Thư mời tham gia viết bài diễn đàn khoa học “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển”
Gig economy (tạm gọi là nền kinh tế hợp đồng) là một khái niệm và là hoạt động kinh tế tương đối mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Ở nước ta, một số nhà nghiên cứu đề xuất giữ nguyên tên gọi “kinh tế Gig” bởi việc dịch chuyển ngữ sang tiếng Việt vẫn chưa có sự thống nhất do đặc điểm và tính chất của nó vượt ra ngoài những khuôn khổ hiện có cả trên phương diện lý thuyết và thực tế. Nền kinh tế Gig bao gồm các công việc tạm thời/ngắn hạn theo thỏa thuận giữa người lao động và người thuê lao động. Các công việc thuộc kinh tế Gig thường linh hoạt và khá chủ động như những công việc theo dự án, chẳng hạn các công ty thuê người lao động độc lập, những người làm việc tự do (freelancer), để hoàn thiện các nhiệm vụ của dự án thay vì nhân viên toàn thời gian. Ở khía cạnh khác, kinh tế Gig là việc tìm kiếm các gói công việc rời rạc thông qua sự kết nối trực tiếp giữa các nhà cung cấp đơn lẻ với khách hàng và nhà cung cấp trên nền tảng kỹ thuật số (ví dụ lái xe công nghệ thực hiện hợp đồng chở khách thông qua sử dụng ứng dụng).
Trước sự phát triển của công nghệ thông tin và nền tảng số, lực lượng lao động tham gia nền kinh tế Gig ngày càng gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Chỉ trong vòng một vài năm, kinh tế Gig đã phát triển với quy mô hàng nghìn tỷ đô la Mỹ và thu hút hàng chục triệu người tham gia. Sở dĩ nền kinh tế Gig ngày càng phát triển vì nó đem lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia (người lao động, người thuê lao động & người tiêu dùng). Người lao động chủ động về thời gian nhưng vẫn có thêm nguồn thu nhập; người thuê lao động không phải đầu tư trang thiết bị và quản lý người lao động; người tiêu dùng được hưởng lợi bởi hàng hoá/dịch vụ với giá thành thấp hơn và chất lượng cao hơn nhờ hoạt động hiệu quả hơn của thị trường.
Ở Việt Nam, vẫn chưa có nhiều các nghiên cứu sâu về kinh tế Gig. Tuy vậy, trong những năm vừa qua, nền kinh tế Gig vẫn đang diễn ra và phát triển mạnh ở Việt Nam chẳng hạn như hoạt động của các nền tảng công nghệ Grab, Gojek, be Group, Shopee, Baemin… và đặc biệt nền tảng công nghệ số đã giúp ích cho việc tiêu dùng hoặc làm việc ngắn hạn được thuận lợi hơn. Một số chuyên gia khẳng định nền kinh tế Gig là một một xu hướng tất yếu và là mối quan hệ cùng có lợi (win-win) giữa người lao động và người chủ doanh nghiệp. Nhờ đó, các sản phẩm dịch vụ và hàng hóa cung cấp ra thị trường ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, giúp cho người tiêu dùng/khách hàng tiết kiệm được thời gian và chi phí. Chính vì vậy, kinh tế Gig là một chủ đề rất cần được thảo luận và nghiên cứu nhằm tạo môi trường phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ khoa học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khoa học: “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển”. IRSD xin trân trọng kính mời các chuyên gia và các nhà khoa học viết bài cho Diễn đàn với các nội dung chính sau đây:
- Một số lý luận về nền kinh tế Gig
- Kinh nghiệm và thực trạng phát triển kinh tế Gig của các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Cơ chế, chính sách tạo môi trường phát triển nền kinh tế Gig
- Vai trò/đóng góp của kinh tế gig đối với phát triển
- Tiềm năng của nền kinh tế Gig ở Việt Nam
- Thực trạng phát triển nền kinh tế Gig ở Việt Nam
- Những mặt tích cực và hạn chế đối với người lao động khi tham gia nền kinh tế Gig
- Các chủ đề khác liên quan tới nền kinh tế gig
Những bài viết được Ban tổ chức Diễn đàn duyệt sẽ được xuất bản dưới dạng kỷ yếu khoa học.
I. Tổ chức thực hiện
Cơ quan chủ trì tổ chức Diễn đàn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
Cơ quan phối hợp: Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ khoa học.
II. Dự kiến thời gian tổ chức Diễn đàn
Số buổi: 01 buổi
Thời gian dự kiến: Tháng 07 năm 2022 (ngày giờ cụ thể sẽ thông báo sau qua giấy mời)
III. Hình thức
Kết hợp hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến
IV. Dự kiến địa điểm tổ chức Diễn đàn: Hà Nội
Thời hạn đăng ký viết bài (tên và tóm tắt): 30/4/2022
Hạn cuối nộp toàn văn bài viết: 15/06/2022
Quy cách bài viết
- Bài viết trình bày trên khổ giấy A4, cỡ chữ 13, font Times New Roman, giãn dòng 1.5 lines
- Bài viết từ 08 trang A4 trở lên
- Ngôn ngữ: tiếng Việt hoặc tiếng Anh
Địa chỉ gửi bài tham luận và liên hệ:
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng: Email: qlkh.irsd@gmail.com.
Thông tin chi tiết xin liên hệ ThS. Bùi Lê Anh, ĐT: 0914.945.883 hoặc ThS. Đặng Thị Giang, ĐT: 0344635.699.
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng rất mong nhận được sự quan tâm tham gia hợp tác của các chuyên gia và nhà khoa học.
Xin trân trọng cảm ơn!
TM. BAN TỔ CHỨC DIỄN ĐÀN
PHÓ VIỆN TRƯỞNG PHỤ TRÁCH
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG
(Đã ký)
Lê Văn Hùng