• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phân công lao động theo giới trong gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh(*)

Nguyễn Hữu Minh

Nguyễn Thị Phương

Tóm tắt: Bình đẳng giới là mục tiêu thứ 5 trong các Mục tiêu Phát triển bền vững do tổ chức Liên Hợp quốc đề ra, cũng là mục tiêu thứ 5 trong các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, bảo đảm bình đẳng trong phân công lao động giữa vợ và chồng trong công việc gia đình là một nội dung quan trọng để thực hiện bình đẳng giới nói chung. Dựa trên số liệu khảo sát 1.128 hộ gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh, bài viết phân tích thực trạng phân công lao động theo giới trong các gia đình. Các phân tích hai biến và đa biến được áp dụng. Kết quả cho thấy, đã có sự chia sẻ nhiều hơn của cả hai vợ chồng đối với các công việc vốn thuộc về giới này hay giới kia. Tuy nhiên, tính đặc thù giới vẫn tồn tại. Lượng thời gian dành cho công việc gia đình hàng ngày của phụ nữ vẫn cao hơn đáng kể so với nam giới. Đáng quan tâm là đại bộ phận người trả lời hài lòng với sự phân công lao động hiện tại. Điều này cho thấy, sự bảo lưu văn hoá và tính ổn định kéo dài của khuôn mẫu phân công lao động theo giới.

Từ khóa: Bình đẳng giới; Gia đình; Phân công lao động theo giới.

1. Bối cảnh nghiên cứu[1]

     Phân công lao động giữa vợ và chồng là một chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong gia đình và do đó, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam liên quan đến việc gắn chặt phụ nữ vào vai trò chăm sóc gia đình, bắt nguồn từ quan niệm rằng đó là “thiên chức” của người phụ nữ. Để làm tròn vai trò chăm sóc gia đình, nhiều phụ nữ đã mất cơ hội trong học tập, sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và lãnh đạo, quản lý (ISDS, 2015). Chính vì lý do đó, trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020, Mục tiêu 6 về Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đã xác định: “Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020” (Thủ tướng Chính phủ, 2010). Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó nêu ra Mục tiêu 5.4 về “Bảo đảm bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình; công nhận việc nội trợ và các chăm sóc không được trả phí; tăng cường các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, chăm sóc trẻ em.”.

Như vậy, việc phấn đấu để đạt được sự phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình một cách bình đẳng hơn là một mục tiêu rất quan trọng trong thời gian qua và những năm sắp tới. Trong thập niên qua, Nhà nước và cả xã hội đã cùng chung tay thực hiện mục tiêu này. Mối quan hệ vợ chồng trong phân công các công việc gia đình đã có những biến đổi nhất định, thể hiện ở sự gia tăng tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng tham gia công việc gia đình. Đồng thời, ở một số công việc như chăm sóc người già/người ốm, thay mặt gia đình giao tiếp với chính quyền, tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng làm chính các công việc này đã cao hơn (Nguyễn Hữu Minh, 2014; Nguyễn Xuân Thắng, 2019; Nguyễn Hữu Minh, 2020; v.v.). Đây là dấu hiệu đáng mừng thể hiện sự chia sẻ giữa hai giới trong các công việc gia đình.

      Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả các khảo sát có quy mô lớn cũng như các nghiên cứu chuyên sâu trong những năm vừa qua đã chỉ ra sự bảo lưu của khuôn mẫu phân công lao động theo giới truyền thống trong các gia đình. Người phụ nữ và nam giới thường gắn với các loại công việc được coi là phù hợp với giới của mình. Chẳng hạn, người phụ nữ/người vợ thường chăm lo về công việc nội trợ, quản lý chi tiêu trong gia đình, chăm sóc người già/người ốm, trẻ em, trong khi đó người đàn ông/người chồng chịu trách nhiệm với việc thay mặt gia đình giao tiếp với chính quyền hay bảo trì, sửa chữa các đồ dùng trong gia đình. Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đng giới, mục tiêu 6.1 về thu hẹp khoảng cách thời gian làm công việc nhà giữa nam và nữ vẫn chưa đạt được. Theo kết quả Điều tra Lao động việc làm năm 2019, thời gian làm việc nhà của phụ nữ còn cao gấp 2,1 lần so với nam giới (Tổng cục Thống kê, 2020).[1] Đồng thời, sự biến đổi phân công lao động theo giới theo xu hướng tích cực diễn ra chưa đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội.

Các nghiên cứu cho thấy, sự phân công lao động theo giới trong gia đình có thể thay đổi tùy theo lứa tuổi; học vấn; khu vực sống; sự đóng góp thu nhập và quan niệm về giới. Chẳng hạn, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh (2014) cho thấy, tỷ lệ người vợ làm các công việc nội trợ cao hơn ở các gia đình trẻ, trong khi ở gia đình lớn tuổi thì có sự tham gia cao hơn của người chồng. Đồng thời, người vợ có học vấn cao hơn thì tỷ lệ người vợ chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp khách cũng cao hơn và sự chia sẻ của cả hai vợ chồng tăng lên. Một trong những lý do là những người có học vấn cao hơn thì ít có định kiến giới hơn trong các công việc gia đình nên sẵn sàng tham gia công việc nhà hơn. Phát hiện này về vai trò của yếu tố học vấn cũng được chỉ ra ở một nghiên cứu có quy mô quốc gia trước đó (Bộ VH, TT&DL và các cơ quan khác, 2008: 78).

Nhìn chung, người chồng trong các gia đình đô thị tham gia làm các công việc nội trợ nhiều hơn so với các gia đình nông thôn mặc dù sự khác biệt không lớn. Ngoài ra, sự có mặt của người giúp việc ở nhiều gia đình đô thị là yếu tố giúp giảm bớt công việc nội trợ của người mẹ, người vợ trong gia đình (Lê Thái Thị Băng Tâm, 2008; Nguyễn Xuân Thắng, 2019).

     Về vai trò đóng góp vào thu nhập gia đình, Nguyễn Hữu Minh (2016) chỉ rõ, khi thu nhập của người chồng cao hơn rõ rệt so với người vợ thì người vợ thường có xu hướng đảm nhiệm các công việc gia đình để tạo điều kiện cho người chồng thực hiện công việc chính, nhằm tối đa hóa thu nhập chung của cả hộ gia đình. Khi người vợ có thu nhập cao hơn hoặc bằng người chồng thì bản thân mỗi thành viên sẽ phải cân nhắc lại sự phân công lao động trong gia đình để làm thế nào duy trì và nâng cao thu nhập chung. Khi đó, người chồng có thể tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình.

Quan niệm truyền thống về vai trò giới có ý nghĩa chi phối rất lớn đối với sự phân công lao động trong gia đình (Nguyễn Hữu Minh, 2016). Theo quan niệm này, những công việc gia đình phải do phụ nữ đảm nhiệm bất kể là trong loại gia đình nào. Quan niệm này không chỉ thể hiện ở nam giới mà cả ở phụ nữ. Nhiều người cho rằng, một gia đình hạnh phúc thì không thể thiếu một người vợ đảm đang trong công việc nội trợ, biết thu vén mọi công việc gia đình.

     Như vậy, phân công lao động theo giới trong đời sống gia đình có một khuôn mẫu chung nhưng cũng thể hiện sự đa đạng tùy theo địa bàn nghiên cứu và các nhóm xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ đô thị hóa thuộc loại cao nhất ở Việt Nam, đồng thời là một trung tâm kinh tế và khoa học. Các gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh vì vậy được chờ đợi là ít có khác biệt giới hơn trong phân công lao động. Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu quan tâm về vấn đề này ở địa phương. Một số kết quả nghiên cứu có được một số năm trước đây cho thấy, quan niệm của người dân vẫn cho rằng công việc nội trợ, chăm sóc con cái trong gia đình là việc làm của nữ, điều này dẫn đến sự phân chia công việc thiếu bình đẳng.[1] Bài viết này sẽ cung cấp một bức tranh cập nhật hơn và phân tích sâu hơn về tình hình phân công lao động theo giới ở thành phố Hồ Chí Minh theo các nhóm xã hội, góp phần nhìn nhận rõ hơn việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước tại thành phố lớn nhất nước.

Câu hỏi đặt ra là sự phân công lao động theo giới trong các công việc gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh thể hiện như thế nào? Có sự tương đồng và khác biệt gì giữa các nhóm xã hội về khuôn mẫu đó?

Chi tiết xin liên hệ bộ phận Tạp chí hoặc Bộ phận Thư viện:

Phụ trách Bộ phận Thư viện: Nguyễn Thị Đậm - ĐT: 0986534092 - Email: dam.sdin@gmail.com


[1] Báo cáo của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (số 10/BC-BVSTBPNTP ngày 20/4/2020)

 

 


[1] Hàng tuần phụ nữ dành gần 39 giờ trong một tuần cho lao động sản xuất và 18,9 giờ cho việc nhà, trong khi đó nam giới dành 40 giờ cho lao động sản xuất và 8,9 giờ làm việc nhà.

 

 


* Bài viết là sản phẩm của Nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và vai trò gia đình trong việc thực hiện bình đẳng giới tại thành phố Hồ Chí Minh” do TS. Nguyễn Thị Phương là Chủ nhiệm và được hỗ trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh.


Nguồn:Tạp chí Phát triển bền vững vùng số 1 năm 2021 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan