều cạnh kinh tế - xã hội, ngoài nghề nông, người dân Xuân Đỉnh còn có nhiều nghề phụ đi theo từng giai đoạn phát triển của làng để cải thiện đời sống kinh tế. Hiện nay, cơ cấu kinh tế ở làng đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ, chuyển sang cơ cấu kinh tế làng hỗn hợp trọng thương với mức tăng trưởng ước đạt 16-17% bình quân năm. Theo đó các chính sách liên quan đến hành chính - tổ chức, các tổ chức Đảng, chính quyền, hội nhóm… luôn luôn được kiện toàn để đáp ứng với nhu cầu vận động của xã hội.

      Tại chương 3, thông qua không gian, cảnh quan, sinh kế, lối sống, tiếp cận thông tin và các hình thức giải trí các tác giả khẳng định trong khoảng 30 năm trở lại đây Xuân Đỉnh đã có nhiều sự thay đổi đáng kể, không gian làng quê với “cây đa, bến nước, sân đình” với cánh đồng làng, cổng làng… êm ả trước kia đã và đang được thay thế dần bằng không gian và cảnh quan đô thị. Trong không gian đó, dân làng lựa chọn những phương thức sinh kế đa dạng hơn, linh hoạt hơn để phù hợp với bối cảnh mới. Lối sống của dân làng ngày càng có sự dung hòa giữa làng và đô thị, giữa việc gia tăng sự cố kết theo kiểu tình làng nghĩa xóm và đẩy cao tính độc lập theo kiểu hàng phố, lối sống công nghiệp và dịch vụ ngày càng rõ nét. Việc tiếp cận các thông tin và hình thức giải trí cũng ngày càng đa chiều, đa dạng khiến cho cuộc sống của dân làng không chỉ khá giả về mặt kinh tế mà còn giàu có về tinh thần dù mặt trái theo đó cũng không thể tránh khỏi song đa phần sự biến đổi được coi là “tích cực”, hầu hết dân làng đều “hài lòng”, “vui vẻ” với những sự biến đổi này.

       Sinh hoạt dòng họ, phong tục cưới hỏi, ma chay đối với nhiều người tưởng chừng ai cũng biết nhưng nếu công chúng không tiếp cận được các thông tin tại chương 4 hẳn là sẽ không thể nhận thấy rõ được thực trạng biến tiếp văn hóa tại Làng Xuân Đỉnh lại có những đặc trưng thú vị đến vậy. Bằng các dẫn chứng cụ thể, các tác giả cho rằng trong khoảng 30 năm trở lại đây, tính từ khi Xuân Đỉnh bắt đầu quá trình đô thị hóa, cùng với sự thay đổi của nhiều thực hành văn hóa, các sinh hoạt dòng họ, cưới hỏi, tang ma đã có nhiều thay đổi. Dòng họ không còn có vai trò quan trọng chi phối các công việc lớn của các gia đình như trước mà chuyển vai trò sang hoạt động khuyến khích, động viên việc học hành cho con cháu, gia tăng các hình thức kết nối mạng lưới cũng như duy trì một cách linh hoạt các tập tục truyền thống. Phong tục cưới hỏi, tang ma có sự mở rộng về quy mô và hội nhập một cách mạnh mẽ với đô thị hiện đại trên cơ sở duy trì các nền tảng văn hóa truyền thống. Quá trình biến tiếp này được xem là một nét đặc trưng cơ bản nhất, dễ nhận biết nhất trong các sinh hoạt dòng họ và phong tục nơi đây trong giai đoạn hiện nay.

      Tại Chương 5, các tác giả dành nhiều thông tin để luận bàn về sự biến đổi văn hóa làng qua sự biến đổi của di tích, tín ngưỡng và lễ hội. Trên cơ sở thống nhất quan điểm tìm hiểu về sự biến đổi của thành tố này trong tổng thể văn hóa làng Xuân Đỉnh, các tác giả khẳng định di tích, tín ngưỡng và lễ hội ở Xuân Đỉnh đều đã có những sự biến đổi rất rõ rệt. Diện mạo các di tích được thay đổi khá nhiều so với trước kia, hầu hết được khoác thêm các lớp áo mới qua các lần trùng tu, tôn tạo và có một số là xây mới. Việc thực hành tín ngưỡng và lễ hội cũng trở lên đa dạng hơn, phức tạp hơn bởi sự đan xen của nhiều bối cảnh, nhiều động thái mới xuất hiện ở làng hiện nay, trong đó có sự tách nhập địa giới, có sự gia tăng về kinh tế, dân số, có sự thay đổi về mặt chính sách, tâm thức của người dân về tín ngưỡng… Tuy vậy, sự biến tiếp này luôn được biến đổi trên cơ sở của nền tảng truyền thống, có sự đan xen giữa cũ và mới, giữa truyền thống và sáng tạo, giữa màu sắc tín ngưỡng nơi làng quê và những thực hành tín ngưỡng mới nơi đô thị.

      Tại chương 6, qua việc trình bày xu hướng biến đổi; vấn đề tái cấu trúc văn hóa truyền thống; sự du nhập các yếu tố văn hóa mới; sự gia tăng các hoạt động tín ngưỡng; sự thích ứng linh hoạt của dân làng trong quá trình biến đổi; những thách thức từ quá trình đô thị hóa và biến đổi văn hóa làng hiện nay… Các tác giả đề xuất nên có các nghiên cứu chuyên biệt về đời sống văn hóa dân làng trong bối cảnh xã hội đương đại trong việc tìm đến các mô hình sinh kế bền vững; tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến đất đai, quyền thừa kế liên quan đến giới, ứng xử liên quan đến đất đai, thừa kế/những mâu thuẫn xung đột (công và tư) từ góc độ văn hóa; tìm hiểu vấn đề tái cấu trúc vân hóa truyền thống và hội nhập… Đây là những đề xuất rất cụ thể dựa trên thực tế nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của làng, có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng, đội ngũ lãnh đạo của làng trong việc đưa ra các quyết sách phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững dựa trên các nét đặc sắc về văn hóa vốn có của Xuân Đỉnh.

      Có thể khẳng định rằng, nội dung cuốn sách đã cho thấy sự biến đổi văn hóa làng Xuân Đỉnh đã và đang tạo ra bức tranh ngày càng rõ nét về Xuân Đỉnh trong quá trình phát triển. Mặc dù trong đó, cũng hàm chứa không ít các thông tin về thách thức mà Xuân Đỉnh đang phải đối mặt cho quá trình hội nhập có liên quan đến đất đai, môi trường, người nhập cư, các tệ nạn mới xuất hiện… Việc này, không những có ý nghĩa hỗ trợ chính quyền địa phương mà còn cho chính dân làng nhận thức được rõ hơn được các nội dung biến tiếp văn hóa để có các giải pháp tiếp nhận, ngăn ngừa và đối phó cần thiết.

      Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.

      Xin trân trọng giới thiệu./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Thị Phương Châm, Đỗ Lan Phương
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết