Hội thảo khoa học “Xây dựng bộ chỉ số ytế, giáo dục, đào tạo và bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương”
Sáng ngày 19/5/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng bộ chỉ số ytế, giáo dục, đào tạo và bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, viện nghiên cứu…
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Chủ nhiệm chương trình phát biểu khai mạc Hội thảo
Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia như được đề cập trong Chương trinh hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là phát triển kinh tế bền vững; khả năng tự phục hồi, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng cuộc sống; việc làm; chăm sóc y tế; giáo dục, đào tạo và phát triển con người; văn hoá tinh thần; đạo đức xã hội; không gian sinh sống; khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; dịch vụ công; an sinh nhà ở; bình đẳng giới, chăm sóc người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm vụ xây dựng “Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội”, nhằm là cơ sở khoa học để hoạch định và đánh giá hiệu quả thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển xã hội của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp Bộ: Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia, nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu tham dự Hội thảo.
GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, Bộ chỉ số an sinh quốc gia sau khi được xây dựng sẽ góp phần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng công bằng, bền vững và bao trùm xã hội trong phân bổ và tiếp cận nguồn lực, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền an sinh trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội ở nước ta.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, tại Hội thảo này sẽ tập trung làm rõ các tiêu chí đánh giá, xây dựng bộ chỉ số về y tế - sức khỏe, giáo dục-đào tạo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng các chỉ số tổng hợp và thành phần, các nhóm nghiên cứu sẽ còn tiếp tục thực hiện hình thành cơ sở dữ liệu của chương trình theo nguyên tắc tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu hiện có trong nước, ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Hội thảo nhận được báo cáo tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 03 tham luận được trình bày thảo luận gồm: (1) Thực trạng nguồn số liệu xây dựng bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe của PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã hội học; (2) Xây dựng bộ chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của TS. Vũ Hoàng Đạt, Trung tâm Phân tích dự báo; (3) Xây dựng Bộ chỉ số Bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương của TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng.
Các đại biểu phát biểu, trình bày báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo về Bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, Bộ Chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe là một trong những cấu thành quan trọng của Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội. Hiện nay đã có khá nhiều số liệu và chỉ số liên quan đến phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Nhưng nhìn chung, các số liệu này vẫn thường thiếu hụt, không cập nhật, không đầy đủ hoặc không nhất quán, thiếu tính hệ thống, và rất ít khi được công bố dưới dạng những chỉ số hoặc bộ chỉ số tổng hợp cấp quốc gia và các tỉnh/thành.
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, việc rà soát và xây dựng bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đầy đủ, nhất quán và hệ thống là rất quan trọng và cần thiết trong việc cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực cho xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh quốc gia. Bộ chỉ số sau khi hoàn thành sẽ được chuẩn hóa để có thể thuận tiện so sánh, đánh giá và tổng hợp Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội.
Trình bày Báo cáo nhiệm vụ nghiên cứu Xây dựng Bộ chỉ số Bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay, mục tiêu nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương ở Việt Nam nhằm đáp ứng mục tiêu an sinh quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Nhóm nghiên cứu đã bước đầu xây dựng được dự thảo của bộ chỉ số bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương gồm 6 nhóm với các chỉ tiêu cụ thể: (i) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến trẻ em (7 chỉ tiêu): Trẻ em nghèo đa chiều, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ em bị xâm hại, lao động sớm, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,…; (ii) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến phụ nữ (6 chỉ tiêu): Lao động nữ được đào tạo, phụ nữ tham chính, chăm sóc phụ nữ sau sinh, tình trạng bạo lực,… ; (iii) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến người cao tuổi (5 chỉ tiêu): Người cao tuổi sống một mình, người cao tuổi tham gia lao động, sức khỏe người cao tuổi,…; (iv) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến người khuyết tật (7 chỉ tiêu): Sức khỏe người khuyết tật, người khuyết tật tham gia các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể,…; (v) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến người nghèo (4 chỉ tiêu): Hộ nghèo đa chiều, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ nghèo được hưởng lợi từ các dự án/chính sách giảm nghèo,…; (vi) Nhóm chỉ tiêu liên quan đến người dân tộc thiểu số (7 chỉ tiêu): Người dân tộc thiểu số nhận được hỗ trợ; người dân tộc thiểu số tham gia lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tham chính,…
Quang cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về các báo cáo được trình bày, trên cơ sở xác định những vấn đề và tiêu chí cần đo lường nhằm xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia….
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Phó Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp Bộ: Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia một lần nữa cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh cho biết chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm có mục tiêu: Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia, đầy đủ và toàn diện, phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm của xã hội Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh đề nghị các chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm hoàn thiện nội dung kết quả nghiên cứu theo kế hoạch.
Nguồn: Ban Biên tập - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam