• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo quốc tế “Quan hệ kinh tế Việt Nam- Trung Quốc trong bối cảnh mới”

      Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 18/11/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới”.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm: GS.TS. Đặng Nguyên Anh và TS. Đặng Xuân Thanh; Ông Hồ Tỏa Cẩm, Thám tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Đại biểu phía Việt Nam đến từ các bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm, một số trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam..đông đảo cán bộ viên chức Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, có các cán bộ Phòng kinh tế và thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện Hội thương gia Trung Quốc tại Việt Nam, hội doanh nghiệp Chiết Giang tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc – chi nhánh Hà Nội, công ty Vina Solar, đại diện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, một số doanh nghiệp và đại biểu khác.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Năm 2020, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thập niên thứ hai thế kỷ XXI, quan hệ hai nước đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Mặc dù đối mặt với dịch Covid-19, song tới tháng 10 năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 103 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 37,6 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt mức 65,78 tỉ USD, đã tăng 6,2%. Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ bảy trên thế giới của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với ASEAN. Tới tháng 10/2020 đầu tư từ Trung Quốc đạt 4,86 tỷ USD, từ Trung Quốc đại lục 1,3 tỷ USD cho 294 dự án mới..

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng sự tham dự các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh những cơ hội, thách thức mà hai nước phải đối mặt trong tình hình mới: dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy hoặc giãn cách, hai nước đang bước vào thập niên thứ ba thế kỷ 21 với biến động mau lẹ của tình hình thế giới. Đáng chú ý là cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.. trong khi hợp tác hai nước đối mặt với vấn đề hiệu quả và chất lượng hợp tác một số dự án, vấn đề về niềm tin và vấn đề trên biển… Qua đó, TS. Nguyễn Xuân Cường khẳng định nội dung, nhiệm vụ của hội thảo sẽ góp phần nhận diện thực trạng quan hệ kinh tế hai nước, luận giải những thành tựu, khó khăn, các nhân tố tác động trong bối cảnh mới để từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị khả thi trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong phát biểu chào mừng, tham tán Công sứ Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Ông Hồ Tỏa Cẩm đánh giá cao quan hệ kinh tế hai nước và ý nghĩa của hội thảo, mong muốn Hội thảo làm rõ những thuận lợi và khó khăn của quan hệ kinh tế hai nước, đặc biệt là của doanh nghiệp hai nước hiện nay; mong muốn các nhà doanh nghiêp, các chuyên gia và các nhà quyết sách thảo luận sâu, đưa ra các giải pháp cụ thể.

Tại Hội thảo, 06 báo cáo được trình bày, và các bình luận, thảo luận  trong 02 phiên. Nội dung chủ yếu tập trung vào làm rõ bối cảnh mới, thành tựu và vấn đề đặt ra đối với kinh tế, thương mại.. và quan hệ hai nước,  hiện trạng doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam; chính sách thương mại của Việt Nam; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong bối cảnh mới; kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp hai nước.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm- TS. Đặng Xuân Thanh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ kinh tế, thương mại hai nước, đặc biệt là những nhân tố trong các giai đoạn phát triển, cơ cấu kinh tế, chuỗi sản xuất và giá trị..môi trường kinh doanh và đầu tư..các hiệp định giữa hai bên.. bối cảnh mới khi Trung Quốc hoạch định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tới năm 2035..khi hiệp định RCEP vừa được kí kết..  hai bên cần phải đẩy mạnh kết nối hạ tầng, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp.. hai nước cần tăng cường niềm tin, vượt qua được những vướng mắc trước bối cảnh thế giới đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích giữa các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, qua đó tăng cường hiểu biết về thực trạng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, những vấn đề đặt ra đối với quan hệ hai nước; chia sẻ quan điểm, đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp hai nước; mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, giới doanh nghiệp và chuyên gia hai bên tích cực bàn bạc, tìm giải pháp khả thi.. góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới./.


Tác giả: Nguyễn Thu Trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...