Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới, động lực và chính sách phát triển vùng: Lý thuyết, kinh nghiệm và hành động”
Sáng ngày 17/11/2016, tại Hội trường 3C nhà B, trụ sở số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới, động lực và chính sách phát triển vùng: Lý thuyết, kinh nghiệm và hành động” nhằm trao đổi, thảo luận về khung lý luận, kinh nghiệm, và đề xuất kiến nghị các chính sách phát triển vùng có tính tới những yếu tố đặc thù vùng.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng IRSD; Lãnh đạo các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm (như Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Âu,…), TS. Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng IRSD, TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD; Đại diện Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện khoa học xã hội,…
Phát triển bền vững (PTBV) vùng tuy là chủ đề không mới, đã được đặt ra từ khi Việt Nam xây dựng Chương trình nghị sự 21 năm 2004, nhưng có thể nói, lý luận về PTBV và đặc biệt là việc thực hiện các chương trình và mục tiêu của PTBV nói chung và PTBV vùng nói riêng là còn rất hạn chế và nhiều vấn đề đang đặt ra.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
|
Khái niệm phát triển bền vững (PTBV) đã xuất hiện chính thức lần đầu vào năm 1987, trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc. Từ đó trở đi, các hội nghị có tính toàn cầu về vấn đề này đã được diễn ra liên tục để khẳng định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định "phát triển bền vững" là quá trình phát triển hài hoà giữa 3 trụ cột là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Mới đây, năm 2015 tại Đại hội Đồng Liên hợp quốc (LHQ), 193 nước thành viên của LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 (còn gọi là SDG 2030) với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững để tái khẳng định và mở rộng những cam kết trong Tuyên bố Thiên niên kỷ, và thay thế các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã hết hạn trong năm đó. Đây là một bước đi tiếp rất quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu và đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Viện IRSD, đồng thời nhấn mạnh, PTBV vùng có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, và về thực chất PTBV vùng cũng tích hợp đầy đủ các nội dung của Chương trình nghị sự về PTBV 2030 mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế cam kết thực hiện. Qua đó PGS.TS. Bùi Nhật Quang đã đưa ra các gợi mở về hướng nghiên cứu về PTBV vùng để có cơ sở đề xuất các tư vấn, kiến nghị chính sách hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, trong đó có lý luận về PTBV vùng hiện nay; nhân tố tác động, chi phối, động lực cho quá trình PTBV quốc gia và PTBV các vùng; sự phù hợp giữa nội dung PTBV của Chương trình nghị sự SDG 2030 với tư duy và chính sách phát triển vùng đối với các vùng tại Việt Nam; kinh nghiệm thế giới về phát triển vùng; thực tiễn phát triển vùng của Việt Nam; giải pháp PTBV vùng đề phát huy hiệu quả tiềm năng các vùng ở Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng có tiềm năng kinh tế lớn, xã hội ổn định, văn hóa giàu bản sắc dân tộc để tạo dựng PTBV cho các vùng; tích hợp các mục tiêu PTBV vào các qui hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các vùng, các địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo
|
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng IRSD trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo |
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã phác thảo khung lý luận PTBV vùng, nêu bật tính cấp thiết, nguyên tắc xây dựng và nội dung của khung lý luận; khẳng định, PTBV vùng là sự phát triển tổng hợp và hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và các yếu tố đặc thù của vùng gắn với năng lực chống chịu biến đổi khí hậu và năng lực thích ứng với hội nhập quốc tế thông qua việc đảm bảo các điều kiện về thể chế, quản trị và các nguồn lực; chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới PTBV vùng và các yêu cầu của các thang đo của các bộ tiêu chí đánh giá PTBV vùng. Qua đó đã chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết và thảo luận trong thời gian tới, bao gồm: (1) Mô hình hóa bằng toán học khung lý luận về PTBV vùng; (2) Điều chỉnh và xây dựng hệ thống tiêu chí đo lường PTBV vùng và địa phương dựa trên các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 của quốc tế và của quốc gia; (3) Xây dựng khung lý luận cho vùng có tính quốc tế và đa quốc gia; (4) Dùng khung phân tích PTBV vùng để thử nghiệm đánh giá mức độ bền vững của phát triển bền vững các vùng.
Hội thảo nhận được 22 báo cáo, 07 tham luận được trình bày tại Hội thảo, chia làm 02 phiên thảo luận. Ngoài báo cáo đề dẫn về PTBV vùng về khung luận PTBV vùng, các bài tham luận tập trung vào 02 nhóm vấn đề chính thể hiện trong hai phiên của hội thảo:
Các vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về PTBV vùng (Phiên 1): các diễn giả (bao gồm PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Học viện Khoa học xã hội; TS. Lê Anh Vũ, IRDS, TS. Cao Ngọc Lân, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày những nội dung liên quan đến quan điểm và chính sách phát triển vùng trong bối cảnh phát triển mới ở Việt Nam và những gợi ý chính sách cụ thể theo 3 định hướng cơ bản (chính sách liên kết vùng bao gồm nội vùng và ngoại vùng, chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, chính sách về các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của vùng); nêu rõ một số vấn đề về lý luận cơ bản và thực tiễn liên kết vùng ở Việt Nam; phân tích về đổi mới chính sách phát triển của Việt Nam theo hướng PTBV…
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
|
Chính sách và hành động cho PTBV vùng (Phiên 2): các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; ThS. Bùi Việt Cường, IRSD; ThS. Hoàng Thị Thu Hương, Viện KHXH vùng Trung Bộ) tập trung phân tích và gợi ý một số vấn đề như: phát triển cụm ngành – hướng đi mới cho chính sách phát triển vùng theo hướng bền vững ở Việt Nam; sinh thái công nghiệp với phát triển bền vững vùng; chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội ở vùng ven biển duyên hải Nam Trung Bộ.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh những vấn đề chính: giải pháp kết nối lợi ích trong và giữa các vùng với nhau; thể chế, qui hoạch vùng; các nguồn lực, năng lực quản trị và các yếu tố đặc thù vùng miền đảm bảo PTBV vùng; gợi mở ý tưởng phát triển vùng đối với khu vực ASEAN trong thời kỳ hội nhập…
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích đối với các chuyên gia, nhà khoa học, đưa ra những đóng góp mới cho phát triển lý luận về PTBV vùng và cho việc tư vấn chính sách về PTBV vùng, góp phần tìm ra những giải pháp tối ưu để giải quyết các bài toán và thách thức đặt ra từ thực tiễn PTBV của đất nước nói chung và PTBV vùng nói riêng trong thời gian tới.
Nguồn: Vass.gov.vn