Phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
PGS.TS.Vũ Tuấn Hưng
Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ
ThS. Nguyễn Danh Nam, ThS. Uông Thị Ngọc Lan
Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội
Tóm tắt: Mục tiêu nghiên cứu của bài viết nhằm phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc trong giai đoạn 2018-2020, những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Từ kết quả phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch biển thành phố đảo, nghiên cứu đã tìm ra 4 giải pháp chiến lược nhằm phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo bao gồm: tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển và cơ sở hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch; thực hiện khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển; đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững.
Từ khóa: phát triển du lịch biển, du lịch bền vững, thành phố đảo Phú Quốc
Abstract: The study aims to analyze the potential and current of marine tourism development in Phu Quoc island city from 2018 to 2020, the achieved results, the remaining limitations by using qualitative research methods. From the results of analysis of the potential and current of the island city’s marine tourism development, the study finds four solutions for sustainable development of marine tourism in the island city, including: increase investment in developing marine tourism products and tourism infrastructure; improve the quality of tourism human resources; differentiate and diversify marine tourism products and promote green and sustainable tourism development.
Keywords: Marine Tourism Development, Sustainable Tourism, Phu Quoc City Island.
1. Đặt vấn đề
Phú Quốc một hòn đảo phía Tây Nam của tổ quốc, nơi được mệnh danh là hòn đảo ngọc của Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Với khí hậu ôn hòa của miền nhiệt đới quanh năm nóng ẩm, làn nước trong xanh của biển khơi, và một hệ sinh thái du lịch đa dạng... Phú Quốc đang là một điểm đến thu hút sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước. Ngày 01/01/2021 Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, với “tấm áo mới” này Phú Quốc đã và đang thu hút nguồn lực đầu tư lớn trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư quá ồ ạt và thiếu quy hoạch đang khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp hiện có, các cảnh quan tự nhiên dần mất đi và thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người. Mặt khác, nhận thức về phát triển du lịch của một số bộ phận dân cư địa phương còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa phát huy đầy đủ; hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá chưa cao; nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời; tình hình vệ sinh môi trường tại một số điểm du lịch chưa được cải thiện (Nguyễn Danh Nam và Uông Thị Ngọc Lan, 2020). Do đó, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại Phú Quốc, tìm và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo trong thời gian tới.
2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
2.1. Khái quát về phát triển bền vững du lịch biển
2.1.1. Du lịch biển
Tổ chức du lịch thế giới (WTO) định nghĩa du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Theo Luật du lịch Việt Nam (2017), du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
Du lịch biển là một trong những loại hình du lịch diễn ra nhằm thỏa mãn nhu cầu về với thiên nhiên của con người. Thiên nhiên ở đây là các cảnh quan vùng biển đảo, các bãi tắm và bãi cát, các hệ sinh thái biển, khí hậu và thế giới sinh vật trong lòng đại dương như: các loại san hô, tảo, hải quỳ, các loại cá, sinh vật phù du…
Trong nghiên cứu này, du lịch biển được hiểu là một loại hình dịch vụ du lịch sinh thái liên quan đến chuyến đi của con người nhằm tận hưởng cảnh quan biển và đáp ứng nhu cầu giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng và tham quan du lịch ở biển.
2.1.2. Phát triển bền vững
Phát triển được xem là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội… Phát triển là xu hướng tự nhiên tất yếu của thế giới vật chất nói chung, của xã hội loài người nói riêng. Mặc dù có khá nhiều quan điểm khác nhau về phát triển bền vững, nhưng trong nghiên cứu này, phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển hài hòa về cả 3 mặt kinh tế - xã hội – môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của thế hệ trong tương lai.
2.1.3. Phát triển bền vững du lịch
Khái niệm phát triển du lịch bền vững xuất hiên vào khoảng những năm 90 của thế kỷ 20 trên cơ sở cải thiện và nâng cấp khái niệm “du lịch mềm” được nhiều quốc gia và các hiệp hội du lịch trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất và đầy đủ về “du lịch bền vững”. Dưới góc độ kinh tế, du lịch bền vững được hiểu là quá trình hoạt động du lịch mà ở đó có thể duy trì được mức độ tăng trưởng liên tục của các chỉ tiêu kinh tế trong một khoảng thời gian nhiều năm, hoặc trong một giai đoạn không nhất định (Viện nghiên cứu phát triển du lịch, 2001). Tuy nhiên quan niệm này chịu rất nhiều sự chỉ trích, phê phán của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về môi trường và tài nguyên.
Phát triển bền vững du lịch là một khái niệm bao trùm thể hiện sự phát triển của hoạt động du lịch trong một chặng đường, giai đoạn của quá trình phát triển. Sự phát triển này luôn đặt ra mục tiêu đảm bảo việc khai thác, sử dụng các nguồn lực địa phương có sự liên thông an toàn, việc phát triển của thế hệ hiện tại không làm phương hại đến các thể hệ tương lai. Đồng thời, đảm bảo cân đối giữa 3 mục tiêu: kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển du lịch.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Các số liệu và dữ liệu liên quan đến quá trình phân tích là những số liệu thứ cấp được thu thập chủ yếu từ báo cáo hoạt động kinh doanh ngành du lịch thành phố đảo Phú Quốc giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng nguồn dữ liệu thu thập trên các bài báo, tạp chí, trên các trang website và một số thông tin từ sách có liên quan.
2.2.2. Phương pháp điều tra thực địa
Đây là một phương pháp truyền thống và đặc trưng trong nghiên cứu sự phát triển của một điểm đến du lịch. Phương pháp này được xem là một phương pháp đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch tại Thành phố đảo Phú Quốc trong thời gian qua. Từ đó có những giải pháp hợp lý và khả thi.
2.2.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
Các dữ liệu sau khi được thu thập, điều tra, thống kê sẽ được tổng hợp để khái quát và xây dựng cơ sở lý luận về phát triển bền vững du lịch biển. Đồng thời phân tích thực trạng phát triển du lịch biển tại thành phố đảo Phú Quốc giai đoạn 2018-2020. Kết quả của việc phân tích các dữ liệu thứ cấp này còn có vai trò là những minh chứng cụ thể cho những đánh giá, nhận định chung về thực trạng phát triển du lịch biển tại thành phố đảo. Đây cũng chính là cơ sở để đưa ra những giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc trong thời gian tới.
2.2.4. Phương pháp chuyên gia
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả có tham khảo ý kiến của các chuyên gia về du lịch, các nhà điều hành du lịch ở thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để có những đánh giá và nhận xét và chính xác làm cơ sở cho nội dung nghiên cứu.
3. Thực trạng phát triển du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc
3.1. Tiềm năng du lịch biển Phú Quốc
Phú Quốc được mệnh đanh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Với địa hình khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi sông suối và đồi núi, độ cao thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Các dãy núi thấp dần ra phía biển hình thành các bãi biển, xen kẽ là những đồng bằng hẹp, những bãi cát trắng trải dài như bãi Trường, bãi Dài, bãi Dương Đông,... các chân núi nhô ra bờ biển tạo thành mũi Gành Dầu, mũi Trâu Nằm, mũi Đá Bạc,... Với địa hình đứt gãy, Phú Quốc có những khe suối, thác nước đẹp như suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên,... Tất cả tạo cho Phú Quốc có cảnh quan đa dạng và phong phú là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch biển.
Nằm lọt sâu trong vịnh Thái Lan, xung quanh được biển bao bọc, Phú Quốc có khí hậu mang tính chất gió mùa điển hình, nóng ẩm quanh năm, ít biến động thất thường. Do tác động của biển, thời tiết ở đây luôn mát mẻ. Mùa khô là mùa du lịch ở Phú Quốc, du khách đến với Phú Quốc vì mùa khô là thời điểm có thể tham gia nhiều hoạt động du lịch biển ngoài trời như: lướt sóng, thuyền buồm, lặn biển, tắm biển, tắm nắng, nhảy dù,... Hệ sinh thái của Phú Quốc khá đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu trong các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển trên đảo. Nơi đây có rất nhiều giống cây đặc chủng như: kiền kiền, ổi rừng, sơn huyết,...; các loại động vật quý như: cu li lợn, khỉ đuôi dài, sóc đỏ, trăn gấm, kỳ đà vằn, kỳ đà hoa, đồi mồi, chìa vôi vàng,... Cùng với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái dưới biển cũng giàu có về trữ lượng và thành phần loài.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc gồm khu phía Đông Bắc, Đông Nam đảo Phú Quốc và khu phía Nam quần đảo An Thới. Diện tích mặt nước của khu bảo tồn biển là 26.863,17 ha, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt 2.952,45 ha, vùng phục hồi sinh thái rộng 13.592,95 ha, vùng phát triển 10.317,77 ha (Bùi Thị Hải Yến và Phạm Hồng Long, 2011). Vùng thảm cỏ biển rộng lớn, phía Nam là quần đảo An Thới đây là khu vực có những rạn san hô lớn sinh sống, các rạn san hô ở đây là nơi cư trú và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá sống ở rạn, nơi đây có tới 152 loài cá thuộc 71 giống và 31 họ, trong đó các họ có giá trị kinh tế cao như cá mú 13 loài, cá mó 11 loài, cá dìa 8 loài, 7 loài cá hồng, 8 loài cá đổng. Tảo biển có 98 loài thuộc 51 giống. Động vật thân mềm có 132 loài thuộc ba giống của 35 họ thân mềm sinh sống trong rạn san hô, phổ biến nhất là ốc đụn, ngọc trai, trai tai tượng vảy. Da gai có 32 loài thuộc 23 giống của 15 họ da gai, trong đó hải sâm là phong phú nhất. Đặc biệt tại vùng biển này ghi nhận có sự xuất hiện của những loài nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng như: Dugong (Bò biển), Rùa biển, Cá heo,... (Bùi Thị Hải Yến và Phạm Hồng Long, 2011).
Ngoài hệ động vật, hệ thực vật ở đây rất phong phú hiện đảo có 9 loài cỏ biển sinh sống, phân bố ở phía Đông đảo và một ít ở Bắc và nam đảo với tổng diện tích 10.600 ha. Với sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật sống trong vùng thảm cỏ biển là điều kiện thuận lợi cho tổ chức các hoạt động du lịch biển như: tham quan, lặn biển ngắm san hô, thảm cỏ,...
Bên cạnh tiềm năng tự nhiên, về mặt xã hội, Phú Quốc còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá, truyền thống của cư dân nơi đây. Nhiều di tích lịch sử văn hoá và các kho tàng khảo cổ học dưới nước tiềm năng, ẩm thực, nghề truyền thống gắn bó với biển..và nhiều yếu tố liên quan đến đặc trưng văn hoá con người Phú Quốc. Tất cả tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn hấp dẫn và có chiều sâu phục vụ cho sự phát triển của du lịch biển Phú Quốc.
3.2. Thực trạng phát triển du lịch biển ở thành phố đảo Phú Quốc
3.2.1. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
Với những tiềm năng du lịch phong phú, thành phố đảo Phú Quốc đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, bao gồm mạng lưới giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước và thông tin liên lạc như: Dự án Grand World Phú Quốc, Dự án Sonasea Condotel Phú Quốc, Nhà máy tái chế và xử lý chất thải Phú Quốc...
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ở thành phố đảo Phú Quốc đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 8 năm 2019, Phú Quốc có 726 cơ sở lưu trú với 22.654 phòng. Trong đó có, 97 cơ sở được xếp hạng 1 sao, với 1.985 phòng; 49 cơ sở được xếp hạng 2 sao, với 1.754 phòng; 8 cơ sở được xếp hạng 3 sao, với 524 phòng; 9 cơ sở được xếp hạng 4 sao, với 1.218 phòng và 10 cơ sở được xếp hạng 5 sao với 6.861 phòng; còn lại là nhà nghỉ và các loại hình cơ sở lưu trú khác (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 2019).
Biểu đồ 1: Hiện trạng cơ sở lưu trú du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc
(Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 2019)
Cùng với sự phát triển về số lượng du khách, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển với tốc độ nhanh đạt 114,62% giai đoạn 2018 – 2020. Đây là kết quả của hoạt động đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế đều tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Mặc dù các cơ sở kinh doanh lưu trú nhiều, song số lượng các cơ sở lưu trú chủ yếu là có quy mô nhỏ, phần lớn từ 10 đến 55 phòng, số khách sạn có quy mô trên 150 phòng vẫn còn hạn chế. Điều đó đặt ra cho thành phố đảo Phú Quốc là cần ưu tiên phát triển các khách sạn cao cấp, đúng tiêu chuẩn quy định, hạn chế xây dựng các nhà nghỉ, nhà khách, nhà trọ có quy mô nhỏ.
Hệ thống các cơ sở ăn uống đa dạng, phong phú, hệ thống các nhà hàng, các quán ăn từ bình dân đến cao cấp với các món ăn đặc sản của miền biển tươi, ngon: tôm, cua, cá, ốc,... Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia, nghệ nhân trong lĩnh vực ăn uống còn rất ít nên chưa tạo được nhiều sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu riêng.
3.2.2. Nguồn nhân lực du lịch và sự tham gia của cộng đồng địa phương
* Nguồn nhân lực du lịch
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế du lịch, thành phố đảo đã quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch và đạt được một số thành tựu nhất định. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2020 nguồn nhân lực du lịch thành phố đảo đã có sự cải thiện về trình độ và kỹ năng. Theo số liệu của Sở du lịch Kiên Giang, số lượng lao động du lịch đã qua đào tạo tăng dần qua các năm từ sơ cấp đến sau đại học. Tỷ lệ lao động du lịch đã qua đào tạo tăng 7,23%. Trong đó, tốc độ tăng của nhóm lao động có trình độ Đại học và Cao đẳng khá cao tăng 10,5%. Số lượng các nhân viên chưa qua đào tạo mặc dù còn chiếm số lượng lớn nhưng tốc độ tăng lại có dấu hiệu chậm dần qua các năm.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, thì thành phố đảo Phú Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch ở Phú Quốc chỉ khoảng 11.000 người chưa đáp ứng tới một nửa nhu cầu của ngành du lịch (Nguyễn Danh Nam và Uông Thị Ngọc Lan, 2020). Trình độ học vấn của đội ngũ nhân lực du lịch còn thấp. Trong đó, trình độ sau đại học chỉ chiếm 0,2% và trình đô đại học đạt 8,1%; trình độ cao đẳng 12,3%; trình độ trung cấp 15,7%; trình độ khác đạt 14,6%. Tổng số lao động du lịch chưa qua đào tạo chiếm 65,2%. Đây chính là vấn đề không thuận lợi cho phát triển du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc vì nguồn nhân lực du lịch có trình độ và tay nghề về các kĩ năng, nghiệp vụ còn yếu và thiếu. Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về tuyển dụng, đặc biệt là trong sử dụng lao động địa phương. Lao động địa phương chưa đủ khả năng tiếp nhận công việc theo các yêu cầu về chuẩn nghiệp vụ, kĩ năng mà Tổng cục Du lịch đề ra. Trong khi đó, mức lương tối thiểu để trả cho một lao động địa phương là tương đối cao so với năng lực và trình độ thực tế của họ.
Biểu đồ 2: Hiện trạng nguồn nhân lực du lịch thành phố đảo Phú Quốc giai đoạn 2018 - 2020
(Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 2020)
* Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương
Hoạt động du lịch biển thành phố đảo phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm và đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, tỷ lệ lao động địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch rất cao và thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng/ tháng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1,29% vào năm 2015 xuống còn 0,34% vào năm 2020 (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Điều đó, chứng tỏ hoạt động du lịch biển phát triển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập cao cho lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động du lịch biển đã dẫn đến sự gia tăng của các vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, vấn đề về người nhập cư, vấn đề về giá cả sinh hoạt… Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động du lịch biển đã làm hàng hóa trở lên khan hiếm và tăng giá gây khó khăn cho đời sống người dân địa phương, nhất là mùa du lịch cao điểm. Theo số liệu khảo sát của Sở Du lịch Kiên Giang năm 2020, có 65,7% người dân địa phương đồng ý với nhận định này. Ý kiến của người dân về việc du lịch làm tăng tỷ lệ tội phạm cũng tương đối cao, với 81,2% số người đồng ý. Các hoạt động truyền thống như các phong tục, tập quán, lễ hội của địa phương đang có dấu hiệu bị mai một.
3.2.3. Hoạt động du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc
Trong những năm qua, hoạt động du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc có những chuyển biến tích cực, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2018, Phú Quốc đón trên 4 triệu lượt khách, tăng 35,75% so với năm 2017. Về doanh thu, Phú Quốc đạt trên 5.517 tỷ đồng (tăng 39,5%), tương ứng với 86,58% tổng thu nhập du lịch của Kiên Giang. Năm 2019 đạt 671.896 lượt khách tăng 22,7% và du khách nội địa năm 2019 đạt 7,3 triệu lượt khách tăng 132,8% /năm; tổng doanh thu du lịch đạt 18.595,7 tỷ đồng, đóng góp 11% GDP toàn tỉnh. Do lợi thế về cảnh quan biển đảo, kết hợp với các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng nên khách đến và nghỉ lại cao hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch khác (doanh thu tăng bình quân 143,0%/năm, cao hơn tốc độ tăng về lượng khách). Tuy nhiên đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Phú Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng về số lượt khách và doanh thu du lịch. Cụ thể, Phú Quốc chỉ đón được 2.259.559 lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch chỉ đạt 636,2 tỷ đồng (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 2020). Mặc dù, lượng khách và doanh thu du lịch giảm do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế du lịch thành phố đảo Phú Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang.
3.2.4. Hiện trạng môi trường du lịch
Theo thống kê sơ bộ năm 2020 của Chi cục Tài nguyên và môi trường Phú Quốc, hiện mỗi ngày trên thành phố đảo có khoảng 200 tấn rác được thải ra, trong khi đó năng lực thu gom của thành phố chỉ đạt trên 60%. Thực tế, Phú Quốc chưa có khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch mà chỉ có một nhà máy tái chế và xử lý chất thải đang được triển khai xây dựng. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu xử lý khối lượng chất thải khổng lồ của thành phố. Vì vậy, đa phần rác thải thu gom được phải xử lý bằng cách đốt hoặc đưa về tập trung tạm thời ở 2 bãi rác thuộc thị trấn An Thới và xã Cửa Cạn. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển của Phú Quốc. Tình trạng ô nhiễm nhất đang diễn ra tại bãi biển ấp Bãi Vòng, nằm trên địa bàn xã Hàm Ninh, nơi có bến tàu khách Phú Quốc - Rạch Giá. Bãi biển thứ hai đang bị ô nhiễm nặng là bãi biển Gành Dầu, đặc biệt là dọc theo bờ biển đoạn ngang qua ấp Chuồng Vít. Bãi biển Dinh Cậu, nơi hàng ngày có rất nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan, tắm biển cũng là một trong số bãi tắm trên đảo bị ô nhiễm rác thải. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới cảm nhận của du khách về môi trường của Phú Quốc và sự phát triển du lịch bền vững của thành phố đảo.
Ngoài ra, diện tích rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc đang bị suy giảm vì nạn chặt phá rừng khai thác gỗ quý hay lấn chiếm rừng để sử dụng vào các mục đích khác. Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc đang có dấu hiệu suy giảm về số lượng và chất lượng bởi hoạt động đánh bắt và khai thác phục vụ các hoạt động du lịch quá mức.
Như vậy, với sự phát triển nhanh chóng của lượng khách du lịch hàng năm, các hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mà trực tiếp là tác động đến hệ sinh thái tự nhiên các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng nước ven bờ bị thu hẹp,… đã làm cho môi trường biển đảo của địa phương đang có nguy cơ đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững.
Theo dự báo, đến năm 2030 du lịch Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và trên thế giới, lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch và các hoạt động sinh hoạt khác sẽ tăng lên đạt 718 tấn mỗi ngày. Do đó, nếu chính quyền thành phố đảo Phú Quốc không tìm hướng giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển du lịch Phú Quốc trong tương lai. Đồng thời làm mất đi hình ảnh hòn ngọc Phú Quốc đối với khách du lịch và vị thế du lịch Phú Quốc trên bản đồ du lịch thế giới.
4. Giải pháp phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc đến năm 2030
Trên cơ sở phân tích các tiềm năng phát triển du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc, thực trạng phát triển du lịch tại địa phương, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần phát triển bền vững du lịch thành phố đảo trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đặc trưng gắn với bản sắc văn hoá và đặc thù tự nhiên của Phú Quốc, đồng thời cần thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch để tạo sự đột phá và kéo các nhà đầu tư lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Xây dựng sản phẩm tuyên truyền và giới thiệu về du lịch biển Phú Quốc như ấn phẩm giới thiệu về các bãi biển, khu bảo tồn thiên nhiên biển, các chương trình du lịch... Đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đồng bộ. Đầu tư đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn có sức cạnh tranh cao. Đầu tư khai thác đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên biển, cải thiện môi trường du lịch nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài. Tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch biển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch biển tại thành phố đảo. Trong nội dung này, cần chú trọng quán triệt và phê duyệt các dự án đầu tư sản phẩm du lịch và điểm đến cần chú ý gắn với đặc trưng văn hoá, diện mạo tự nhiên và con người nơi đây, từ đó tạo sự riêng có và ấn tượng, bản sắc khác biệt của Phú Quốc so với chuỗi các điểm du lịch biển ở Việt Nam và Thế giới.
Thứ hai, thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Do tăng trưởng nóng trong một thời gian ngắn nên việc chuẩn bị nhân lực chuyên nghiệp, bài bản cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Phú Quốc còn nhiều chế và thiếu hụt. Do đó, du lịch Phú Quốc cần thiết phải có chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Để thực hiện được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư chuyên sâu nghề cho đội ngũ lao động bằng nhiều hình thức ở trong và ngoài nước; thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo du lịch. Bên cạnh đó, phải có chính sách thu hút nhân tài và nhân lực chất lượng cao, nghiệp vụ tốt từ các nơi về làm việc tại Phú Quốc. Chính sách nếu được tổ chức song hành như trên thì tính đảm bảo khả thi là cao.
Thứ ba, thực hiện khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển
Khai thác triệt để các giá trị tài nguyên du lịch biển là thế mạnh của thành phố đảo, từ đó thiết kế chương trình du lịch với các loại hình và thời gian khác nhau phục vụ cho mọi đối tượng khách du lịch, làm phong phú đa dạng các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh kinh tế đêm, phát triển làng nghề ven biển truyền thống. Phú Quốc tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển kinh tế đêm, tạo sản phẩm du lịch biển đặc thù, có sức cạnh tranh cao của Phú Quốc. Sản phẩm du lịch luôn phải gắn với đặc trưng của thiên nhiên, vùng đất, con người, văn hoá đặc trưng nơi đây. Từ đó tạo ra sự trải nghiệm khác biệt, sản phẩm hấp dẫn và thu hút khách du lịch và các cá nhân có đâm mê khám phá, trải nghiệm du lịch biển.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững
Tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các chương trình du lịch chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch biển với hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, du khách giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực như trồng cây gây rừng, nhặt rác trên bãi biển, phát túi nilon tự hủy,… Để thực hiện tốt việc phát triển du lịch xanh, bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc, cần chú trọng nâng cao sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong Tỉnh và địa phương để xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng bền vững.
Thứ năm, Xây dựng và hoàn thiện thể chế quản trị đối với mô hình thành phố đảo gắn với phát triển du lịch biển.
Việc hoàn thiện thể chế quản trị nói chung với mô hình thành phố đảo hướng đến phát triển dịch vụ, du lịch sẽ là một bước đi tiên phong. Với việc được thành lập thành phố đảo du lịch đầu tiên của Việt Nam, Phú Quốc đã trở thành một thể chế tiên phong trong việc phát triển định hình gắn chặt với sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ. Công tác thành lập và thí điểm thực hiện chưa có tiền lệ sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh, hoàn thiện, do đó cần có các bộ phận tinh nhuệ để tổ chức. Chú ý xây dựng thể chế quản trị minh bạch, cầu thị và có sự kiểm soát chăt chẽ. Thể chế này cần linh hoạt trong phạm vi có thể để vì mục tiêu lớn thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và thân thiện, an toàn với du khách. Lấy mục tiêu phát triển du lịch biển là then chốt và chiến lược dài lâu để định hình và xây dựng lộ trình thực hiện.
Thứ sáu, cần quán triệt nguyên tắc xuyên suốt trong chỉ đạo và quản lý, quy hoạch, triển khai mọi hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển dịch vụ du lịch phải căn cứ đáp ứng đồng thời 3 tiêu chí của phát triển bền vững.
Cần quán triệt trong các cấp chính quyền địa phương trong việc phê duyệt các dự án đầu tư du lịch tại Phú Quốc phải đáp ứng các yêu cầu đẩm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường gắn với các chỉ tiêu phát triển bền vững. Nguyên tắc trên cần đưa vào trong nghị quyết, quy định bắt buộc đối với mọi chủ thể, công khai minh bạch tới mọi cán bộ và người dân để đảm bảo sự phát triển dài lâu của Thành phố đảo. Từ nhận thức đến hành động, từ văn bản chính sách đến thực thi trên thực tiễn phải được thực hiện để vì sự phát triển lâu bài của nhiều thế hệ đối với thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
5. Kết luận
Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, nơi có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đặc biệt là du lịch biển góp phần đưa kinh tế thành phố đảo phát triển, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa với các tỉnh thành trong khu vực.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, những tiềm năng còn ẩn chứa cần được phát hiện để thúc đẩy du lịch Phú Quốc phát triển bền vững. Không ngừng nghiên cứu phát huy những mặt mạnh và kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, bởi vì hiện nay ngành du lịch của thành phố chưa thật sự hoàn thiện, còn nhiều điều khó khăn, thiếu sót bởi những mặt hạn chế về dịch vụ du lịch, trình độ hướng dẫn viên,... Do vậy, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Phú Quốc phát triển ngang tầm một thành phố đảo du lịch hiện đại, thực sự là “Điểm đến du lịch An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đòi hỏi ngành du lịch thành phố cần sáng tạo, đổi mới hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế.
Phát triển bền vững du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc sẽ góp phần ổn định kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, phân chia lợi ích công bằng, tạo sự bình đẳng xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội về văn hóa, truyền thống dân tộc, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải có những giải pháp khả thi và phù hợp. Kết quả phân tích thực trạng phát triển du lịch biển tại thành phố đảo Phú Quốc, nghiên cứu đã xác định được 4 giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch biển mà ngành du lịch Phú Quốc cần ưu tiên thực hiện, bao gồm tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển và cơ sở hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch; thực hiện khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển; đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững. Bên cạnh các giải pháp thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch thành phố đảo Phú Quốc trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bùi Thị Hải Yến & Phạm Hồng Long (2011), Tài nguyên du lịch, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN (1980), Chiến lược bảo tồn thế giới.
- Luật du lịch Việt Nam, 2017.
- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan (2020), Hoạch định chiến lược phát triển du lịch thành phố đảo Phú Quốc, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Số 15.
- Nguyễn Trịnh Ngọc Hiền (2009), Phát triển bền vững du lịch biển Nha Trang, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sở Du lịch Kiên Giang (2018), Kết quả hoạt động du lịch.
- Sở Du lịch Kiên Giang (2019), Kết quả hoạt động du lịch.
- Sở Du lịch Kiên Giang (2020), Kết quả hoạt động du lịch.
- UBND thành phố đảo Phú Quốc, Báo cáo tổng kết năm 2020.
- Ủy ban môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (1987), Báo cáo Brundtland.
- Viện nghiên cứu phát triển du lịch (2001), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.