Tọa đàm khoa học “Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã sau đạt chuẩn”
Sáng ngày 10 tháng 4 năm 2017 tại Hội trường 3E số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã sau đạt chuẩn”. Tọa đàm là một trong những hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn và đề xuất giải pháp duy trì bền vững các chỉ tiêu đó” do Viện Hàn lâm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) thực hiện. Đề tài do GS.TS. Phạm Văn Đức làm chủ nhiệm.
Đến dự Tọa đàm, về phía Viện Hàn lâm có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Phó chủ nhiệm Đề tài; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ; TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lương Thị Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; cùng đại diện và nhiều chuyên gia đến từ Văn phòng Điều phối chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam,...
Được sự ủy quyền của Chủ nhiệm Đề tài, phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của các đại biểu và các chuyên gia; đồng thời nêu rõ mục đích của Tọa đàm nhằm: Nêu những quan điểm, những phát hiện mới và chỉ ra các khiếm khuyết hiện nay của bộ tiêu chí nông thôn mới về việc duy trì tiêu chí nông thôn mới; Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã sau đạt chuẩn.
Thay mặt nhóm thực hiện Đề tài, TS. Lương Thị Thu Hằng giới thiệu khái quát các kết quả đã thực hiện của Đề tài, tập trung vào một số vấn đề lý luận và thực tiễn như:
- Hệ thống hóa và làm rõ lý luận về tính bền vững của việc đạt tiêu chí quốc gia tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và rút ra bài học cho Việt Nam về các tiêu chí phát triển bền vững nông thôn kiểu mới;
- Nghiên cứu cơ sở thực tiễn để điều chỉnh các chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn. Làm rõ thực trạng mức độ bền vững của việc đạt các chỉ tiêu đó và các nguyên nhân, hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu bền vững của việc đạt các chỉ tiêu đó;
- Đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí để nâng cao chất lượng của bộ tiêu chí nông thôn mới và đề xuất giải pháp duy trì bền vững các chỉ tiêu trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã sau đạt chuẩn; Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới;
- Khảo sát tại 7 tỉnh thuộc 6 tiểu vùng với 700 mẫu định lượng và 300 mẫu định tính, nhóm thực hiện Đề tài đã phân tích thực trạng đạt và duy trì tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn; qua đó, tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng; xây dựng cơ sở lý luận – thực tiễn đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu/tiêu chí tại các xã sau đạt chuẩn; trên cơ sở đó đánh giá tính bền vững và đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới cấp xã sau đạt chuẩn.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn trình bày báo cáo tại Tọa đàm | TS. Lương Thị Thu Hằng trình bày báo cáo tại Tọa đàm |
Tại Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã trình bày báo cáo với 3 nội dung chính: khái quát những nội dung chủ yếu của chương trình nông thôn mới; Trình bày những phát hiện qua cuộc điều tra khảo sát của nhóm thực hiện Đề tài; Nêu lên các quan điểm định hướng và đề xuất liên quan đến nâng cao chất lượng tiêu chí và bộ chỉ tiêu. Theo xu hướng phát triển bền vững trên thế giới, việc đưa ra các tiêu chí bao gồm trong đó các chỉ tiêu của từng tiêu chí phải đảm bảo tính bền vững, các cấu phần và tiêu chí về mặt chất lượng mới là yếu tố quyết định sự phát triển thực chất và bền vững của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc xem xét các chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới về mặt chất lượng cần được đánh giá từ cả 2 phía: các nhà quản lý địa phương và người dân - người được hưởng lợi trực tiếp. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng hiện nay các chỉ tiêu trong tiêu chí nông thôn mới đã có một số điều chỉnh qua giai đoạn 1 và giai đoạn 2 , tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được các vấn đề đặt ra. Kết quả từ cuộc điều tra khảo sát của Đề tài cho thấy các yếu tố về chất và lượng của bộ tiêu chí đang là vấn đề cấp bách.
PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu góp ý tại Tọa đàm | TS. Tăng Minh Lộc phát biểu tại Tọa đàm |
Sau báo cáo của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Lương Thị Thu Hằng, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về: việc điều chỉnh các tiêu chí trong bộ chỉ tiêu hướng đến tính bền vững đối với các xã sau đạt chuẩn (Bộ chỉ tiêu trong Quyết định số 491/QĐ-TTG ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Bộ chỉ tiêu trong Quyết định số1980/QĐ-TTG ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2016 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020); Vấn đề điều chỉnh cơ cấu và cách tiếp cận của Đề tài; Cơ sở xây dựng bộ chỉ tiêu mới; Sự liên thông của các tiêu chí; Các yếu tố tác động đến các tiêu chí đặc biệt là yếu tố khách quan; Xây dựng các tiêu chí mềm và cứng trong xây dựng nông thôn mới; Tính khả thi của chỉ tiêu thu nhập trong bộ tiêu chí; Phương pháp đo lường đánh giá các chỉ tiêu nông thôn mới đối với các xã sau đạt chuẩn.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi và những đóng góp bổ ích về định hướng nghiên cứu cũng như mục tiêu nghiên cứu của Đề tài; qua đó góp phần giúp Đề tài hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trong việc đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững tại các xã sau đạt chuẩn trong thời gian tới./.
Nguồn: Vass.gov.vn