• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn khoa học: Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển

     Sáng ngày 13/9/2022, tại Hội trường 3B, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ khoa học tổ chức Diễn đàn khoa học “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển” với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hội thảo do TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì.

 

TS. Lê Văn Hùng phát biểu đề dẫn Diễn đàn

         Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, TS. Lê Văn Hùng cho biết: Nền kinh tế Gig, tạm dịch là kinh tế hợp đồng là một hiện tượng mới trong thế giới việc làm toàn cầu. Không cần mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm một việc làm cố định và lâu dài như trước kia, tham gia nền kinh tế Gig, người lao động có thể nhanh chóng tìm được một công việc cụ thể, có khi chỉ mất vài giây (qua các ứng dụng việc làm được cài đặt trên smartphone) và nhận thực hiện công việc đó, được  nhận thù lao ngay lập tức sau khi hoàn thành công việc và lại tiếp tục lặp lại quy trình tìm kiếm việc làm đó hoặc việc làm khác với quy trình tương tự. Từ khóa chính trong nền kinh tế Gig là công việc - work chứ không phải là việc làm - job.

         Tiến sĩ Lê Văn Hùng kỳ vọng, thông qua các tham luận được trình bày tại Diễn đàn và các ý kiến trao đổi, khái niệm về nền kinh tế Gig cũng như những nội hàm khác có liên quan sẽ được các đại biểu cùng nhau làm rõ. Qua đó góp phần hệ thống hóa được cơ sở lý luận, kinh nghiệm, thực trạng cũng như xu hướng phát triển của nền kinh tế Gig đối với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Toàn cảnh Diễn đàn

       Theo đó, các tham luận được trình bày tại Diễn đàn đã cùng nhau làm rõ nhiều vấn đề có liên quan như: Tổng quan nghiên cứu về nền kinh tế Gig: Nội hàm khái niệm, đặc điểm và các khía cạnh pháp lý; Kinh nghiệm và thực trạng phát triển nền kinh tế Gig ở một số nước trên thế giới; Quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế Gig ở Hàn Quốc; Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển; Hợp đồng lao động giữa các công ty công nghệ và tài xế xe công nghệ trong nền kinh tế Gig; Tác động của nền kinh tế Gig trong kinh tế việc làm tự do; Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển của lĩnh vực xe công nghệ ở Việt Nam…

       Có thể thấy, chính công nghệ đã là thay đổi cách thức tổ chức công việc, dưới sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ, đặc trưng tìm kiếm công việc đã được thay đổi hoàn toàn với diện mạo mới, kết nối trực tiếp người dùng vốn nhân lực với người sở hữu vốn nhân lực theo cách mà trước đây chưa từng thực hiện được. Bối cảnh công nghệ số đã là tác nhân thúc đẩy sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Gig. Có thể kể ra các nền tảng điển hình được nhiều người biết và ứng dụng như Uber, Grab, Bee.., hiện đang kết nối tài xế với người cần di chuyển, Upwork hay vlance.vn đang kết nối người lao động có kĩ năng về công nghệ thông tin hay dịch thuật với những người cần kĩ năng của họ, hoặc Care.com hay jupviec.vn đang kết nối nhân viên chăm sóc với các gia đình cần dịch vụ này. Nhờ công nghệ hỗ trợ mà thời gian để các nhu cầu có thể tìm kiếm và “gặp gỡ” nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng, tạo điều kiện để nền kinh tế Gig ngày càng “nở rộ” ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Đại biểu trao đổi ý kiến tại Diễn đàn

        Qua các trao đổi, các đại biểu cho rằng, kinh tế Gig đã và đang mang lại nhiều cơ hội việc làm mới, với các ưu điểm được thừa nhận là phù hợp với bối cảnh hiện đại. Đặc trưng của nền kinh tế này chính là tính linh hoạt, độc lập, đa dạng, dễ tiếp cận… Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn, nhiều câu hỏi cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận sâu về tính minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, khách hàng, công ty sở hữu nền tảng cũng như những tác động lâu dài của nó đối với các chủ thể liên quan trong nền kinh tế Gig nói riêng và toàn xã hội nói chung. Dưới góc độ lý luận, nền kinh tế Gig cũng đang đặt ra cho giới nghiên cứu nhiều thách thức như làm sao để đạt được một định nghĩa về nền kinh tế này có tính đồng thuận được phổ cập; làm sao đo lường và xác định được chính xác thực trạng nền kinh tế Gig; Làm sao để tính được có bao nhiều người tham gia kinh tế Gig, họ là ai, ở đâu, họ đang làm những công việc gì và có trình độ ra sao…

       Vui mừng trước ý kiến đóng góp tại Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi và cho rằng nền kinh tế Gig hứa hẹn sẽ mang đến sự dịch chuyển mạnh mẽ trong việc định hình lại cơ cấu lao động cũng như làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa và tự động hóa hiện nay, để tham gia thị trường này, người lao động cần trang bị cho mình những tư duy phản biện, hợp tác, giao tiếp, tự hoàn thiện bản thân các kiến thức về công nghệ. Đây được xem là những định hướng đào tạo quan trọng trong tương lai, giúp người lao động có tâm thế tự tin, sẵn sàng ứng phó trước mọi khó khăn và thử thách.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

      Xu thế việc làm và yêu cầu tuyển dụng vì thế cũng sẽ ngày càng khắt khe, không ngừng đổi mới trong mọi lĩnh vực. Do đó, gia đình và xã hội thời đại 4.0 cũng phải dành nhiều sự quan tâm đến nghề nghiệp về nền kinh tế tương lai, nơi con người sẽ đảm nhận vai trò là lực lượng lao động chủ động chủ lực. Mô hình nền kinh tế Gig cũng tao ra nhiều thách thức mới đối với nhà nước trong việc tạo ra khung khổ pháp lý phù hợp để giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhà nước cần ra soát, ban hành các văn  bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm phổ biến kiến thức về nền kinh tế này đến người lao động đã, đang và có ý định tham gia vào đó, giúp người lao động thấy được bảo vệ an toàn hơn trước những biến động có tính ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới (như đại dịch Covid-19) để tham gia vào nền kinh tế này một cách chủ động./.

Phạm Vĩnh Hà

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Nen-kinh-te-Gig-Thuc-trang-va-xu-huong-phat-trien-1379


Nguồn:Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan