• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn nhân lực với phát triển bền vững vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011-2020

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2013

Số trang: 213

Chủ biên: Nguyễn Hồng Quang Chb.

 

 

    Con người là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ đây vừa là động lực cho sự phát triển, vừa là mục tiêu của quá trình phát triển đó. Nói cách khác, các quá trình phát triển kinh tế - xã hội đều là do con người và vì con người; và con người là nền tảng, là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi vùng và sự lớn mạnh của mỗi tổ chức. Vì vậy phát triển nguồn nhân lực là biện pháp quan trọng nhất trong việc hướng tới phát triển bền vững, xét ở cả ba cấp độ nêu trên.

    Trong những năm qua, nguồn nhân lực ở Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể về chất lượng. Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu, thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển.

     Vùng Bắc Bộ bao gồm 25 tỉnh, thành phố, được chia làm hai tiểu vùng lớn là Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi Bắc Bộ, chiếm 35,2% tổng diện tích đất tự nhiên và 35,5% dân số cả nước. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế-chính trị của cả nước, và có nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của vùng hiện còn thấp, với trình độ học vấn và tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động thấp, cơ cấu lao động bất hợp lý, tình trạng thiếu việc làm cao, năng suất lao động và thu nhập thấp, có sự chênh lệch lớn giữa hai tiểu vùng; và do đó tỷ lệ nghèo đói cao và mức độ phát triển con người thấp.

     Chính vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực của vùng Bắc Bộ nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực con người và nâng cao năng suất lao động là đòi hỏi bức thiết trong thời gian tới, qua đó góp phần phát triển bền vững vùng và hướng tới thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia. Mặt khác, hiện tại các nghiên cứu về vùng nói chung, vùng Bắc Bộ nói riêng ở Việt Nam không có nhiều, đặc biệt xung quanh chủ đề phát triển nguồn nhân lực. Từ những lý do đó, tác giả cho rằng nghiên cứu vấn đề này, qua đó đề xuất các quan điểm và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực ở vùng Bắc Bộ có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

     Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách được trình bày trong ba chương. Chương 1 - Những vấn đề lý luận chung về phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng tới phát triển bền vững vùng Bắc Bộ - đề cập tới vai trò của phát triển nguồn nhân lực đối với phát triển bền vững vùng,  nội dung cơ bản của phát triển nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững vùng Bắc Bộ.

     Chương 2 - Đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực vùng Bắc Bộ, trình bày tTổng quan các điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới phát triển nguồn nhân lực vùng Bắc Bộ; Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở vùng Bắc Bộ; Đánh giá về nguồn nhân lực và các điều kiện phát triển và sử dụng nguồn nhân lực vùng Bắc Bộ.

     Chương 3 - Quan điểm và giải pháp phát triển nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011 -2020, phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới phát triển nguồn nhân lực vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011 -2020; Quan điểm phát triển nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011 -2020 và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011 -2020.

     Hy vọng cuốn sách đem lại cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về nguồn nhân lực vùng Bắc Bộ.

     Trân trọng giới thiệu cùng các bạn./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Hồng Quang
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...