• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong phát triển bền vững

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2014

Số trang: 363

Chủ biên: Đặng Thị Hoa Chb.

 

 

 

     Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của 2 đề tài cấp Bộ “Tác động của các yếu tố truyền thống đến quản lý xã hội ở cơ sở vùng dân tộc miền Tây Thanh Hóa – Nghệ An” và “Một số vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam” do chính tác giả làm chủ nhiệm đề tài.

     Quản lý xã hội là một trong những vấn đề luôn được các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạch định chính sách quan tâm. Hiện nay, quản lý xã hội đang đặt ra những vấn đề mới, mâu thuẫn giữa những giá trị văn hóa truyền thống vốn đã được bảo lưu và gìn giữ từ nhiều đời với sự vận động và phát triển đi lên của xã hội trong bối cảnh hiện đại hóa, hội nhập và phát triển. Đối với vùng dân tộc thiểu số, nhiều giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hoá dẫn tới nhiều vấn đề bất cập đang diễn ra trong quá trình thích ứng giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là những khác biệt trong quản lý xã hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa tộc người với phương thức quản lý hiện đại của một số tộc người ở nước ta hiện nay. Đó cũng là một khoảng trống trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là dưới góc nhìn Dân tộc học trong nhiều năm trở lại đây. Ở nước ta, từ sau Đổi mới đến nay, với những chính sách của Nhà nước, vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là những thay đổi về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tộc người trong bối cảnh nhiều giá trị xã hội mới đang từng ngày thâm nhập, phát triển nhanh chóng ở vùng dân tộc thiểu số, làm mai một các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là những vấn đề chính được tác giả phân tích trong cuốn sách.

     Sau chương tổng quan tài liệu, các khái niệm và quan điểm nghiên cứu có liên quan (chương 1); tác giả đã xem xét tác động của các yếu tố truyền thống đến quản lý xã hội cấp cơ sở vùng dân tộc thiểu số hiện nay (chương 2); phân tích những ưu điểm, hạn chế của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số (chương 3); và tìm hiểu về công tác cán bộ ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng biên giới (chương 4).

     Hy vọng cuốn sách đem lại những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách và những ai quan tâm đến vấn đề quản lý xã hội vùng dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững ở Việt Nam. 

      Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc./.

 

Tác giả: Tác giả: Đặng Thị Hoa
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan