• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu

Hoàng Vũ Quang

Tóm tắt: Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả nghiên cứu khẳng định các HTXNN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH như tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, mất trắng không được thu hoạch, giảm chất lượng sản phẩm. Các ảnh hưởng tiêu cực này có xu hướng ngày càng tăng trong 5 năm 2016-2020. Với sự hỗ trợ của nhiều tác nhân, trong đó chủ yếu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các HTXNN vùng ĐSBCL đã áp dụng nhiều biện pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu luân canh, chuyển đổi thời vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Các biện pháp thích ứng này có hiệu quả cao và cần tiếp tục được đẩy mạnh hỗ trợ HTXNN vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu; Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác xã nông nghiệp; Phát triển bền vững.

Mở đầu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong các vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (BTNMT, 2016; Khoi, Chi, 2017). BĐKH đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp như giá trị sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng, tăng chi phí sản xuất, giảm doanh thu và lợi nhuận trên một đơn vị sản xuất, giảm thu nhập của người sản xuất (Quyên, 2016; Molua, 2007; Mendelsohn, 2014).

Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL (Thủ tướng, 2020). Ngoài các giải pháp công trình (xây hồ chứa nước, cống đập ngăn mặn) thì các giải pháp phi công trình như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu luân canh, thời vụ sản xuất, sử dụng giống thích ứng, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, khoa học công nghệ là những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững nông nghiệp vùng ĐBSCL. Các quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), công nghệ cao không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp mà còn có hiệu quả trong ứng phó BĐKH (Quang và cộng sự, 2020; IPSARD, 2013). Luân canh cây trồng vật nuôi như các mô hình luân canh lúa - cá, lúa - tôm, lúa - vịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (Minh, 2017; Thái và cộng sự, 2015).

Tuy nhiên, nhiều giải pháp ứng phó nếu áp dụng ở quy mô sản xuất nhỏ hộ gia đình thì thường vượt quá khả năng hoặc cơ hội tiếp cận của hộ (Tuấn và cộng sự, 2016) hoặc hiệu quả thấp. Nhiều giải pháp như áp dụng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa cần được thực hiện ở quy mô lớn như hợp tác xã thì mới có hiệu quả kinh tế. Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) có thể hỗ trợ các hộ nông dân quy mô nhỏ để áp dụng các giải pháp này.Ví dụ như các hộ gia đình khó khăn hơn trong việc áp dụng GAP, chi phí đầu tư nhiều hơn (Thang, 2018; Trang, 2020; Quang và cộng sự, 2020; Wiggins và cộng sự, 2010) và trong trường hợp này, hợp tác xã (HTX) có thể giúp hộ nông dân vượt qua các khó khăn đó và áp dụng hiệu quả các quy trình GAP (Abebaw and Haile, 2013; Zhang và cộng sự, 2020; Ma and Abdulai, 2019; Cafer and Rikoon, 2018; Chagwiza và cộng sự, 2016). Chính vì vậy một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ HTXNN nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu như hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp, sử dụng phân bón thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và tập huấn nâng cao hiểu biết về thích ứng biến đổi khí hậu cho người dân, v.v (Yến, 2020).

Bài viết này trình bày thực trạng ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đến sản xuất nông nghiệp (SXNN) và thủy sản của HTX ở vùng ĐBSCL, các giải pháp thích ứng BĐKH của các HTXNN và những khó khăn trong thích ứng BĐKH. Từ đó, đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững HTXNN vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

..............

Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 2(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...