• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội dung xã hội hóa vai trò giới trong gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Hữu Minh

Phạm Thị Thu Phương

 

Tóm tắt: Bài viết dựa trên số liệu khảo sát 1.128 đại diện hộ gia đình đã kết hôn, có con trong độ tuổi 10-17 tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm trả lời câu hỏi về nội dung giáo dục vai trò giới của cha mẹ cho trẻ em trong gia đình hiện nay và sự tương đồng hay khác biệt giữa các nhóm cha mẹ về nội dung giáo dục đối với các con. Các phân tích hai biến và đa biến đã được áp dụng. Kết quả phân tích chỉ ra rằng, việc giáo dục vai trò giới cho con cái của cha mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh còn bị ảnh hưởng khá rõ từ định kiến giới truyền thống về các vai trò dành riêng cho nam giới hay phụ nữ. Tuy nhiên, dường như đời sống hiện đại ở thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên cách nhìn nhận bình đẳng hơn khi xem xét vai trò giới trong gia đình so với bối cảnh chung. Kết quả phân tích cho thấy một số yếu tố tích cực trong hành vi dạy dỗ con của các bậc cha mẹ theo xu hướng hiện đại hóa. Tuy vậy, ảnh hưởng của các yếu tố tác động như tuổi, học vấn, địa bàn sinh sống và các đặc điểm khác tới từng lĩnh vực, khía cạnh cụ thể trong nhận thức và hành vi giáo dục vai trò giới trong gia đình cần được diễn giải trong mối tương quan với các yếu tố khác mà việc áp dụng cách luận giải của lý thuyết hiện đại hóa chưa thể giúp đưa ra câu trả lời đầy đủ.

Từ khóa: Trẻ em; Xã hội hóa; Vai trò giới; Gia đình; Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Bối cảnh nghiên cứu

Vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về nữ giới (con trai hoặc con gái) trong một xã hội cụ thể nào đó (Phạm Tất Dong và Lê Ngọc Hùng, 2006). Vai trò giới được quyết định bởi các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội. Khái niệm “xã hội hóa vai trò giới” được hiểu là quá trình giáo dục của gia đình mà trực tiếp là của cha mẹ với con trai/ con gái trong gia đình về những kiến thức, kỹ năng, công việc được xã hội, gia đình, cha mẹ cho là phù hợp với vai trò của nam giới và nữ giới.

Nội dung xã hội hóa vai trò giới trong gia đình được nhận diện ở các vai trò sản xuất và vai trò tái sản xuất. Xã hội hóa vai trò sản xuất thể hiện qua các hoạt động giáo dục, định hướng và mong đợi ở con trai/con gái việc tham gia/ thực hiện trách nhiệm tạo thu nhập cho gia đình. Xã hội hóa vai trò tái sản xuất thể hiện ở các hoạt động giáo dục, định hướng và mong đợi ở con trai/ con gái trong việc thực hiện các hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng như nuôi dạy và chăm sóc trẻ em, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc sức khỏe người già và trẻ em… Những hoạt động này là thiết yếu đối với cuộc sống con người, cuộc sống gia đình, đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và lực lượng lao động; tuy vậy, tiêu tốn nhiều thời gian mà không tạo ra thu nhập nên ít khi được coi là một loại “công việc”.

Người thực hiện hoạt động xã hội hóa vai trò giới cho trẻ em trong gia đình có thể bao gồm ông bà, cha mẹ, các anh chị ruột hoặc những thành viên trưởng thành khác sống chung trong hộ. Trong nghiên cứu này, vai trò của cha mẹ đối với việc xã hội hóa vai trò giới cho trẻ em tuổi 10-17 sẽ được tập trung phân tích.

Nghiên cứu về nội dung xã hội hóa vai trò giới, một số tác giả chỉ ra rằng, phong tục tập quán cùng những định kiến về trọng nam khinh nữ vốn ăn sâu bám rễ trong cách suy nghĩ của người dân đã trở thành nếp sống, truyền thống giáo dục trẻ em trai và trẻ em gái, khiến chúng lớn lên với sự đối xử khác biệt và có những hành vi khác biệt giới. Cả cộng đồng mong đợi mỗi giới phải thực hiện tốt công việc phù hợp với “đặc tính” nam hoặc nữ của họ, nếu không sẽ bị chê trách là “nam giới mà như đàn bà” hoặc “phụ nữ gì mà giống đàn ông” (Nguyễn Thị Hà, 2012: tr.93). Sự phân công lao động nội trợ theo giới góp phần xã hội hóa vai trò giới truyền thống và định hình khuôn mẫu giới từ trong gia đình, đó là, ngay từ khi còn nhỏ các em gái đã được dạy bảo làm các công việc của phụ nữ như quét nhà, rửa ấm chén, bát đĩa, lớn lên nấu cơm, trông em, khâu vá, giặt giũ. Trong khi đó, các em trai được định hướng sẽ làm những công việc nặng nhọc hay những việc lớn trong gia đình (Phùng Thị Kim Anh, 2010).

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, giáo dục vai trò giới cho trẻ em trai và trẻ em gái ở một số địa phương hiện nay vẫn mang định kiến giới cho dù đã có những thay đổi tích cực nhất định. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em gái được chú trọng dạy việc của giới nữ như chăm sóc em nhỏ, trong khi trẻ em nam được hướng dẫn về trách nhiệm phải kiếm tiền cho gia đình. Xu hướng giáo dục giới này không khác biệt so với thế hệ trước đó. Ngay cả ở mỗi công việc, nội dung giáo dục và kỳ vọng của cha mẹ ở việc giáo dục trẻ em trai và trẻ em gái có sự khác nhau. Trẻ em gái được giáo dục chi tiết, cụ thể để sau là người đảm đương chính công việc nội trợ còn trẻ em trai được giáo dục chỉ để biết làm chứ không phải để là người làm chính sau này (Nguyễn Hữu Minh, 2019).

Những thành tựu trong công cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới thời gian qua đã góp phần làm thay đổi nhận thức giới và hành vi của người lớn và điều đó tác động đến nội dung xã hội hóa vai trò giới đối với trẻ em. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển kinh tế và khoa học của đất nước, với các kết quả tốt trong thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới 2011-2020 (Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 2020), các bậc cha mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh được chờ đợi sẽ có nhận thức và hành động tích cực hơn theo xu hướng bình đẳng giới. Bài viết này tập trung trả lời câu hỏi về nội dung giáo dục vai trò giới của các bậc cha mẹ cho trẻ em trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay như thế nào? Có những tương đồng hay khác biệt gì giữa các nhóm cha mẹ về nội dung giáo dục vai trò giới đối với các con?

..............

Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 2(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết