• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ chế chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam 20/11/2017

Cơ chế chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam 20/11/2017

20/03/2019

Tác giả: Hoàng Văn Hoan

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2016

Số trang: 440

Chủ biên: Hoàng Văn Hoan Chb.

Mô tả: Từ khóa: Cơ chế; Chính sách; Tài chính; Biến đổi khí hậu; Việt Nam

     Biến đổi khí hậu là sự thay đổi đáng kể, lâu dài các thành phần khí hậu, “khung” thời tiết từ bình thường vốn có lâu đời nay của một vùng cụ thể, sang một trạng thái thời tiết mới, đạt tiêu chí sinh thái khí hậu mới một cách khác hẳn, để rồi sau đó dần dần đi vào ổn định.

     Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có bờ biển kéo dài trên 3.000km là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo UNDP, biến đổi khí hậu đe dọa Việt Nam ở nhiều cấp, lượng mưa dự kiến sẽ gia tăng và bão nhiệt đới sẽ mạnh hơn. Mực nước biển cao dự kiến khoảng 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn đồng bằng sẽ hoàn toàn ngập trắng thời gian dài trong năm. Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã sớm có các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với hợp tác quốc tế, Chính phủ nước ta đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã từng bước hoàn thiện và ban hành một số chích sách liên quan nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Tuy nhiên cùng chung với xu hướng của quốc tế, các chính sách về cơ chế tài chính ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai. Nhằm cung cấp những thông tin về chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách: “ Cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do PGS.TS. Hoàng Văn Hoan làm chủ biên.

      Ngoài Lời nói đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan về biến đổi khí hậu; Chương 2: Lý luận về cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương 3. Kinh nghiệm của một số nước về cơ chế, chính sách tài chính huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; Chương 4. Khuyến nghị về cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

     Trong chương 1, nhóm tác giả đã hệ thống hóa các vấn đề chung về biến đổi khí hậu, trong đó nêu lên hai nhóm nguyên nhân của biến đổi  khí hậu và xu hướng biến đổi khí hậu trong thế kỷ XXI. Điểm đặc biệt của chương này là nhóm tác giả đã phân tích những kịch bản của biến đổi khí hậu trên thế giới và Việt Nam cũng như các hướng ứng phó với biến đổi khí hậu như: Ứng phó theo hướng giảm thiểu tác động và ứng phó theo hướng thích ứng. Bên cạnh đó nhóm tác giả cũng phân tích các hành động và cam kết quốc tế với tác động của biến đổi khí hậu bắt đầu từ Công ước khung của Liên hợp quốc năm 1992 cho đến Hội nghị lần thứ Hai mươi các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ mười các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10) Lima năm 2014.

      Trong chương 2, trên cơ sở các khái niệm chuyên ngành, nhóm tác giả đã phân tích và đánh giá cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó nhóm tác giả cũng nêu lên các yếu tố ảnh hưởng đến cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như: 1/ Tiềm lực nhà nước; 2/ Hệ thông pháp luật; 3/ Hệ thống tài chính quốc gia; 4/ Hiệu quả đầu tư, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu; 5/ Nhận thức của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân; 6/ Các cam kết quốc tế.

      Trong chương 3, nhóm tác giả tâp trung nghiên cứu kinh nghiệm của một số nhóm nước: nhóm các nước phát triển và kinh tế chuyển đổi – các nước có lượng phát thải các khí nhà kinh lớn, gây biến đổi khí hậu; và nhóm các nước đang phát triển về cơ chế, chính sách tài chính huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Trên cơ sở phân tích những thành công, nhóm tác giả đã rút ra một số bài học cho Việt Nam: 1/ Lồng ghép mục tiêu khí hậu vào phát triển kinh tế; 2/ Tận dụng nguồn lực tài chính lớn, đồng bộ; 3/ Quy hoạch từ dưới lên; 4/ Linh hoạt trong tài trợ, hiệu quả trong triển khai; 5/ Lập kế hoạch phân đoạn.

     Nội dung chương 4, nhóm tác đã đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp vừa đảm bảo huy động tối đa nguồn lực trong nước và nước ngoài, vừa đảm bảo sử dụng hợp lý, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính trong ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới. Các giải pháp bao gồm: 1/ Lồng ghép ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu APRT vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; 2/ Hoàn thiện hệ thống các văn  bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; 3/ Huy động các nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu; 4/ Lồng ghép chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách và thiết lập cơ chế đánh giá kết quả thực hiện chính sách; 5/ Xây dựng kế hoạch gành ngân sách cho biến đổi khí hậu, đồng thời có những rà soát có liên quan cũng như triển khai cấp vốn cho hoạt động này; 6/ Xây dựng chính sách và cơ chế tài chính cho biến đổi khí hậu.

     Đây là cuốn sách hay, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với giới nghiên cứu khoa học, cho những nhà hoạch định chính sách tài chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

     Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Các sách khác:

Tác giả: Tác giả: Hoàng Văn Hoan
Tags: : 440
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết