Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng thương mại
Tái cơ cấu đầu tư công là một quá trình thay đổi toàn diện từ việc huy động các nguồn cho đầu tư công, cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng. Quá trình này sẽ thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư của nền kinh tế cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tái cơ cấu đầu tư công được coi là một trong những trọng tâm cơ bản của tái cấu trúc nền kinh tế ở bất kì quốc gia nào.
Tuy nhiên, tái cơ cấu đầu tư công luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng nợ công. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi mà một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng không thể đạt kế hoạch, nhất là trong giai đoạn những năm 2011-2015, GDP tăng trưởng chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999, tỷ lệ thất nghiệp lớn, hàng tồn kho tăng cao, thị trường chứng khoán ảm đạm, tín dụng tắc nghẽn, thị trường bất động sản đóng băng, sức mua của dân chúng giảm, nợ xấu ở mức đáng lo ngại…
Trước những vấn đề trên, tháng 5/2015, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Tái cơ cấu đầu tư công - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng thương mại" do TS. Tô Thị Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam chủ biên, nhằm khắc họa bức tranh toàn cảnh về tái cơ cấu nền kinh tế và đưa ra đánh giá về những kết quả ban đầu của tái cơ cấu trên ba lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư công; doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Từ đó đưa ra các khuyến nghị, gợi ý chính sách, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, thực thi, hoàn thiện chính sách vĩ mô trong quá trình đổi mới.
Ngoài phần Mở đầu, phụ lục, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam; Chương 2: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Chương 3: Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Chương 1 bao gồm nhiều thông tin liên quan tới các mục tiêu chính của tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam; Hiệu quả đầu tư công; Các nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; Vấn đề nợ động trong xây dựng cơ bản; Vấn đề quy hoạch, kỉ luật, cơ chế, phản ứng chính sách… Qua đó, tác giả đã đưa ra được một số gợi ý chính sách về tái cơ cấu đầu tư công trên các lĩnh vực như: Năng lực quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư công; Kỷ luật ngân sách; Hạn chế thất thoát, tham nhũng; Vấn đề phối hợp đồng bộ giữa tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; Vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và giảm bớt gánh nặng ngân sách thông qua hợp tác công - tư.
Chương 2 tập trung bàn về các vấn đề liên quan đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từ khi “Đổi mới” đến nay; Hiệu quả hoạt động và nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp tại các doanh nghiệp nhà nước; Các giải pháp cơ bản để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần, minh bạch về thông tin, áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Vấn đề thúc đẩy cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Từ đó chỉ ra được mối tương quan giữa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công cũng như hệ thống ngân hàng. Tác giả khẳng định để quản lý tốt vấn đề tái cơ cấu giữa các chủ thể, Việt Nam cần phải có những cam kết về minh bạch hóa thông tin, ổn định được môi trường kinh tế vĩ mô nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong vấn đề minh bạch hóa thông tin cần ban hành những ưu đãi về thuế, về huy động vốn, có hình thức thưởng phạt tương ứng đối với các doanh nghiệp có mức độ báo cáo tài chính không đạt tiêu chuẩn.
Chương 3 luận bàn về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam liên quan đến thực trạng nợ xấu, vấn đề xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Thông qua kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và thực tiễn tình hình tái cơ cấu 9 ngân hàng của Việt Nam trong năm 2012. Tác giả đã đưa ra được một số đánh giá chung về tiến trình tái cơ cấu ngân hàng cũng như các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thông quan việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý về tiền tệ, nhất là các quy định an toàn hệ thống ngân hàng để hỗ trợ việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; Tập trung xử lý nợ xấu bằng việc “phá băng” thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp; Thúc đẩy hoạt động mua lại, sáp nhập nhằm nâng cao khả năng tự chủ tài chính của ngân hàng; Tăng cường quản trị rủi ro; Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thanh tra, giám sát ngân hàng.
Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.
Xin trân trọng giới thiệu./.