• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

Vịnh Vân Phong có vị trí địa chiến lược về nhiều lĩnh vực so với nhiều địa phương khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng. Đây là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á, có vị trí hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả Bán đảo Đông Dương nói chung. Ngày 23/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg xác định xây dựng trước Khu kinh tế (KKT) Vân Phong tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa ngõ hướng ra biển theo định hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông–Tây và Bắc–Nam.

Một là, Bắc Vân Phong cùng với Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là 03 khu vực đã được lựa chọn để đề xuất thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cần xây dựng chính sách, quy hoạch KKT Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đăc biệt.

Hai là, sau 15 năm thực hiện các chính sách phát triển KKT Vân Phong, đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước làm thay đổi căn bản bối cảnh trên địa bàn như về quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển giao thông đường sắt, đường bộ, đường cao tốc,…Các luật cơ bản như Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng,… Thêm vào đó, cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đối với công tác quy hoạch đã tạo ra nhiều yêu cầu khác biệt cơ bản so với khung pháp lý năm 2014, năm ra đời Quy hoạch chung KKT Vân Phong.

Ba là, thực tiễn hoạt động thời gian qua của Vân Phong đã cho thấy những tồn tại cơ bản như: thiếu chiến lược cụ thể theo ngành, chưa tập trung vào lợi thế tự nhiên và sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư “mỏ neo” cũng như thiếu một chiến lược truyền thông,quảng bá hình ảnh đủ mạnh.

Bốn là để phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lơi thế và đẩy manh phát triển trong giai đoạn tới, KKT Vân Phong cần điều chỉnh để cấu trúc, định hướng và cơ chế phát triển theo hướng phù hợp hơn và có tiềm năng hơn; đồng thời thích ứng linh hoạt với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh thống nhất việc định hướng quy hoạch phát triển khu vực Nam Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics. Riêng việc quy hoạch định hướng chức năng của khu vực Bắc Vân Phong tuy cơ bản đã được đơn vị tư vấn xác định nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất chung. Cụ thể, phương án 1: Kết hợp hài hòa giữa việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong theo quy hoạch cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phát triển du lịch. Phương án 2: Không phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong (đề xuất chuyển qua khu vực Nam Vân Phong phù hợp hơn) và tập trung ưu tiên phát triển đô thị du lịch thật sự đẳng cấp tại khu vực này để tránh xung đột về môi trường. Vì vậy, nhằm bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin, luận cứ cần thiết để lãnh đạo tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định giữa 2 phương án, Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, đề xuất giúp tỉnh phương án tối ưu, hiệu quả nhất trong 2 phương án nêu trên. Trong đó, phải đánh giá so sánh về hiệu quả của từng phương án cụ thể dựa trên việc phân tích dữ liệu thực chứng tất cả các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, kỹ thuật, cơ hội phát triển, không gian phát triển… để giúp cho Khu Kinh tế Vân Phong có hướng phát triển đột phá, bền vững, khả thi trong thời gian tới.

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia nói chung và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng; xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế; xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng, thu hút nguồn lực đầu tư, nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.

Đồng thời, xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế, có sức lan toả trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh, khu vực đáng sống với biểu tượng Xanh - Tri thức - Bản sắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; làm cơ sở để lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hút các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và là công cụ pháp lý để Ban quản lý Khu kinh tế, chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong với tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó kinh tế biển có cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác; là khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, trở thành đô thị biển đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh bền vững, trong đó, khu thương mại tự do đóng vai trò hạt nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế; là trung tâm du lịch giải trí, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp tận dụng thế mạnh là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế; là trung tâm kinh tế tỉnh Khánh Hòa, có vai trò thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và toàn quốc.

Nguồn: Nguyễn Hồng Anh

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan