• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm khoa học “Đô thị và bảo tồn đô thị, các hướng hợp tác nghiên cứu”

Nhân chuyến công tác tại Việt Nam của ông Martin Rama, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka, nguyên Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Danielle Labbé, Giáo sư Quy hoạch đô thị, Đại học Montreal, Canada, chiều ngày 02/7/2016, tại Hội trường 3E, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đô thị và bảo tồn đô thị, các hướng hợp tác nghiên cứu”.

Tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD), các đại biểu của Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Địa lý nhân văn cùng toàn thể cán bộ của IRSD.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm
 
Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng IRSD nhiệt liệt chào mừng TS. Martin Rama; GS.TS. Danielle Labbé và toàn thể các vị đại biểu đã có mặt tham dự Tọa đàm.

Trong bài tham luận của mình, GS.TS. Danielle Labbé đã chia sẻ một số khái niệm mới, kết quả nghiên cứu mới mang tính bước đầu của dự án nghiên cứu về các khu thu đô thị mới tại Việt Nam. Tác giả nhấn mạnh chủ đề nghiên cứu về đô thị mới đã bước đầu được nghiên cứu, tuy nhiên chưa có một nghiên cứu tổng thể cả bức tranh về đô thị tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy, số dự án về khu đô thị mới được phê duyệt là 252 dự án, nhưng trên thực tế thì số liệu này cao hơn nhiều. 252 dự án là chỉ tính các dự án đã hoàn thành, đang trong quá trình thực hiện, đã có giấy phép kinh doanh, được phê duyệt, đã chuyển nhượng đất đai…Để biết các dự án thay đổi như thế nào theo thời gian, nhóm nghiên cứu phân thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1994- 2003; 2004-2008 và giai đoạn 2009 đến nay. Đặc biệt, giai đoạn 2004-2008 là giai đoạn bùng nổ các khu đô thị mới tại Việt Nam; phần lớn các dự án trong giai đoạn này được phê duyệt trước khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội. Đa số các khu đô thị mới này phục vụ cho các khách hàng có mức thu nhập trung bình hoặc trên trung bình. Các hộ gia đình đến ở không chỉ có nhu cầu về nhà ở mà còn có các nhu cầu khác. Tuy nhiên các nhu cầu về dịch vụ như trường  học, các dịch vụ xã hội, hạ tầng kỹ thuật, vui chơi thì chưa được quan tâm xây dựng nhiều.

GS.TS. Danielle Labbé trình bày tham luận
 
TS. Martin Rama trình bày tham luận

TS. Martin Rama với phần trình bày đề xuất bảo tồn khu phố cổ Hà Nội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu bởi sự hiểu biết và tình yêu của Ông đối với Hà Nội. (Ông đã có 8 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội trên cương vị kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Cuốn sách ảnh Hà Nội một chốn rong chơi của Ông đã đạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội năm 2014.) Diễn giả nhấn mạnh để có thể bảo tồn phố cổ Hà Nội thì cần sự quan tâm của các cấp các ngành, ngoài các đơn vị thực hiện chính, còn cần huy động từ các cá nhân có tình yêu với Hà Nội, ủng hộ dự án. Việc bảo tồn các khu phố cổ của Hà Nội phải đảm bảo lợi ích của những sinh sống trong khu phố. Chính vì thế, TS. Martin Rama đã đề xuất một cách tiếp cận mới, mang tính tổng thể về bảo tồn phố cổ Hà Nội. Cách tiếp cận này đòi hỏi có sự tham gia của các cấp chính quyền với các can thiệp chính sách, sự tham gia của các nhà đầu tư nhằm đảm bảo tính sinh lợi của bảo tồn và sự đồng thuận của cư dân. Về cơ bản, cách tiếp cận này nhằm khai thác các “ngoại ứng tích cực” của bảo tồn, thông qua việc cải tạo chức năng và kiến trúc, nâng cao giá trị văn hóa và vật chất của khu phố, đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân sinh sống trong khu vực đó.

Để có thể tiến hành dự án, cần chọn được một khu phố cổ để thực hiện thử nghiệm cách tiếp cận mới này. Khu phố cổ thực hiện thử nghiệm cần hội tụ một số đặc điểm như: Phải có nhà có giá trị kiến trúc, kiến trúc đa dạng, có khu tập thể kiểu cũ nhưng không có quá đông dân cư, còn đất dư thừa, gần khu trung tâm… Sau đó tiến hành phục hồi khu phố và có các chuyên gia đánh giá lại giá trị của khu phố đó trước và sau khi phục hồi.

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan