Ảnh hưởng của địa dịch Covid 19 đến phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững huyện Hải Hậu
Mở đầu
Dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại TP. Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được coi là một đại dịch, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô[1]. Cũng như nhiều thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19.
Tháng 3/2020, Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã gửi Chính phủ có nêu các khó khăn trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thể do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đưa ra các kiến nghị, đề xuất về chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, đối với các HTX nông nghiệp, gần 70% thành viên không nhập được giống cá, giống cây từ Trung Quốc; giá bán nông sản, thực phẩm giảm 45% so với tháng 12/2019. Đáng chú ý, nhiều HTX, Liên hiệp HTX chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, giảm 40% kim ngạch xuất khẩu[2]. Đến tháng 9/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu như tất cả các HTX trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung, huyện Hải Hậu nói riêng đều gặp khó khăn. Các HTX nông nghiệp, trong đó có các HTX thuỷ sản cũng gặp vô vàn khó khăn khi hàng hoá nông sản không thể xuất bán. Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho những khó khăn trước đó của các HTX như: thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu nhân lực trẻ có trình độ; thiếu đất làm trụ sở, văn phòng; chưa chủ động trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trở nên khó khăn gấp bội. Với lí do này, bài viết sẽ khái quát lại những tác động của đại dịch covid-19 đến phát triển HTX nông nghiệp bền vững của huyện Hải Hậu trong thời gian vừa qua. Các số liệu của bài viết được lấy từ kết quả nghiên cứu “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định”.
1. Hợp tác xã, phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững
Theo Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA, 1995): “Hợp tác xã là một hiệp hội độc lập gồm các cá nhân tự nguyện cùng tập hợp lại để đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một hoạt động kinh doanh dựa trên vốn chủ sở hữu tập thể và quyền lực được thực thi một cách dân chủ”.
Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng: “Hợp tác xã là sự liên kết của những người đang gặp phải những khó khăn kinh tế giống nhau, tự nguyện liên kết nhau lại trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, sử dụng tài sản mà họ đã chuyển giao vào hợp tác xã phù hợp với các nhu cầu chung và giải quyết những khó khăn đó chủ yếu bằng sự tự chủ chịu trách nhiệm và bằng cách sử dụng các chức năng kinh doanh trong tổ chức hợp tác phục vụ cho lợi ích vật chất và tinh thần chung”.
Luật HTX năm 2012 (khoản 1, điều 3) định nghĩa: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.
Hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức kinh tế tự chủ do nông dân và những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình các xã viên và kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành-nghề khác; cải thiện đời sống xã viên; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Triệu Thị Ngọc Biển, 2018).
Hợp tác xã nông nghiệp bền vững là tổ chức kinh tế tự chủ do nông dân và những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình các xã viên và kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành - nghề khác; cải thiện đời sống xã viên; góp phần phát triển kinh tế -xã hội của đất nước mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển nhu cầu của phát triển trong tương lai và được xã hội chấp nhận.
Đặc điểm HTX nông nghiệp bền vững
Bền vững về kinh tế: HTX hướng đến chuỗi giá trị, hiệu quả đạt cao, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dung trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bền vững về xã hội: đảm bảo cho các thành viên HTX có đủ công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.
Bền vững về môi trường: mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh không phá hủy nguồn tài nguyên thiên nhiên và không gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển HTX nông nghiệp bền vững là sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội nảy sinh trong phát triển HTX nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
2. Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển Hợp tác xã nông nghiệp huyện Hải Hậu
Hải Hậu là huyện đồng bằng ven biển thuộc châu thổ sông Hồng, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nam Định, diện tích tự nhiên 23.000ha, dân số trên 26 vạn người, có 33km bờ biển và 32 xã, 3 thị trấn. Hải Hậu có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, đã chuyển đổi các vùng sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Với những điều kiện về tự nhiên và kinh tế xã hội, Hải Hậu sẽ là nền tảng để phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Từ sau khi Luật Hợp tác xã 2012 ra đời, mô hình phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển, thu hút nhiều xã viên tham gia, đồng thời nâng cao thu nhập của các nông hộ. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện, việc chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của các HTXNN diễn ra khá tốt, đã giải thể toàn bộ các HTX cũ, thành lập mới 38 HTX dịch vụ nông nghiệp, 15 HTX chuyên ngành (gồm: 3 HTX khai thác hải sản, 4 HTX nuôi trồng thuỷ sản, 3 HTX dược liệu, 3 HTX chăn nuôi, 2 HTX nông sản an toàn)
Sau khi thành lập, các HTX mở rộng được qui mô hoạt động sản xuất, dịch vụ và hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế hộ. Kết quả tự đánh giá phân loại HTX cho thấy có 24,5% số HTX hoạt động tốt; 22,4% số HTX hoạt động khá; 49% số HTX hoạt động trung bình, 4,1% số HTX hoạt động yếu.
Mặc dù tại tỉnh Nam Định nói chung, huyện Hải Hậu nói riêng chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, nhưng dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Hải Hậu. Đến tháng 8 năm 2020, toàn huyện Hải Hậu chỉ có duy nhất 1 HTX nông nghiệp mới được thành lập, con số khiêm tốn so với số lượng HTX được thành lập mới từ các năm 2016 đến năm 2019.
2.1. Ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến vật tư đầu vào sản xuất cho các HTXNN
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 03 năm 2020, trong thời gian giãn cách xã hội, các phương tiện vận tải dừng hoạt động khiến nguồn cung các sản phẩm đầu vào (giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, v.v.) phục vụ cho sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng và gián đoạn; Quy định giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của nhiều hợp tác xã, doanh số ước tính giảm so với cùng thời điểm những năm trước.
Các vật tư đầu vào đang phải nhập khẩu như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... sẽ có ảnh hưởng lớn từ nguồn cung nhập khẩu (do các nước đóng cửa biên giới, ngừng sản xuất, dịch vụ logistics ngừng hoạt động, v.v). Tuy nhiên, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể sản xuất hoàn toàn trong nước, nhưng trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng và làm biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, vật tư đầu vào đối với các HTXNN.
2.2. Ảnh hưởng về tiêu thụ sản phẩm và doanh thu của HTX
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid - 19, nhu cầu tiêu thụ nông sản, lương thực, thực phẩm của các chuỗi nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trường học... bị suy giảm; việc hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các vùng, các địa phương gây khó khăn cho tiêu thụ một số sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, doanh thu của các HTX nông nghiệp giảm mạnh, nhiều DN dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được do các đại lý và nhà phân phối các tỉnh tạm dừng hoạt động. Năm 2019, chỉ có 28/53 HTX nông nghiệp của huyện có doanh thu. Tổng doanh thu của 28 HTX là 25.911,2 triệu đồng, thu lãi 1.183 triệu đồng; bình quân lãi 42,3 triệu đồng/HTX/năm. Theo điều tra, khảo sát đề tài Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp bền vững ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhóm HTX thuộc lĩnh vực trồng trọt chuyên sản xuất rau củ quả, HTX chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản sản xuất nông nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, giá cả hạ, doanh thu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019., v.v. HTX Nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) được thành lập năm 2017, đến nay, có 7 thành viên nuôi các loại cá, tôm, cua nước mặn, lợ trên diện tích 12ha thuộc hai xã Hải Chính và Hải Lý. Trước khi có dịch Covid -19, HTX hoạt động với công suất chế biến từ một đến hai tấn/ngày, HTX đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Khi có dịch bệnh, doanh thu của HTX Hải Điền giảm 40%. Nguyên nhân là do HTX này bình thường đang cung ứng thực phẩm tươi sống trực tiếp cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện ở địa phương. Khi có dịch bệnh, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện đều đóng cửa, các sản phẩm của HTX bị ứ đọng, không bán được. Ngoài ra, các HTX sản xuất rau an toàn cũng bị ảnh hưởng tương tự như HTX Hải Điền.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Hậu, các HTX dịch vụ nông nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch covid -19 hơn so với các HTX sản xuất. Các dịch vụ của HTX đang phục vụ thành viên như: Tưới tiêu, BVSX, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống, cung ứng vật tư, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm, làm đất, dịch vụ thú y, tín dụng nội bộ, dịch vụ văn hóa, xã hội... vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên mức độ cung ứng dịch vụ có giảm nhẹ từ 2-3%. Tuy nhiên, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các HTX đã trở lại sản xuất kinh doanh như bình thường.
Các HTX nông nghiệp tham gia liên kết với các doanh nghiệp gần như ít bị ảnh hưởng doanh thu bởi dịch covid -19. Chuỗi liên kết giữa HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam (HTX Sơn Nam), xã Hải Trung (Hải Hậu) với Công ty NIPPON của Nhật Bản, chi nhánh tại Bắc Ninh, HTX cung ứng khoảng 2.000-2.500 con thỏ/tháng cho doanh nghiệp với mức giá 178 nghìn đồng /con; Chuỗi liên kết giữa HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc với Công ty TNHH Nam Dược, sản xuất dây thìa canh sấy khô, diện tích 12ha, có sự tham gia của 154 hộ nông dân; Chuỗi liên kết giữa HTX Dịch vụ Linh Phát ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu với Viện Di truyền Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua con giống về sản xuất tại xưởng của HTX, đồng thời xuất bán sản phẩm đã sấy khô cho Viện và Học viện… Chuỗi liên kết sản xuất giống lúa TBR225 giữa Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed với các hộ nông dân và HTX dịch vụ NN Đông Tiến - Hải Đông, quy mô diện tích 35 ha, sản lượng giống đạt 170 tấn. Năm 2020, diện tích lúa tăng 60 ha, công ty thu mua cao hơn giá thị trường 25%, với mức giá 9.100 đồng/kg thóc khô; Chuỗi liên kết sản xuất giống Dự Hương giữa Công ty CP Giống cây trồng Trung ương và Công ty CP Nông sản Tiến Vua với các hộ nông dân và HTX dịch vụ NN Kiên Trung - Hải Hưng, quy mô diện tích 15 ha, sản lượng giống đạt 70 tấn; Chuỗi liên kết sản xuất giống BT7 giữa Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân và HTX dịch vụ NN Toàn Thắng - Hải Toàn, quy mô 70ha, sản lượng giống đạt trên 200 tấn.
Đến tháng 8 năm 2020, sau hai năm triển khai đề án Chương trình OCOP, 62 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận của tỉnh Nam Định, có 40 sản phẩm của huyện Hải Hậu, trong đó các HTX nông nghiệp huyện Hải Hậu có 10 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.
Dịch bệnh Covid-19 làm hoạt động sản xuất có phần đình trệ. Vì hàng hóa sản suất ra bán chậm, lãnh đạo của các HTX nông nghiệp hiện tại chưa thể nghĩ đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP, hay tiếp tục hoàn thiện thêm các sản phẩm khác.
2.3. Ảnh hưởng đến việc làm, an sinh xã hội cho các thành viên HTX nông nghiệp
Do hạn chế nguyên liệu nhập về và hàng sản xuất ra không tiêu thụ được nên số lao động của các HTX nông nghiệp tại huyện Hải Hậu có bị ảnh hưởng. Tại HTX Hải Điền, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động lúc cao điểm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, hàng hóa sản xuất không bán được, nên người lao động phải nghỉ làm hoặc làm việc luân phiên. Các HTX cung cấp dịch vụ nông nghiệp, HTX chăn nuôi, HTX dược liệu ít bị ảnh hưởng về việc làm hơn so với các HTX chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nguyên nhân, các HTX có tham gia liên kết chuỗi với doanh nghiệp, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường và đảm bảo về an toàn, phòng dịch Covid -19.
3. Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp Hải Hậu
Để giúp các HTX nông nghiệp huyện Hải Hậu vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và phát triển bền vững. Một số giải pháp cần thực hiện:
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, UBND huyện Hải Hậu, chính quyền các xã tích cực tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và các nội dung phòng chống dịch Covid - 19, có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tập trung triển khai các chương trình, dự án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn đôn đốc các HTX tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời lập danh sách, hướng dẫn các HTX khai báo tình hình thiệt hại, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận gói an sinh xã hội 61.580 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động làm việc thường xuyên, có hợp đồng với HTX;
Khuyến khích các hợp tác xã liên kết tiêu thụ nông sản với các biện pháp an toàn, bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm, hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm cho người dân cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tăng cường hợp tác, liên kết cùng nhau, phát triển bán hàng qua mạng, qua các kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả sẵn có như gian hàng nông nghiệp, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho các thành viên hợp tác xã, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Kết luận
HTX nông nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn trong kinh tế thị trường, nay phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, khiến khó lại chồng lên khó. Đại dịch gây ảnh hưởng tâm lý tới thành viên HTX, người lao động, một số HTX tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng hóa tồn đọng nhiều, doanh thu giảm sút. Hiện tại, dịch bệnh Covid 19 cơ bản đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, đây chính là cơ hội để các HTX nông nghiệp huyện Hải Hậu khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế. Ngoài tự lực, các cấp, các ngành cần quan tâm hướng dẫn các hợp tác xã áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới nhất là thị trường nội địa. Giúp hợp tác xã thay đổi phương thức marketing và phương thức bán hàng bằng online, xã vượt qua khó khăn, duy trì được tốc độ tăng trưởng và ổn định đời sống việc làm của người lao động.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, UBND huyện Hải Hậu, số 235/BC- UBND, ngày 05/12/2019.
- Báo cáo: Sơ kết 2 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, UBND huyện Hải Hậu ngày 26 tháng 01 năm 2018.
- Báo cáo: Tổng kết 10 năm thực hiện CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2020-2025, của UBND huyện Hải Hậu, ngày 21/6/2019.
- Báo cáo: Về tác động của dịch bênh virut Covid -19 đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Liên minh HTX Việt Nam, ngày 16 tháng 3 năm 2020.
- Luật hợp tác xã, 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- https://thoibaokinhdoanh.vn/business-cooperative/buc-tranh-kinh-te-hop-tac-htx-trong-6-thang-dau-nam-2020-1070314.html.
- https://daklak.gov.vn/-/kinh-te-tap-the-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-trong-6-thang-au-nam-2020-va-cac-chinh-sach-ho-tro-cua-nha-nuoc.
- http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-de-hop-tac-xa-vuot-kho-trong-mua-dich-322097.html.