• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biển đổi khí hậu ở Việt Nam

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia, Sự thật

Năm xuất bản: 2017

Số trang: 434

Chủ biên: Nguyễn Song Tùng Chb.

 

 

     Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rất lớn đối với nhân loại trong thế kỉ XXI, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang trở thành nguy cơ hiện hữu tác động đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ và sự phát triển bền vững của đất nước.

     Nhận thức được tầm quan trọng trước những vấn đề phức tạp và hậu quả của biến đổi khí hậu, quý I/2017, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phát hành ấn phẩm mang tên “ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biển đổi khí hậu ở Việt Nam" do TS. Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lí nhân văn chủ biên.

      Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương như sau: Chương 1: Cơ sở lý luận về cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương 2: Thực trạng về cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Chương 3: Thực trạng liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chương 4: Đề xuất quan điểm, chiến lược và giải pháp về cơ chế, chiến lược và giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

     Tại chương 1, các vấn đề lý thuyết liên quan đã được tác giả trình bày rất cụ thể. Qua đó, bạn đọc sẽ có được cái nhìn tổng quan các vấn đề về vùng, phân vùng; các vấn đề về biến đổi khí hậu; cũng như thu nhận được nhiều kiến thức cần thiết để hiểu rõ hơn khái niệm liên kết vùng, nội dung của liên kết vùng, các nguyên tắc của liên kết vùng, các điều kiện để thực hiện liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và làm rõ các nội hàm của cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Chương 2 tập trung vào việc nghiên cứu thực trạng của các cơ chế, chính sách, cụ thể là các văn bản pháp lý, các vấn đề liên quan đến quy hoạch gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; các cơ chế, chính sách trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Qua đó, tác giả nhận định việc phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu làm căn cứ lập các quy hoạch, cơ chế, chính sách… nói chung chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá mới, nhất là việc phối hợp liên vùng. Đây là vấn đề có tính thời sự, cần sự chung tay của nhiều tổ chức, ban/ngành chức năng liên quan.

     Chương 3 bàn sâu về thực trạng liên kết vùng trong ứng phó khí hậu ở Việt Nam tại các vùng trung du, miền núi phía Bắc, châu thổ sông Hồng, Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; Đông Nam Bộ… Qua đó làm rõ được thực trạng liên kết vùng trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; trong bảo tồn rừng và đa dạng sinh học; trong bảo vệ tài nguyên và môi trường biển… Các tác giả cho rằng mặc dù mối liên kết giữa các địa phương đã bước đầu có những kết quả nhất định song vẫn tồn tại một số hạn chế có liên quan đến hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp giữa các địa phương/vùng; Các nội dung liên kết hầu hết là do tự thỏa thuận chưa có sự chỉ đạo sát sao từ các ban, ngành chức năng; Thiếu cơ quan đầu mối; cơ chế tài chính còn yếu; cơ chế chia sẻ thông tin chưa được hiệu quả giữa các địa phương… là những rào cản lớn để các địa phương có thể cùng nhau đưa ra được các chương trình hợp tác và liên kết chung.

     Chương 4 tập trung đưa ra các đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Trong đó, các quan điểm, định hướng chủ đạo như: Liên kết vùng phải dựa vào điều kiện tự nhiên, sinh thái; Liên kết vùng phải được xây dựng trên nguyên tắc bắt buộc và phải lồng ghép, tích hợp trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của các Bộ/Ngành/Địa phương; Liên kết vùng phải được thực hiện trên nền tảng quy hoạch tổng thể của kinh tế - xã hội nói chung của cả vùng và địa phương... Dựa trên các quan điểm đó, cần có các giải pháp như: Luật hóa vấn đề liên kết vùng; Hình thành các tổ chức, quản trị, điều phối viên liên kết vùng; Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách liên kết vùng; Đẩy mạnh và nâng cao nhận thức về liên kết vùng; Nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung theo các cấp từ địa phương tới trung ương ở tất cả các ngành nhằm đa dạng hóa nguồn lực, gia tăng hiệu quả quản lý để thực thi hiệu quả các biện pháp liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng/miền của cả nước.

      Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.

      Xin trân trọng giới thiệu./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết