• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2016

Số trang: 404

Chủ biên: Bùi Quang Tuấn Chb.

 

 

     Tây Nguyên nằm ở vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đây là lợi thế để Tây Nguyên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanma đến đông bắc Thái Lan, sang nam Lào với điểm đến là khu vực Tây Nguyên. Do đó, Tây Nguyên chiếm một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Trong thời gian qua, Vùng Tây Nguyên đã đạt được khá nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội và giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Tây Nguyên đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt trong phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, bảo tồn văn hóa và đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Do đó, phát triển bền vững Tây Nguyên là một nhiệm vụ cấp bách không chỉ cho bản thân vùng Tây Nguyên mà cho cả quốc gia Việt Nam vì nó phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030.

      Nhằm cung cấp thêm tài liệu về phát triển bền vững cũng như tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng bền vững, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách “Tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn làm chủ biên.

      Ngoài Lời nói đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm 4 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững; Chương 2: Thực trạng cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững; Chương 3. Nghiên cứu các trường hợp điển hình; Chương 4. Đề xuất định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

       Nội dung của cuốn sách tập trung bàn về các vấn đề lý luận về cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, đánh giá mô hình phát triển vùng Tây Nguyên thời gian qua từ góc độ phát triển bền vững mà chủ yếu là bền vững về kinh tế. Cuốn sách này cũng trình bày thực trạng, cơ hội, thách thức và các quan điểm phát triển các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên theo hướng tận dụng lợi thế đặc thù của vùng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần vào thay đổi cơ cấu kinh tế của vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Tây Nguyên và các hệ quả đối với phát triển bền vững cũng như phân tích các cơ hội và thách thức của vùng trong thời gian tới, cuốn sách đưa ra một số giải pháp chinh sách nhằm góp phần tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

      Trong chương 1, nhóm tác giả đã phân tích khái quát các cơ sở lý luận thực tiễn về tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số địa phương trong nước đã rút ra sáu bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và vùng Tây Nguyên như sau: Thứ nhất, cần phải có một nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo và điều hành; Thứ hai, tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải xác định các ngành có lợi thế để tập trung phát triển và kèm với nó là phải có sự hy sinh của một số ngành và lĩnh vực khác; Thứ ba, phải có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành trong tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững; Thứ tư, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững phải dựa nhiều vào thị trường và các đòn bẩy thị trường; Thứ năm, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững; Thứ sáu, nâng cao vai trò của thể chế vùng trong điều phối quá trình tái cơ cấu kinh tế.

      Trong chương 2, về thực trạng cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững, nhóm tác giả đã tập trung phân tích một số nhóm vấn đề, tuy nhiên điểm nổi bật của chương này là đánh giá những hạn chế, yếu kém từ góc độ tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững: Về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác giả nhận thấy Tây Nguyên có sự tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đảm bảo về chất lượng tăng trưởng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang chiều sâu còn chậm, chưa phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có; Chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó có thể thấy, mô hình phát triển của Tây nguyên chưa tận dụng được lợi thế so sánh và các đặc thù, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị vì vậy không đảm bảo được điều kiện để phát triển bền vững. Về các vấn đề xã hội, nhóm tác giả cho rằng áp lực dân số tăng cùng với chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ở vùng đất này, bên cạnh đó tỷ lệ đói nghèo ở mức cao và phân hóa giàu – nghèo đang tăng góp phần làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của vùng đất Tây Nguyên. Ngoài ra các nguyên nhân khác như nguy cơ suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về văn hóa và những nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định chính trị ở vùng này làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư và phát triển kinh tế là những nguyên nhân bất lợi đến phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên.

      Trong chương 3, nhóm tác giả tâp trung nghiên cứu thực trạng về sự tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của một số sản phẩm mà Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế tuyệt đối như cà phê, cao su, điều và các sản phẩm về hoa tại tỉnh Lâm Đồng, qua đó góp phần thảo luận và định hướng cho việc tái cấu trúc kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

      Qua việc tìm hiểu bối cảnh mới trên thế giới và khu vực cũng như bối cảnh trong nước ở chương 4, nhóm tác giả đã phân tích những cơ hội và thách thức đối với Tây Nguyên trong thời gian tới và khẳng định, đây là cơ hội lớn để Tây Nguyên phát triển nền kinh tế xanh, hay nói cách khác là công nghiệp hóa theo kiểu mới, dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và thị trường. Phần cuối của chương, nhóm tác giả đã đề xuất mười giải pháp về chính sách nhằm tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững: Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong tư duy về phát triển và về tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững; Thứ hai, rà soát quy hoạch các sản phẩm có lợi thế của vùng Tây Nguyên để sắp xếp lại cho phù hợp với nội dung của tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững; Thứ ba, cải thiện chất lượng công tác quy hoạch; Thứ tư, cải thiện và nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển; Thứ năm, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất các sản phẩm và Tây Nguyên có lợi thế; Thứ sáu, phát huy các chính sách thị trường để khuyến khích phát triển các chuỗi sản phẩm có lợi thế và khuyến khích sự tham gia của các chủ thể trong chuỗi giá trị; Thứ bảy, hỗ trợ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thứ tám, tạo môi trường thu hút vốn xã hội và đầu tư trực tiếp nước ngoài; Thứ chín, tái cơ cấu kinh tế phải luôn gắn liền với đảm bảo các yếu tổ bền vững về xã hội, môi trường, văn hóa và ổn định chính trị phục vụ phát triển con người; Thứ mười, tăng cường liên kết nội vùng và ngoại vùng thông qua việc xây dựng và hoàn thiện thể chế vùng.

       Đây là cuốn sách hay, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với giới nghiên cứu khoa học, cho những nhà hoạch định chính sách vùng cũng như những người quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

 

Tác giả: Tác giả: Bùi Quang Tuấn
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết