Tổng LĐLĐVN quyết định đúng, trúng nhờ sâu sát đời sống công nhân
Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Nguyễn Phi Thường (giữa) cùng ông Wong Fai Man - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Kim Ngọc (thứ 2 bên phải) trao Túi An sinh Công đoàn cho NLĐ công ty khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Kiều Vũ
Đó là nhận định của TS Đỗ Tá Khánh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Giám đốc dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân” (ECOW). “Nguồn lực của CĐ rất hạn chế, do vậy việc lựa chọn cách tiếp cận đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó của Tổng LĐLĐVN là một việc làm rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Việc đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ mang đến lợi ích kép và đối tượng hưởng lợi cuối cùng là đoàn viên và NLĐ” - TS Đỗ Tá Khánh khẳng định.
Trong đợt dịch thứ 4, Tổng LĐLĐVN đã ban hành một số quyết định nhằm hỗ trợ cho NLĐ, ví dụ như Quyết định 3089 về hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ làm việc 3 tại chỗ số tiền 1 triệu đồng/người; hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng y bác sĩ tại 19 tỉnh phía Nam... TS đánh giá như thế nào về các quyết định này của Tổng LĐLĐVN?
- Đợt dịch thứ 4 đã và đang có những tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Nhiều khu công nghiệp đã phải đóng cửa, nhiều DN phải ngừng hoạt động do công nhân nhiễm virus cũng như để phòng dịch. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập của NLĐ, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thâm dụng lao động, như điện tử, may, giày dép, công nghiệp chế biến.
Cũng trong đợt dịch thứ 4, Tổng LĐLĐVN đã thể hiện rõ vai trò chủ động của mình trong hỗ trợ NLĐ thông qua Quyết định 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ và đến tháng 7.2021 đã hỗ trợ 182.000 đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền gần 73 tỉ đồng; Quyết định 3089 về hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ làm việc 3 tại chỗ với số tiền 1 triệu đồng/người; triển khai chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua “Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng” với sự ủng hộ của CĐ các cấp đạt 145 tỉ đồng ngay tại lễ phát động; hay hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng y bác sĩ tại 19 tỉnh phía Nam...
Những quyết định của Tổng LĐLĐVN được đưa ra ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát đã giúp đoàn viên, NLĐ đỡ được một phần khó khăn trong cuộc sống, góp phần ổn định tư tưởng, đảm bảo an sinh xã hội cho họ. Để có được những quyết định kịp thời này, CĐ các cấp, đặc biệt là lãnh đạo của Tổng LĐLĐVN, đã nắm bắt sâu sát, kịp thời tình hình tác động của dịch bệnh và điều kiện của công nhân, NLĐ, nhờ đó đã có được những quyết định đúng, trúng.
Ông nhận định ra sao về các quyết định hỗ trợ NLĐ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này của Tổng LĐLĐVN?
- Nguồn lực của CĐ rất hạn chế, do vậy việc lựa chọn cách tiếp cận đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó của Tổng LĐLĐVN là một việc làm rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Việc đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ mang đến lợi ích kép và đối tượng hưởng lợi cuối cùng là đoàn viên và NLĐ. Hỗ trợ trực tiếp của CĐ cho đoàn viên, NLĐ một mặt giúp NLĐ giảm bớt khó khăn về thu nhập, điều kiện sống; mặt khác giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp để họ duy trì được sản xuất, kinh doanh, giữ được việc làm cho NLĐ...
Sự hỗ trợ và phối hợp với doanh nghiệp thể hiện rất rõ và ý nghĩa qua hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Khoản hỗ trợ này tuy không lớn nhưng góp phần giúp doanh nghiệp giảm được phần nào khó khăn, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo đà cho sự phục hồi nhanh hơn sau khi đại dịch được khống chế.
Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh, TLĐ cũng đã có quyết định miễn đóng CĐ phí đối với một số đối tượng CĐ viên và cũng mở rộng phạm vi đối tượng được miễn đóng CĐ phí, cụ thể là các CĐ viên có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đây là sự hỗ trợ kịp thời của CĐ đối với CĐ viên cũng như đối với doanh nghiệp.
Theo tôi những tác động của đại dịch có thể sẽ kéo dài hơn do sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng đòi hỏi phải mất một khoảng thời gian để khôi phục hoàn toàn. Do đó, Tổng LĐLĐVN vẫn còn phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian tới, nhất là khó khăn về thu nhập của NLĐ do mất việc làm, giảm giờ làm gây ra.
Để vượt qua các khó khăn đó, Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ cho NLĐ, đặc biệt là ở các khu công nghiệp tập trung nhiều lao động ở các tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bên cạnh hỗ trợ về vật chất cho đoàn viên, NLĐ, Tổng LĐLĐVN cần hỗ trợ trực tiếp cho công tác chống dịch bằng việc phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tập huấn, tuyên truyền để mỗi CĐ viên là một chiến sĩ, biết tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, đồng thời xây dựng mỗi doanh nghiệp là một “vùng xanh”.
-Xin cảm ơn TS!
THU TRÀ THỰC HIỆN