• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm khoa học “Các giải pháp hiện thực hóa các đặc khu kinh tế”

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 10/8/2016, đề tài “Nghiên cứu luận cứ khoa học và đề xuất hệ giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa đặc khu kinh tế Phú Quốc” do TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD làm chủ nhiệm đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Các giải pháp hiện thực hóa các đặc khu kinh tế” tại Hội trường 3E, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

 

TS. Nguyễn Đình Chúc- chủ nhiệm đề tài trình bày
nội dung nghiên cứu đề tài tại Tọa đàm
 

 

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia trong lĩnh vực đặc khu kinh tế: Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế và TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương; PGS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng thư ký hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; đại diện của Bộ Công Thương; PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông – đồng chủ nhiệm và các thành viên của đề tài cùng các cán bộ nghiên cứu đến từ viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm (Viện IRSD và Viện Kinh tế Việt Nam…). 

Đặc khu kinh tế là một khu vực kinh tế trong một nền kinh tế của một quốc gia, trong đó có cơ chế đặc biệt, với thể chế đặc biệt để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đầu tư nhằm hướng đến đạt ba mục đích: (1) tạo nguồn lực để phát triển kinh tế; (2) nhân rộng, tạo cơ chế chung cho nền kinh tế; (3) tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế ở các lĩnh vực.

Tọa đàm khoa học được tổ chức với mục đích nhận diện vấn đề nghiên cứu; thông qua nghiên cứu và tham chiếu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế vượt trội cho các đặc khu kinh tế, tọa đàm tiến hành thảo luận về các mô hình và hệ giải pháp xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Sau khi TS. Nguyễn Đình Chúc - chủ nhiệm đề tài trình bày khái quát về nội dung, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, thiết kế khung đề tài, các đại biểu tham dự đã trao đổi xung quanh 4 nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Các điểm nghẽn trong phát triển các đặc khu kinh tế về thể chế, tổ chức hành chính; không gian lãnh thổ, quy hoạch, cơ cấu kinh tế; nhân lực, vốn, tài nguyên thiên nhiên, khoa học – công nghệ; kết cấu hạ tầng.

Thứ hai: Các giải pháp đột phá về thể chế, pháp lý và hành chính; chính sách kinh tế và cấu trúc kinh tế; hội nhập, kết nối kinh tế quốc tế; phát triển xã hội, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

Thứ ba: Đánh giá tổng quát về khả năng phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc: Các lợi thế so sánh và cơ hội phát triển cùng với các khó khăn và thách thức trong phát triển của Phú Quốc; đặc điểm riêng và tiềm năng xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Thứ tư: Tầm nhìn, phương hướng phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc: Tầm nhìn phát triển đặc khu kinh tế; Phương hướng, định hướng mô hình hành chính – kinh tế; Đặc điểm về thể chế, bộ máy tổ chức quản lý, phân cấp…

Các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý xác đáng tại Tọa đàm sẽ được các thành viên của đề tài nghiên cứu, tham khảo trong công tác triển khai, nghiên cứu hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.

Nguồn: Vass.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...