• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Tác giả: Vũ Tuấn Hưng

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia, Sự thật

Năm xuất bản: 2015

Số trang: 316

 

 

          Ngày nay, thế giới đang xoay chuyển trong “cơn lốc phẳng” và toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu để phát triển của hầu hết các quốc gia dù là quốc gia đã, đang hay chưa phát triển. Trong quá trình này, Việt Nam cũng tham gia khá chủ động để hội nhập với thế giới. Với việc mở rộng quan hệ đa phương, song phương hợp tác với các quốc gia trên thế giới đã góp phần khẳng đình dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một thực tế đặt ra, trong hội nhập toàn cầu này, đặc biệt là việc tham gia và thực hiện các cam kết khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội hợp tác và phát triển, nhưng bên cạnh đó, tồn tại nhiều vấn đề đáng quan ngại. Về tự do thương mại, cạnh tranh trong hội nhập, Việt Nam sẽ có sản phẩm gì là thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia phát triển. Phải chăng là sản phẩm gắn với sáng chế, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới hay nhãn hiệu? Câu trả lời sẽ là không thể vì chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với các nước phát triển nếu so sánh lợi thế về nhứng tài sản trí tuệ theo góc độ này. Vậy Việt Nam sẽ phải khai thác tài sản trí tuệ nào là thế mạnh của mình trong cuộc cạnh tranh cam go và quyết liệt này?

         Với nền văn minh nông nghiệp lúa nước được thể hiện trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc và cho đến nay, hơn 70% dân số của Việt Nam vẫn tồn tại, gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Đặc thù của khí hậu, nguồn nước và sự đa dạng về địa hình đem đến cho chúng ta nhiều nông sản đặc sản riêng có của vùng nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh đó, với đặc thù của cư dân bản địa, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, với nhiều cách thức sản xuất, tập quán sinh hoạt khác nhau tạo ra các sản phẩm nông thổ sản độc đáo và đa dạng với nhiều làng nghề truyền thống gắn bó với nông nghiệp và thủ công nghiệp. Từ đó, cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn về các sản phẩm đặc sản uy tín, chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

        Từ những yếu tố trên, Thương hiệu chỉ dẫn địa lý gắn với các sản phẩm đặc sản từ nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Việt Nam nếu biết lựa chọn những phương thức thông minh sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trong xoá đói, giảm nghèo và từng bước phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và góp phần tạo thế cân bằng cán cân thương mại trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

       Với kết cấu 8 chương, cuốn sách tập trung trình bày tổng quan về quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, so sánh nghiên cứu các mô hình của các nước tiêu biểu trên thế giới, đề xuất khung lý thuyết cho việc xem xét thực trạng và hoàn thiện xây dựng, phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách phân tích và đưa ra các phương án mô hình quản lý thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam có ý nghĩa khoa học và thực tiễn với góc độ tiếp cận mới, đóng góp chính sách quan trọng cho tầm vĩ mô quốc gia.

       Chương 1 và 2: Trình bày khái luận về thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Tác giả tiến hành thao tác một số khái niệm (thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu chỉ dẫn địa lý, những yếu tố cơ bản của quản lý thương hiệu chỉ dẫn địa lý) và đưa ra một số lý thuyết cơ bản, quan trọng về việc nhìn nhận các giá trị trong quá trình sản xuất với sự liên kết chuỗi giá trị sản xuất dựa trên sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao.

        Chương 3: Kinh nghiệm quốc tế ở một số quốc gia (Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan) trong xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Đó là hệ thống bảo hộ chỉ dẫn; thực tiễn xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Qua đó đề xuất những bài học kinh nghiệm sâu sắc giúp Việt Nam khai thác được các thế mạnh không chỉ các sản phẩm nông sản mà còn từ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đầy tiềm năng; nâng cao nhận thức và định hướng rõ ràng, xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý là yếu tố then chốt để cạnh tranh thành công với các sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất, địa phương và các nước khác.

        Trong chương 4 và 5, tác giả mô tả bức tranh tổng quát về tình hình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện nay. Đó là: (1) Phân tích những yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý; (2) Về hệ thống quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý; (3) Về hệ thống chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ; (4) Về xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý hiện nay. Qua đó tiến hành nghiên cứu trường hợp một thương hiệu chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên nhằm làm sáng tỏ các vấn đề nêu trên, đồng thời rút ra những khó khăn và thuận lợi khi xây dựng, phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý.

        Chương 6, 7 trình bày kết quả đạt được, hạn chế cùng giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam đến năm 2020. Trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.  

       Chương 8, trên cơ sở các căn cứ đề xuất mô hình (căn cứ lý luận, thực tiễn) trong và ngoài nước, tác giả đề xuất mô hình quản lý mới với các phương án linh hoạt và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau trong xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở nước ta hiện nay: (1) Mô hình tổ chức tập thể đóng vai trò trung tâm; (2) Mô hình nhà nước đóng vai trò trung tâm và trực tiếp; (3) Mô hình kết hợp giữa quản lý nội bộ và ngoại vi kiểu mới; (4) Mô hình quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị.

        Cuốn sách chuyên khảo “Xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” của Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng sẽ mang lại các thông tin tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, lãnh đạo trong việc đưa ra các chính sách phát triển dựa trên thương hiệu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam; đồng thời cuốn sách chuyên khảo trên cũng sẽ hữu ích cho các nhà nghiên, giảng dạy, kinh doanh và những ai quan tâm đến xây dựng phát triển thương hiệu chỉ dẫn trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Lời giới thiệu: Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, sự thật

Nguồn: https://vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/SachHangNam/View_Detail.aspx?ItemID=967

 

Tác giả: Tác giả: Vũ Tuấn Hưng
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...