• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh môi trường biển ở Việt Nam

Hà Huy Ngọc

Trần Ngọc Ngoạn

Tóm tắt: An ninh môi trường biển (ANMT) là khái niệm có phạm trù rộng về nội hàm và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi của bài viết này, nhóm tác giả tiếp cận vấn đề an ninh môi trường biển dưới khía cạnh các hoạt động gây ô nhiễm, sự cố, thảm họa môi trường biển, tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường tự nhiên trên biển. Theo đó, bài viết tập trung bàn luận những vấn đề cụ thể như sau: một số khái niệm then chốt về vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển; phân tích một số vấn đề an ninh môi trường biển ở Việt Nam; đánh giá xu hướng các thách thức đối với môi trường biển ở Việt Nam trong tương lai; trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp chính sách nhằm đảm bảo an ninh môi trường biển.

Từ khóa: An ninh; Môi trường; Vùng ven biển.

Giới thiệu

Việt Nam có 3.260 km bờ biển, trải dài 29 tỉnh, thành phố dọc theo chiều dài đất nước với diện tích tự nhiên là 126.747 km2 và dân số năm 2019 là 49,1 triệu người (chiếm 51,0% dân số và 38,2% diện tích tự nhiên của cả nước) (Tổng cục Thống kê, 2020). Trung bình cứ 100 km2 diện tích đất liền Việt Nam có 1km bờ biển, tỷ lệ vào loại cao so với tỷ lệ trung bình của thế giới (600 km2 đất liền mới có 1km bờ biển). Do đó, biển có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước (Tổng cục Biển đảo và Hải đảo Việt Nam, 2020).

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về phát triển kinh tế biển. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển (Ban chấp hành Trung ương, 2018).

Tuy nhiên, cùng với sự khởi sắc về kinh tế của nhiều khu vực biển, vùng biển đang đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề an ninh môi trường biển. Xu hướng phát triển nóng đang bộc lộ nhiều bất cập và rủi ro đối với môi trường cũng như mục tiêu phát triển hài hòa mà Chiến lược biển đặt ra. Các hệ sinh thái biển Việt Nam trong trạng thái bị tác động mạnh mẽ từ lâu do các hoạt động của con người mà thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016 là điển hình. Bất cập và yếu kém trong quản lý môi trường nội địa, thiếu kiểm soát xả thải công nghiệp, các phương thức khai thác, đánh bắt hủy diệt, các quyết định thay thế hệ thống rừng ngập mặn bằng trang trại nuôi trồng thủy sản…, tất cả đã làm thay đổi căn bản môi trường tự nhiên ven biển. Bên cạnh đó, tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn cũng đe dọa nghiêm trọng sự tồn vong của những hệ sinh thái tự nhiên quý giá. Trong khi đó, cuộc đua cạnh tranh phát triển cấp tỉnh cũng góp phần phá vỡ các quy hoạch phát triển biển. Nguồn lợi thủy sản đang trên đà giảm sút và nhiều loài có giá trị kinh tế lớn đang bị khai thác cạn kiệt, thậm chí bị tiêu diệt. Ngoài ra, với sự gia tăng không ngừng của chất thải từ đất liền, cộng với tình trạng ấm lên toàn cầu, hiện tượng thủy triều đỏ bùng phát ngày càng nhiều, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển và con người.

Biển và đại dương rộng lớn nhưng không vô tận. Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của biển và đại dương trong xu thế đáng báo động. Muốn phát triển dựa vào biển và hưởng lợi từ biển, Việt Nam cần phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn chính những giá trị mà biển mang lại, xử lý và phòng ngừa các vấn đề về an ninh môi trường biển. Đặc biệt, để có thể hiện thực hóa kỳ vọng của Chiến lược biển, cần có quy hoạch tổng thể cho phát triển vùng ven biển, đảo Việt Nam và quy hoạch ấy phải tính đến các yếu tố bền vững môi trường, an ninh sinh thái biển, cân bằng giữa phát triển ven bờ và các ngành kinh tế dựa vào biển. Song song với đó, cần ưu tiên mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và hải đảo để kiến tạo những khu dự trữ về dài hạn, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết hòa bình các nguy cơ xung đột lợi ích từ biển, xây dựng các sáng kiến hợp tác chia sẻ nguồn lợi từ biển và bảo tồn biển để tìm kiếm sự thịnh vượng chung trong tương lai (Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2017).

..................

Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 2(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...