• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình phát triển tầng lớp trung lưu tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Tầng lớp trung lưu (TLTL) Việt Nam đang ngày một lớn mạnh, phát triển một cách khá đa dạng và có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng, thể hiện rõ nét trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học của nước nhà. 

Tính đa dạng trong phát triển của TLTL Việt Nam được thể hiện về các loại hình xét theo nhiều tiêu chí như tiêu chí nghề nghiệp, bao gồm từ viên chức, công chức, nhà chuyên môn, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý bậc trung, bậc cao cho tới doanh nhân, nghệ nhân, chủ trang trại,... Lực lượng xã hội này ngày một đông đảo hơn, đóng những vai trò kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách, mở cửa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xét theo khía cạnh nghề nghiệp, TLTL ở Việt Nam cơ bản là những nhóm người có trình độ chuyên môn, là những thành phần trí thức, thành đạt, giỏi giang, có học vấn và có vị thế trong toàn bộ các tầng lớp xã hội. TLTL cũng là nhóm mà phần lớn đều tập trung trong các thành phần có tiềm lực kinh tế và vốn xã hội lớn, họ vươn lên trở thành các doanh nhân thành đạt, không chỉ thành đạt về chuyên môn mà còn hội tụ đầy đủ các yếu tố và phẩm chất tài năng. Ngoài ra, cùng với doanh nhân, đội ngũ trí thức, những người có nhiều kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, tìm tòi về tri thức cũng được xếp vào danh sách TLTL. Bên cạnh việc có trình độ học vấn và năng lực chuyên môn, họ cũng là những người có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học và điều này rất cần thiết trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoại ngữ và tin học cũng là công cụ cơ bản để mỗi người có thể nhanh chóng tiếp cận với tri thức hiện đại, mở rộng giao lưu, thúc đẩy quan hệ hợp tác với bạn bè quốc tế và tiếp thu, lĩnh hội các giá trị mới.

Sự gia tăng nhanh của TLTL cũng là minh chứng rõ nét phản ánh thành tựu lớn trong công cuộc CNH, HĐH đất nước cũng như những nỗ lực, hiệu quả cao trong xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam. TLTL ngày một tăng nhanh ở nước ta, đồng nghĩa cũng dần trở thành một lực lượng xã hội ngày càng to lớn và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc chấn hưng đất nước. Sự lớn mạnh và mở rộng quy mô của tầng lớp luôn đồng hành, gắn kết chặt chẽ với sự thịnh vượng và phát triển ổn định, bền vững của nước nhà. Báo cáo "Đông Á phục hưng: Điều hướng trong một thế giới đang thay đổi" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây đã đánh giá Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines là 5 quốc gia có TLTL gia tăng mạnh mẽ nhất trong khu vực, nhờ những bước tiến lớn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2011-2019, TLTL tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,8% dân số năm 2011 - tương đương hơn 6,8 triệu người lên 20,2% năm 2019 – tương đương 19,5 triệu người [1]. Tính toán cho thấy, từ năm 2014-2016, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập vào TLTL và đến năm 2017-2019, con số này đa tăng lên khoảng 2,2 triệu người, cao hơn 700 nghìn người so với 2014-2016. Có thể thấy, các năm từ 2014-2016 là điểm mốc, nền tảng quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ cho TLTL gia tăng nhanh chóng ở các năm 2017-2019.

Tuy nhiên, sang năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan nhanh chóng trên thế giới đã và đang làm cho tình hình kinh tế thế giới nói chung, kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu bị đứt gãy hoặc bị thu hẹp. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Đặt trong hoàn cảnh thực tế đó, TLTL Việt Nam năm 2020 rất khó ước lượng bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên nhóm nghiên cứu cho rằng quy mô TLTL năm 2020 không thể lớn hơn năm 2019, thậm chí là ít hơn năm 2019 nhưng không đáng kể bởi TLTL có sự chống đỡ khá tốt khi nền kinh tế khó khăn trong ngắn hạn.

Hình 1: Tỷ lệ TLTL/dân số hàng năm giai đoạn 2011-2019 (%)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu từ số liệu Khảo sát mức sống dân cư.

Sự gia tăng nhanh của TLTL ở các năm 2014-2016 và các 2017-2019 như đã nêu trên cũng phản ánh từ một bộ phận lớn dân số Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển tích cực lên các thang bậc kinh tế cao hơn. Điều này cũng phản ánh tỷ lệ nghèo có xu hướng giảm mạnh qua từng năm.

Hình 2: Tỷ lệ nghèo dựa theo chuẩn nghèo quốc gia (%)

                                                                                                                                                        Nguồn: WB.

Xét riêng về sự chuyển dịch dân số phân theo 5 nhóm cho thấy, tỷ lệ dân số trong nhóm an toàn về kinh tế trở lên ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ dân số thuộc 3 nhóm còn lại có thang bậc kinh tế thấp hơn như nghèo cùng cực, nghèo vừa phải và dễ bị tổn thương về kinh tế đều trong xu hướng giảm dần.

Hình 3: Phân loại dân số theo tầng lớp kinh tế

                                                                                                                                                             Nguồn: WB.

Sự phát triển theo hướng tích cực của cả 5 nhóm theo thang bậc kinh tế như đã phân chia đang góp phần làm giảm khả năng các nhóm kinh tế rơi trở lại nấc thang kinh tế thấp hơn. Khả năng quay trở lại nhóm nghèo của nhóm dân số an toàn về kinh tế tại Việt Nam năm 2016 rất thấp, chỉ khoảng 0,5% và hầu như không có khả năng những người thuộc TLTL bị rơi trở lại các nhóm kinh tế thấp hơn. Đây là kết quả từ sự tăng trưởng kinh tế tương đối cao, liên tục và ổn định mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây.

Hình 4: Xác suất nghèo năm 2016 phụ thuộc tầng lớp kinh tế năm 2014 (%)

                                                                                                                                                           Nguồn: WB.

 

[1] Nghiên cứu về TLTL của WB dựa trên bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư các năm 2010, 2012, 2014, 2016. Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu cũng dựa theo cách tiếp cận của WB và cũng tính toán từ bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư các năm nêu trên và năm 2018. Với cùng cách tiếp cận và cùng nguồn số liệu nên việc tính toán số lượng người thuộc TLTL hay tỷ lệ TLTL/dân số đều cho kết quả giống nhau khi làm tròn số, có sự sai số không đáng kể.

---------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Tấn (2013), “Vai trò của TLTL ở Việt Nam hiện nay: Xu hướng biến đổi và giải pháp thúc đẩy sự phát triển”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Số 9 (70).

2. Tổng cục Thống kê, Khảo sát mức sống dân cư các năm 2012, 2014, 2016, 2018.

8. WB (2018), Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

Cập nhật lúc: 27/07/2021 10:25:38 AM


Nguồn:http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22615 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết