• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm khoa học “Cơ sở xác định ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở Việt Nam”

Sáng ngày 23/8/2022, tại trụ sở số Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Hàn lâm) tổ chức tọa đàm khoa học “Cơ sở xác định ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở Việt Nam”. Dự tọa đàm có sự tham dự của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.

 

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

      Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành Điện tử và Viễn thông và ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các cùng lãnh thổ sẽ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi  gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.

     Chiến lược đã đề ra định hướng đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp. Tăng cường phát triển phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; Chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lõi sang các vùng đệm công nghiệp.

     TS. Lê Xuân Sang cho biết thêm, cũng theo Chiến lược đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sau vào chuỗi giá trị toàn cầu…

    Phó Viện trưởng Lê Xuân Sang gợi ý, tọa đàm tập trung trao đổi thảo luận làm rõ cơ sở xác định ngành ưu tiên phát triển trước hết trong một số lĩnh vực đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam hiện nay; tiêu chí lựa chọn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên theo hướng phát triển bền vững và một số nội dung liên quan khác.

TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát biểu tại tọa đàm

TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát biểu tại tọa đàm

      Phát biểu tại tọa đàm, TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cho rằng, ngành ưu tiên là những ngành có lợi thế cạnh tranh, có đóng góp/tiềm năng đóng góp trực tiếp và gián tiếp lan tỏa mạnh tới nền kinh tế theo hướng bền vững (với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường).

     TS. Lê Văn Hùng cho biết, từ 2007 Chính phủ đã đưa ra 7 nhóm ngành, với số lượng rất nhiều (có 7 nhóm ngành ưu tiên bao gồm : Dệt may, da giày, nhựa, chế biến nông lâm thủy hải sản, thép, khai thác chế biến bauxit nhôm, hóa chất; và 3 ngành công nghiệp mũi nhọn : cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử viễn thông và công nghệ thông tin, sản phẩm từ công nghệ mới. Đến Quyết định 879/QĐ-TTg ngày 09/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ  thì qui định các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển bao gồm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành điện tử viễn thông, ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành chế biến, chế tạo với các nhóm ngành trụ cột như: Nhóm ngành cơ khí và luyện kim; Nhóm ngành hóa chất; Nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy sản; Nhóm ngành dệt may, da giầy. Đến năm 2018 với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã cụ thể hơn nữa, giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế.

     TS. Lê Văn Hùng cũng đề xuất các nhóm chỉ tiêu cụ thể đối với ngành cấp 2 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm: Chỉ số RCA; Tỷ lệ giá trị gia tăng/tổng sản phẩm sản xuất; Năng suất lao động; Tăng trưởng năng suất lao động; Tỷ trọng đóng góp của khu vực nội địa; Tỷ lệ tạo việc làm trong tổng việc làm của ngành chế biến, chế tạo; Thu nhập của người lao động; Tỷ lệ lao động làm việc có bảo hiểm; Tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động; Tiêu dùng năng lượng; Phát thải CO2;…

     TS. Lê Văn Hùng cũng cho biết thêm, các vấn đề chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này đối với cơ sở lựa chọn ngành ưu tiên phát triển chưa thực sự rõ ràng, chưa biết chọn theo cơ sở nào. Các ngành, nhóm ngành ưu tiên phát triển còn khá nhiều. Với Nguồn lực hạn chế cộng với môi trường cho phát triển những ngành, lĩnh vực trọng điểm chưa phát huy do phân tán nguồn lực (cả về vốn, nhân lực). Chính sách phát triển ngành ưu tiên còn thiếu hệ thống (hạ tầng hỗ trợ, KHCN, lao động, hỗ trợ,…).

     TS. Lê Văn Hùng cũng chỉ ra những điểm thuận lợi như thu hút được lượng vốn FDI lớn đầu tư vào nhóm ngành ưu tiên;  Vị thế sản xuất công nghiệp chế biến của Việt Nam ngày tăng trong mạng sản xuất toàn cầu; công nghiệp chế biến giúp Việt nam ngày càng có vị thế trong xuất khẩu toàn cầu. Từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới; Tạo và việc làm ngày càng lớn với thu nhập ổn định, đây là quan trọng nhất vì thu hút được lao động làm việc dài hạn, đảm bảo có nguồn thu ổn định, xây dựng được tác phong công nghiệp cho Việt Nam.

    Tuy nhiên, TS. Lê Văn Hùng cũng đồng thời chỉ ra điểm yếu của nó là chưa tạo ra năng lực cạnh tranh ở những ngành/sản phẩm chế biến công nghệ cao/giá trị gia tăng cao; Những ngành công nghệ cao/công đoạn khó chủ yếu do doanh nghiệp FDI đảm nhận; Tập trung những ngành năng suất thấp và thâm dụng lao động. Chưa có sản phẩm có năng lực cạnh tranh toàn cầu, có tiếng tăm trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp FDI, mà Việt Nam lại không tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

      Tọa đàm nhận được nhiều tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia. Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ các vấn đề về xác định ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở Việt Nam hiện nay.

PV.

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Co-so-xac-dinh-nganh-cong-nghiep-uu-tien-phat-trien-o-Viet-Nam-1371


Nguồn:Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...