• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Khu công nghiệp sinh thái: Từ khái niệm tới thực tiễn”

Sáng ngày 13/1/2017, tại khách sạn Pullman, số 40 Cát Linh, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo với chủ đề “Khu công nghiệp sinh thái: Từ khái niệm tới thực tiễn” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình KCNST ở Việt Nam và tăng cường truyền thông, phổ biến thông tin chủ đề KCNST và lộ trình thực hiện tại Việt Nam. Hội thảo được sự hỗ trợ của Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án; Ông Jerome Stucki, Quản lý dự án của UNIDO tại Vienna (Áo); PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD); TS. Heinz Leuenberger, Cố vấn trưởng Dự án, cùng đại diện của văn phòng UNIDO Việt Nam, Công ty tài chính quốc tế (IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới), các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm 
Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo
 

Toàn cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về tăng trưởng và phát triển, cải thiện đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Đóng góp vào quá trình phát triển này có thể kể đến vai trò to lớn của các KCN. Đến nay, Việt Nam đã hơn 300 KCN được thành lập, trong đó hơn 220 KCN đang hoạt động tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Tính đến cuối năm 2016, các KCN trên đang thu hút 50% tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam và đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Đồng thời, các KCN đang đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội của cả nước khi tạo ra gần 1 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015.

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” với mục tiêu nhằm tăng cường, việc chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và các biện pháp sản xuất gạch, ít cacbon nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các KCN Việt Nam. Qua đó, chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCNST. Các hoạt động của dự án được tổ chức theo hai tuyến: (1) thực hiện các thí điểm; (2) tăng cường năng lực và truyền thông về KCNST được triển khai thực hiện ở 3 cấp độ: cấp doanh nghiệp, cấp khu công nghiệp và cấp thể chế chính sách. Trong hơn 1 năm thực hiên, Dự án đã thu được các kết quả thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp và nhà tài trợ đánh giá cao (tổ chức thành công hội thảo chuyên gia quốc tế về KCNST vào cuối tháng 9/2016).

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đánh giá cao chủ đề của Hội thảo, đóng góp có ý nghĩa vào hiểu biết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn liên quan đến phát triển bền vững (PTBV) các KCN tại Việt Nam. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và triển khai xây dựng KCNST trên thực tế ở Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường từ sản xuất công nghiệp và đảm bảo PTBV KCN nói riêng và PTBV của đất nước nói chung. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, KCNST là một khái niệm mới ở Việt Nam, là hướng đi đúng đắn hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo PTBV. Do vậy, việc nghiên cứu và đóng góp vào vấn đề này cần sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và toàn xã hội; đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu (nền tảng lý thuyết về PTBV, sinh thái công nghiệp; ứng dụng lý thuyết vào thực tế nhằm phát triển các mối quan hệ cộng sinh, trao đổi chất công nghiệp, xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, chuyển đổi và phát triển mới các KCNST…)

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc tại Hội thảo
 
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Ông Trần Duy Đông và
TS. Heinz Leuenberger đồng chủ trì Hội thảo

Thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu và cho biết: Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển công nghiệp  ở mức cao so với thế giới. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết đối với đất nước trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách theo hướng bền vững, phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời  nhấn mạnh đến yêu cầu cấp bách về việc hình thành mô hình KCNST hoạt động sản xuất hiệu quả. Qua đó mong muốn nhận được các ý kiến tham gia chuyên sâu của các cơ quan, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam về việc triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, nhất là về các nội dung khái niệm, cơ hội, cơ chế chính sách và các yêu cầu để phát triển KCNST tại Việt Nam.

Hội thảo nhận được 7 tham luận của các diễn giả (Ông Trần Duy Đông, TS. Heinz Leuenbeger; Ông Jerome Stucki; TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD; Ông Trần Minh, IRSD; PGS.TS. Đỗ Tú Lan, nguyên Cục phó Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng; PGS.TS. Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng) trình bày tập trung vào những nội dung chính như sau: (1)Tổng quan về phát triển KCN ở Việt Nam - Cơ hội, thách thức và các kết quả bước đầu của việc chuyển đổi sang KCNST); (2) Khái niệm KCNST và các gợi ý chuyển đổi cho Việt Nam; (3) Các bài học kinh nghiệm trên thế giới và của UNIDO về KCNST và các yêu cầu tối thiểu; (4) Sinh thái công nghiệp và việc áp dụng trong PTBV; (5) KCNST và nền kinh tế xanh ở Việt Nam; (6) Quy hoạch đô thị PTBV theo hướng sinh thái; (7) Quản lý nước thải và bùn cặn trong KCNST theo hướng tiết kiệm năng lượng và thu hồi tài nguyên.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh những vấn đề về cách tiếp cận, mô hình KCNST, chuyển đổi KCN cũng như là các thách thức giải quyết liên kết vùng trong các KCN khi triển khai vào thực tế tại Việt Nam…

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích đối với các chuyên gia, nhà khoa học, đưa ra những đóng góp mới có giá trị khoa học và thực tiễn nhằm gợi mở các hướng nghiên cứu hiệu quả, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, góp phần đề xuất chính sách, hoàn thiện các qui định về pháp luật về KCNST và lộ trình phát triển KCNST tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Vass.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan