• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát biểu đề dẫn diễn đàn khoa học “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển”

TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Nền kinh tế Gig, tạm dịch là kinh tế hợp đồng, là một hiện tượng mới trong thế giới việc làm toàn cầu. Không cần mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm một việc làm cố định, lâu dài như trước kia; ngày nay, người lao động có thể nhanh chóng tìm một công việc cụ thể chỉ mất vài giây, thực hiện công việc đó, nhận thù lao ngay lập tức và lại tiếp tục tìm kiếm những công việc khác. Từ khóa chính trong nền kinh tế gig là công việc - work chứ không phải là việc làm - job.

Có thể nói, chính công nghệ đã làm thay đổi cách tổ chức công việc, với các nền tảng mới kết nối người tiêu dùng vốn nhân lực với người sở hữu vốn nhân lực theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được. Và đó chính là bối cảnh thúc đẩy sự ra đời và phát triển nhanh chóng của kinh tế Gig. Có thể thấy, các nền tảng như Uber hay Grab đang kết nối tài xế với những người cần di chuyển, Upwork hay vlance.vn đang kết nối người lao động có kĩ năng về công nghệ thông tin hay dịch thuật với những người cần kỹ năng của họ và Care.com hay jupviec.vn đang kết nối nhân viên chăm sóc với các gia đình cần dịch vụ của họ. Cũng chính nhờ công nghệ mà không mất quá nhiều thời gian để kinh tế Gig nở rộ ở các nước phát triển cũng như ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn ở Mỹ, thống kê của Cục Thống kê Lao động cho thấy, tỷ lệ những người tham gia kinh tế Gig chiếm hơn 16% tổng số người lao động vào năm 2021[1] . Tỷ lệ này tại Việt Nam theo ước tính của một khảo sát là 14%[2].

Tại sao kinh tế Gig lại phát triển nhanh chóng như vậy? Có thể thấy, kinh tế Gig là xu hướng phát triển mang tính tất yếu giúp thị trường lao động vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, mang lại những cơ hội việc làm mới với nhiều ưu điểm cho người lao động.

- Tính linh hoạt: Không giống như trong thị trường lao động truyền thống, lao động gig được tự do lựa chọn loại công việc họ làm, làm bất cứ khi nào và ở bất kỳ đâu.

- Tính độc lập: Đối với những người ưa thích làm việc độc lập, họ có thể tìm và hoàn thành công việc một mình mà không quá phụ thuộc vào một môi trường làm việc truyền thống, vào những người lãnh đạo và đồng nghiệp khác.

- Sự đa dạng: Sự đơn điệu, lặp đi lặp lại hiếm khi xảy ra trong công việc Gig. Có thể thấy, các công việc và nhiệm vụ cũng như đối tượng khách hàng có sự thay đổi thường xuyên giúp công việc trở nên thú vị, do đó, giúp người lao động nhiệt tình và sáng tạo hơn trong công việc của họ.

- Dễ tiếp cận: Thông qua một nền tảng trực tuyến, người lao động có thể dễ dàng tìm việc và nhận việc. Các thông tin về khách hàng, yêu cầu công việc cũng như thù lao được thông tin ngay từ đầu và chỉ cần một vài cú click, người lao động đã có thể nhận việc.

Bên cạnh những ưu điểm trên, dưới góc độ thực tiễn, kinh tế Gig đang đặt ra câu hỏi trong quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, khách hàng, công ty sở hữu nền tảng cũng như những tác động lâu dài đối với các chủ thể tham gia nền kinh tế Gig nói riêng và toàn xã hội nói chung. Chẳng hạn, lao động gig sẽ phải tự đào tạo nếu muốn nâng cao trình độ và kỹ năng mà không có sự hỗ trợ và tạo điều kiện của một doanh nghiệp cụ thể như cách truyền thống. Người dùng trong kinh tế Gig không biết rõ những thông tin cá nhân, lịch sử dùng dịch vụ của họ… được sử dụng và bảo mật, khai thác ra sao. Doanh nghiệp sở hữu nền tảng số cần phải được quản lý như công ty vận tải hay chỉ là những đơn vị cung cấp phần mềm. Bản thân hệ thống chính sách ở các nước trên thế giới cũng chưa kịp cập nhật, thay đổi để phù hợp với thực tế phát triển của kinh tế Gig.

Dưới góc độ lý luận, kinh tế Gig cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giới nghiên cứu. Làm sao để đạt được một định nghĩa có tính đồng thuận về kinh tế Gig. Làm sao để đo lường và xác định chính xác thực trạng nền kinh tế gig, bao nhiêu người đang tham gia kinh tế Gig, họ là ai, họ ở đâu, họ làm những công việc gì và có trình độ ra sao. Hiện tại, nền kinh tế Gig vẫn đang thay đổi, chuyển biến hàng ngày với tốc độ rất nhanh trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số trên toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Với nhiều câu hỏi đặt ra về kinh tế Gig, diễn đàn khoa học “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng phát triển” do Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng và Trung tâm Tư vấn và dịch vụ khoa học tổ chức là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng thảo luận và chia sẻ ý kiến về chủ đề này. Diễn đàn bàn luận về cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn, thực trạng, xu hướng phát triển của nền kinh tế Gig song song với việc xác định mối quan hệ của các chủ thể trong nền kinh tế Gig dưới góc độ chính sách và pháp luật. Ban Tổ chức mong muốn Diễn đàn sẽ nhận được sự trao đổi, thảo luận và chia sẻ thực sự cởi mở, thẳng thắn và tích cực từ các nhà khoa học, nhà quản lý, và doanh nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế Gig phát triển toàn diện và bền vững.

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin công bố khai mạc Diễn đàn khoa học “Nền kinh tế Gig: Thực trạng và xu hướng hướng phát triển”. Kính chúc các vị đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp và toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin chân thành cảm ơn!

 

[1] https://www.pewresearch.org/internet/2021/12/08/the-state-of-gig-work-in-2021/


Nguồn:Kỷ yếu Diễn đàn khoa học nền kinh tế Gig Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...