• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Bùi Việt Cường

Vũ Hải Hà

Tóm tắt: Bài viết đưa ra cách thức lựa chọn và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam. Tổng cộng có 47 chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế, 11 trên lĩnh vực xã hội và 10 trên lĩnh vực môi trường. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách để bộ chỉ tiêu hoàn thiện hơn và có thể nhanh chóng được vận dụng vào thực tiễn.

Từ khóa: Hiệu quả vốn FDI; Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI; Phát triển bền vững.

Giới thiệu

Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ năm 1988, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Tính lũy kế đến ngày 20/03/2021, cả nước có 33.294 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 236,96 tỷ USD, bằng gần 60% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực (FIA, 2021). Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã và đang chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Về tổng thể, khu vực FDI đã phát triển nhanh và có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động FDI ngày càng sôi động, với nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại tham gia đầu tư. Quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký cũng là một vấn đề cần được quan tâm xử lý. Một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Nhận thức được tình hình đó, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, định hướng quan trọng nhất trong thu hút và sử dụng FDI những năm tới là lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ra Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW. Nghị quyết 58 của Chính phủ nêu rõ cần xây dựng các tiêu chí về đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Mặc dù mức độ quan trọng của FDI đối với các quốc gia là khá cao, song việc đánh giá hiệu quả của nguồn vốn này chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ trong thời gian gần đây, World Bank (2018) mới đưa ra các tiêu chí để đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp FDI dựa trên cách tiếp cận vi mô và vĩ mô, trên 10 khía cạnh và 2 nhóm trụ cột, Nhóm 1 (Tính cạnh tranh) bao gồm các tiêu chí: (1) Năng suất; (2) Định hướng xuất khẩu; (3) Tích lũy vốn; (4) Sự cải tiến; và (5) Sử dụng và chuyển giao kỹ năng. Nhóm 2 (Tính bao hàm) bao gồm: (1) Tạo việc làm; (2) Thu nhập; (3) Hòa nhập và trao quyền cho giới; (4) Mối liên kết với nhà cung cấp; và (5) Tính lan tỏa địa lý.

OECD (2019) cũng đưa ra một bộ chỉ tiêu đánh giá tác động của FDI đối với phát triển bền vững ở các nước tiếp nhận đầu tư. Bộ chỉ tiêu này có tính đến các quốc gia trong các bối cảnh cụ thể, tập trung vào năm tiêu chí chính: (1) Năng suất và đổi mới; (2) Chất lượng việc làm và công việc; (3) Kỹ năng; (4) Bình đẳng giới; và (5) Dấu carbon.

Trong khi đó, ở Việt Nam cũng đã có nhiều tác giả đưa ra các bộ tiêu chí riêng biệt để đánh giá về hiệu quả của FDI trên các giác độ kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như đối với địa phương, vùng, ngành và quốc gia. Ví dụ như Ngô Doãn Vịnh (2011) đề xuất 8 chỉ tiêu trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả FDI đối với nền kinh tế. CIEM (2017) đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam với 3 chỉ tiêu kinh tế và 1 chỉ tiêu xã hội. Đinh Khánh Lê (2017) đánh giá hiệu quả FDI đối với quốc gia dựa trên 8 chỉ tiêu kinh tế, 3 chỉ tiêu xã hội và một số chỉ tiêu môi trường. Ngô Trần Tuất (2018) xem xét hiệu quả FDI ở Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ với 3 chỉ tiêu kinh tế và 11 chỉ tiêu xã hội.

Tuy nhiên, các bộ chỉ tiêu nêu trên mới dừng lại ở cách thức tính toán, mà thiếu các ngưỡng đánh giá. Mặt khác, các bộ chỉ tiêu thường không nêu cách thức tính toán trọng số để có thể so sánh tiến bộ trong các lĩnh vực, ngành, cũng như địa phương và vùng. Nhìn chung, trong bối cảnh thay đổi quan điểm trong việc huy động và sử dụng FDI, đang thiếu một hệ thống chỉ tiêu có thể đánh giá sát thực, toàn diện về hiệu quả FDI đối với nền kinh tế, làm cơ sở cho hoạch định và điều chỉnh chính sách[1].

      Chính vì vậy, bài viết này hướng tới đề xuất một bộ chỉ tiêu đo lường hiệu quả FDI ở Việt Nam, hướng tới các yêu cầu về tính chính xác, thực tiễn, đa chiều, dài hạn và khả thi. Phần tiếp theo sẽ là phương pháp xây dựng bộ chỉ tiêu. Tiếp đó là hệ thống các chỉ tiêu đề xuất; và phần cuối cùng sẽ là một số khuyến nghị chính sách.

...............

Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 2(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)

[1] Về rà soát các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam, xem thêm Lê Thu Hiền và Nguyễn Hoàng Dương (2021), Tạp chí Phát triển bền vững Vùng 11(2).


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết