• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới do Covid -19 ở Việt Nam: Thích ứng và điều chỉnh chính sách

       Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 tạo ra sự xáo trộn sâu rộng trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội đến mức buộc các hoạt động xã hội và phát triển của các quốc gia phải điều chỉnh lại một cách cơ bản để ứng phó và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

      Dưới góc nhìn phát triển bền vững, đại dịch Covid-19 đang tác động một cách tiêu cực tới các mặt của phát triển. “Mạch” PTBV về kinh tế hiện đang tạm thời bị ngưng trệ, đứt đoạn ở quy mô toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia. Đại dịch Covid-19 đang không chỉ đang phá vỡ nhiều thành quả của những cố gắng, nỗ lực của các quốc gia trong PTBV về xã hội mà còn làm bộc lộ ra những lỗ hổng bị che lấp, ẩn dấu trong thực hiện các mục tiêu PTBV về xã hội. Ô nhiễm môi trường trong đại dịch Covid-19 tuy tạm thời lắng xuống do các hoạt động phát triển ngưng trệ, nhưng vẫn được cảnh báo là ẩn chứa những nguy cơ sẽ bộc phát sau khi đại dịch qua đi.

     Việt Nam cũng chịu tác động trực tiếp mạnh và lớn của đại dịch Covid-19 mặc dù thời gian qua đã khống chế nhanh và thành công sự lây lan của virus corona, có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Sự phát triển theo hướng bền vững, xanh ở nước ta vẫn tạm thời bị đứt đoạn, bị ảnh hưởng lớn trên cả 3 trụ cột của PTBV. Chính sách thích ứng với trạng thái bình thường mới ở nước ta dưới góc nhìn PTBV được khuyến nghị là cần được thiết kế và tổ chức thực hiện một cách phù hợp, khôn khéo, trong đó lấy phục hồi và phát triển kinh tế là trung tâm nhưng không lãng quên hoặc sao nhãng các mục tiêu PTBV về xã hội và môi trường.

     Từ khóa: Phát triển bền vững; Trạng thái bình thường mới; Covid-19; Chính sách

       

Đặt vấn đề

       Thế giới đang đối mặt với một thách thức mới, to lớn, đe dọa trực tiếp và sâu rộng tới tiến trình phát triển bền vững của mọi quốc gia có tên gọi là đại dịch Covid-19. Thách thức này chưa từng được dự báo trước mà nó xuất hiện một cách đột ngột làm cho cả thế giới sững sờ, cho đến nay vẫn còn đang lúng túng tìm cách đối phó. Đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ sự phát triển kinh tế - xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của con người và cộng đồng cả trên phạm vi mỗi quốc gia và cả trên phạm vi quốc tế, do vậy, tác động ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động cũng như tiến trình phát triển bền vững. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ phát triển, sau chưa đầy 1 năm bùng phát đại dịch Covid-19 (từ cuối năm 2019), tất cả các quốc gia trên thế giới đều thông báo mức tăng trưởng kinh tế giảm sâu, thậm chí là âm, theo đó thu nhập bị cắt giảm, số người nghèo gia tăng, tâm trạng bất an trong xã hội trở nên phổ biến.

       Đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ được khống chế, qua đi nhưng hiện tại và trong một số năm nữa các quốc gia vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phát triển theo hướng bền vững bởi những xáo trộn và hậu quả nặng nề mà nó để lại. Khi đó sự phát triển tiếp tục sẽ ở một trạng thái khác được gọi là “bình thường mới”.

      Cho đến nay, chưa thể lường hết cũng như dự báo đầy đủ các tác động trực tiếp và gián tiếp cùng các hệ quả do nó để lại nhưng điều chắc chắn là tiến trình phát triển bền vững ở các quốc gia đều tạm thời bị gián đoạn, xáo trộn, thậm chí ngưng trệ và phát triển bền vững hậu Covid-19 sẽ được tiếp tục ở trạng thái bình thường mới.

      Bài viết này bàn về phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới do dịch Covid-19 ở nước ta trên 2 nội dung: tác động của dịch Covid-19 tới phát triển bền vững; và một số gợi ý chính sách cho tiếp tục phát triển bền vững.

1. Đại dịch Covid-19 và trạng thái bình thường mới

       Sự xuất hiện của chủng virus mới có tên gọi Corona mới đây (được phát hiện vào cuối năm 2019) lây lan khắp toàn cầu khiến cho hàng triệu người nhiễm bệnh và chết được Tổ chức Y tế Thế giới công bố và đặt tên là Đại dịch Covid-19.

      Đại dịch Covid-19 tạo ra sự xáo trộn sâu rộng trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội đến mức buộc các hoạt động xã hội và phát triển của các quốc gia phải được điều chỉnh lại một cách cơ bản để ứng phó, trong đó bao gồm từ thu hẹp quy mô, tạm ngưng cho đến đóng băng các hoạt động giao tiếp và sản xuất, lưu thông.

     Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “Trạng thái bình thường mới” (the New Normal) là cụm từ dùng để chỉ trạng thái sau các biến cố với các tác động, hệ quả nặng nề như khủng hoảng kinh tế hay đại dịch bệnh. Cũng giống như cơ thể con người khi bị bạo bệnh, nền kinh tế và đời sống xã hội chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 phải căng mình trước sự tàn phá với tốc độ nhanh nhiều nguồn lực và năng lực chống chịu của không chỉ từng tế bào của nền kinh tế (doanh nghiệp, hộ gia đình) mà còn cả toàn nền kinh tế quốc gia, địa phương, thậm chí toàn cầu. Khi biến cố này (đại dịch Covid-19) qua đi chắc chắn sẽ để lại những di chứng hậu quả nặng nề mà phải mất nhiều năm mới khắc phục, hồi phục được hết để tiếp tục phát triển.

      Phát triển bền vững (PTBV), về bản chất, là sự hài hòa, sự công bằng giữa các thế hệ và nội bộ thế hệ trong phát triển cũng như hưởng thụ các thành quả của phát triển. Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tiếp tục phá vỡ sự hài hòa, sự công bằng ở mỗi quốc gia cũng như toàn cầu. Thậm chí, còn làm sâu sắc hơn cũng như làm bộc lộ rõ hơn một số bất công trong phát triển được che giấu hoặc làm lu mờ bởi sự hào nhoáng của các thành tựu phát triển.

     Dưới góc nhìn PTBV, đại dịch Covid-19 đang tác động một cách tiêu cực, trong một số lĩnh vực còn là rất tiêu cực, tới các mặt của phát triển theo hướng bền vững.

      Về kinh tế, tất cả các dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế (WB, IMF, ADB, …) đều cảnh báo sự suy giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay (2020), thậm chí cả những tháng đầu năm sau (2021) tùy thuộc vào vắc xin chống virus corona, kể cả các quốc gia có nền kinh tế rất mạnh như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc (Hình 1). Rất ít quốc gia có tăng trưởng dương trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Chuyên gia Warwick McKibbin của Viện Brooking ước tính thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu do đại dịch trong những năm tới là 35 nghìn tỷ USD.

Hình 1: Bức tranh kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2020

                                                                          Nguồn: Vnexpress

       Các gói cứu trợ lớn được các quốc gia tung ra nhằm trợ giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế nhưng dường như không thấm vào đâu so với sự ngưng trệ và đóng băng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong xã hội. Nước Đức đã phân bổ ít nhất 350 tỉ euro (khoảng 10% GDP) cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó, còn Nhật Bản đã tung ra gói ứng cứu khổng lồ gần 1.000 tỉ USD (khoảng 20% GDP) nhưng vẫn không chặn được nhiều đà suy giảm của nền kinh tế cũng như sự phá sản của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, các gói cứu trợ này chỉ là biện pháp “hà hơi thổi ngạt”, mang tính chất tình thế, tạm thời với nguy cơ được dự báo là sẽ còn có làn sóng dịch virus corona biến thể xuất hiện tiếp theo nếu như không được kiểm soát tốt. Nhiều nhà kinh tế và chính trị gia cũng cảnh báo rằng, vắc xin chống virus corona không phải cây đũa thần cứu nền kinh tế bởi nhiều lý do (y tế, kinh tế, xã hội, …), trong đó, đối với các nước nghèo thì giá vaccine được dự tính khoảng 20 - 50 USD cho một liều[1] là cản trở lớn. Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ không kỳ vọng vắc xin chống virus corona được cung ứng rộng rãi cho đến giữa năm sau (2021).

       Như vậy, rõ ràng là, “mạch” PTBV về kinh tế hiện đang tạm thời bị ngưng trệ, đứt đoạn ở quy mô toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia ít ra cũng nhiều tháng nữa.

      Về xã hội, suy giảm, ngưng trệ, đóng băng kinh tế kéo theo suy giảm, ngưng trệ, đóng băng công ăn, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Thậm chí còn làm bộc lộ những bất bình đẳng, bất công trong lĩnh vực việc làm và thu nhập. Đói nghèo theo đó cũng tăng lên. Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Guy Ryder, nói rằng, “đại dịch Covid-19 đã vạch trần một cách không thương tiếc những vấn đề tồn tại và bất công nghiêm trọng trong thế giới việc làm của chúng ta”[2].

      Số người nhiễm virus corona trên toàn cầu và mỗi quốc gia vẫn đang tăng lên từng ngày. Tính đến cuối tháng 9/2020, con số này đã vượt mốc trên 33 triệu người nhiễm, hơn 1 triệu người chết và vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Một con số ước tính chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới[3]. Trong đại dịch Covid-19, sinh kế của người lao động và thu nhập gia đình họ bị ảnh hưởng theo một hệ số nhân khủng khiếp, nhất là đối với người lao động ở khu vực không chính thức - nơi 60% người lao động đang mưu sinh trong nền kinh tế toàn cầu - là khu vực mà hiện đang bị tổn thương nghiêm trọng nhất, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo, kém phát triển. Đại dịch Covid-19 đang tác động không chỉ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động trong các ngành sử dụng nhiều lao động, lao động gia đình, thậm chí lao động tự do kiếm sống qua ngày, mà còn dẫn đến nguy cơ một bộ phận người dân sẽ bị bần cùng hóa và một bộ phận trẻ em bị tước đi cơ hội phát triển. Nhiều nhà quản lý và chính trị gia đã phải thốt lên rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo nên thảm họa xã hội trên quy mô toàn cầu thay vì chỉ diễn ra ở đơn lẻ và âm thầm trước đó. Một phần đáng kể trong các gói cứu trợ của nhiều quốc gia là dành cho người lao động ở khu vực này. Đại dịch Covid-19 cũng làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém trong hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia giàu có. Sự yếu kém trong hệ thống này trước đây những tưởng là trơn tru, hoàn hảo đã không chỉ làm cho gói cứu trợ này chậm đến với đối tượng cứu trợ mà thậm chí còn làm cho họ trở nên khốn khó hơn bởi cả sự thất vọng vì trông đợi không được đáp ứng kịp thời và cả tệ nạn quan liêu, tham nhũng trong thực hiện gói cứu trợ. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng vì thế mà tăng lên, thậm chí còn phá vỡ những thành quả xóa đói, giảm nghèo đã đạt được trước đó. Các chuyên gia phát triển đã cảnh báo rằng, xét trên góc độ y học, virus corona không phân biệt nạn nhân của nó là ai, nhưng trên góc độ tác động xã hội thì lại phân biệt đối xử một cách tàn nhẫn với những người nghèo nhất và những người yếu thế trong xã hội.

      Đã có những lo ngại rằng đại dịch Covid-19 không chỉ khiến giới trẻ bị mất việc làm trong thời điểm hiện tại, mà còn gây ra ảnh hưởng lâu dài về sau, tạo ra một “thế hệ cách ly” bị kém phát triển kỹ năng hơn so với trước đây[4]. Tác động của đại dịch Covid-19, theo các chuyên gia của ILO, còn bao gồm cả ảnh hưởng tiêu cực lớn tới sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi nếu đại dịch kéo dài.

      Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã làm đứt đoạn việc học tập, kết nối trực tiếp giữa học trò với nhau và với thầy cô giáo, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh nhỏ tuổi rất cần giao tiếp xã hội, cộng đồng để tiếp nhận kiến thức, thói quen, lối sống xã hội hiện đại. Một bộ phận trẻ em ở những nơi khó khăn, không hoặc ít có điều kiện tiếp cận internet lại càng khó khăn hơn, hầu như bị tước đoạt một cách đột ngột cơ hội giáo dục theo hình thức trực tuyến để thay thế. Các nhà tâm lý giáo dục còn cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh trầm cảm, tự ti ở lứa tuổi học sinh như là hệ quả của sự bí bách phải ở nhà một cách cưỡng bức. Cũng còn có cả những cảnh báo về sự gia tăng bạo lực gia đình, về tình trạng ly hôn xuất phát từ tình trạng cách ly, giãn cách xã hội do Covid-19.

      Có thể nói, đại dịch Covid-19 đang không chỉ đang phá vỡ nhiều thành quả của những cố gắng, nỗ lực của các quốc gia trong PTBV về xã hội mà còn làm bộc lộ ra những lỗ hổng bị che lấp, ẩn dấu trong thực hiện các mục tiêu PTBV về xã hội.

      Về môi trường, đại dịch Covid-19 dường như tạo quãng ngưng nghỉ cho những tác động tiêu cực tới môi trường do các hoạt động phát triển tạm ngưng trệ, trầm lắng: chất lượng không khí tốt hơn, lượng khí thải carbon và ô nhiễm do sản xuất giảm. Đó là minh chứng rõ ràng và chắc chắn để bác bỏ những hoài nghi lâu nay cho rằng hoạt động phát triển của con người không phải là tác nhân chính của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, các nhà khoa học môi trường cũng đã cảnh báo về lượng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh chóng từ tiêu dùng ở nhà và rác thải y tế thường chỉ được sử dụng 1 lần, được tích tụ nhiều tháng mà không được tái chế cũng như về nguy cơ rằng, khi đại dịch qua đi các nhà quản lý dễ sa vào những toan tính phục hồi nền kinh tế với sự coi nhẹ hoặc bỏ qua, thậm chí phớt lờ những gì đã cam kết về phát triển xanh, bảo vệ môi trường, nhất là liên quan tới sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhà khoa học Francois Gemenne, thành viên của Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu, sau khi nhắc lại bài học kinh nghiệm khí thải lại tăng vọt lên ngay sau khi khủng hoảng tài chính 2008 qua đi đã lưu ý về một số biểu hiện rằng, chính quyền các nước có thể mưu tính tiến hành các kế hoạch cứu nguy nền công nghiệp năng lượng hóa thạch, hơn là đầu tư cho một Thỏa ước xanh mới, như Canada đang muốn phục hồi nền công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, Trung Quốc dự kiến xây dựng thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện than mới, còn Czech và Ba Lan đã yêu cầu từ bỏ Thỏa ước xanh mới, kế hoạch lớn của Ủy ban châu Âu[5].

2. Những vấn đề phát triển bền vững trong ứng phó dịch Covid-19 ở nước ta

      Là một nước hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã khống chế nhanh và thành công sự lây lan của virus corona, có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, tuy vậy, như hình ảnh ví von của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Quốc hội ngày 13/6/2020, "chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa", sự phát triển theo hướng bền vững, xanh ở nước ta vẫn tạm thời bị đứt đoạn, bị ảnh hưởng lớn trên cả 3 trụ cột của PTBV người không phải l. Kết luận của Bộ Chính trị số 77-KL/TW ngày 29/5/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đã nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...”.

     Đã có những nghiên cứu được công bố về tác động của đại dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực phát triển của Việt Nam[6] mà điểm chung trong đánh giá là không hề nhẹ trên tất cả các lĩnh vực của PTBV.

     Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9/2020 cho thấy, chúng ta đã phải tính đến khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ ở trong khoảng 1,69 - 2,12% cho năm 2020, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8% được Quốc hội đề ra. Dự báo của một số tổ chức quốc tế (ADB, WB, …) cũng tương tự. Đằng sau con số suy giảm lớn mức tăng trưởng kinh tế này là sự suy giảm của các nhân tố tạo nên nó. Đó trước hết là sự suy giảm của các tế bào kinh tế là các doanh nghiệp. Sự suy giảm này (các tế bào kinh tế) bao gồm cả về số lượng và cả về chất lượng (năng lực, tiềm tăng, sức sáng tạo, đổi mới, …). Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã nêu trên, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có tới 103.424 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, cao hơn nhiều so với 88.651 doanh nghiệp thành lập mới. Theo báo cáo khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện, 20% doanh nghiệp cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, có 54% cho biết có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí và chỉ có 7% cho biết dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Hiện tại, với diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19, Tổng cục Thống kê đang tiến hành cuộc Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lần 2, dự kiến cuối tháng 9/2020 sẽ công bố kết quả. Khi đó tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp nước ta sẽ được cập nhật hơn. Tuy vậy, với những dự báo gần như khớp nhau của các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế về mức tăng trưởng dương nhưng khiêm tốn của năm 2020 (dao động xung quanh con số 2%) thì có thể chắc chắn 1 điều là các cỗ máy chính tạo ra tăng trưởng kinh tế của nước ta (các doanh nghiệp) trong một số tháng còn lại của năm 2020 và đầu năm 2021, thậm chí nửa đầu năm 2021, sẽ phục hồi (nếu đại dịch được khống chế tốt) nhưng chậm vì nền kinh tế nước ta hội nhập khá sâu rộng với nền kinh tế thế giới với sự đứt gẫy trong các chuỗi cung ứng quốc tế cần có nhiều thời gian để khắc phục. Cũng có những doanh nghiệp, nhưng không nhiều, chủ động được nguồn cung và thị trường có khả năng hồi phục nhanh hơn, như các mặt hàng nông lâm thủy sản. Sự suy giảm đáng kể thu nhập do Covid-19 làm cho sức tiêu dùng trong xã hội giảm theo, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn do tâm lý bất an về diễn biến dịch bệnh. Diễn biến giá vàng được coi là 1 chỉ báo về tâm lý xã hội trước những diễn biến kinh tế - xã hội. Hình 2 cho thấy diến biến giá vàng nước ta trong 8 tháng đầu năm 2020 với xu thê tăng liên tục, thậm chí lập đỉnh cao kỷ lực mọi thời đại (vượt mốc 60 triệu đ/lượng vào đầu tháng 8/2020). Tất nhiên giá vàng chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng sự tăng nhanh và liên tục của giá vàng năm 2020 ở nước ta chịu tác động có tính quy luật là sự suy giảm mức lãi suất trong nền kinh tế kéo theo sự gia tăng giá trị của vàng như là phương tiện cất giữ. Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm sâu nhu cầu về vốn trong nền kinh tế và do vậy vừa qua (tháng 5/2020) Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu giảm mạnh lãi suất tiền gửi và cho vay (theo Quyết định số 918/QĐ-NHNN ngày 12-5-2020).

      Như vậy, cung, cầu và khả năng thanh toán của nền kinh tế đều giảm rõ rệt và sự phá sản, đình trệ của nhiều doanh nghiệp làm cho nguồn thu quốc gia cũng giảm mạnh trong khi Chính phủ phải chi nhiều hơn (hàng trăm nghìn tỷ đồng) cho các gói cứu trợ vì Covid-19ảm rõ rệt p kỷ lục nối tiếp nhauhưng chậm vì nền kinh tế nước ta. Theo số liệu của Bộ Tài chính thì năm 2020 dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỉ đồng so với dự toán được giao. Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ)[7].

Hình 2: Diễn biến giá vàng nước ta trong 8 tháng đầu năm 2020

Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/chuyen-de/viet-lai-lich-su-gia-vang-3336493/

       Từ góc độ bền vững về xã hội, đại dịch Covid-19 cũng đã và đang làm tổn thương nghiêm trọng tới người lao động, nhất là bộ phận lao động yếu thế, dễ bị tổn thương trước những biến động lớn như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch. Xét từ giác độ lao động thì ở nước ta bộ phận lao động yếu thế, dễ bị tổn thương chiếm đa số, bởi lẽ, họ là những người lao động trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 90% số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Với một bộ phận đáng kể của nền kinh tế nước ta thường được gọi là “kinh tế vỉa hè” (sinh kế bám các đường phố) thì người lao động tự do ở đây bị tổn thương nhiều nhất, lớn nhất do mất đi các cơ hội sinh kế vì Covid-19. Thậm chí lệnh cấm đi lại còn làm cho không ít người trong số họ là người từ nơi khác đến bị mắc kẹt lại trong hoàn cảnh rất khó khăn không chỉ về kinh tế mà còn cả điều kiện sống cũng như tình cảm gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2020 với 2 đợt bùng phát Covid-19 cả nước ghi nhận 31 triệu người mất việc, giãn việc, giãn thu nhập - một con số rất lớn so với tổng số 55 triệu việc làm. Báo cáo nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 8 tháng đầu của năm 2020 có tới gần một nửa số doanh nghiệp (47%) phải cắt giảm lao động, trong đó có tới 1/3 doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động[1]. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo có thể 548.000 lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả. Mất/giãn việc, không có/giảm đáng kể thu nhập đang là mối lo ngại của khá nhiều gia đình cũng như của Đảng và Nhà nước ta trong ứng phó với dịch Covid-19. Covid-19 ở nước ta tuy chưa có con số thống kê hoặc nghiên cứu được công bố, nhưng chắc chắn cũng có những tác động đáng kể tới tâm lý xã hội cũng như mỗi gia đình, cá nhân do sinh hoạt xã hội, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn, dẫn tới tâm trạng bức xúc bị kìm nén không/ít được giải tỏa. Nỗi sợ dịch bệnh, áp lực tài chính, gánh nặng việc nhà và thiếu hụt không gian riêng tư trở thành "ngòi nổ" cho các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Chính phủ nhiều quốc gia ở châu Á, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, v.v. đã phải chú ý và có những giải pháp để giải tỏa tâm lý, tâm trạng bức xúc, bất an trong xã hội có xu hướng gia tăng trong đại dịch Covid-19.

       Ở một lĩnh vực khác của PTBV là môi trường, thì trong ứng phó với dịch Covid-19 dường như sự quan tâm, lo lắng dồn cả về lĩnh vực kinh tế và xã hội, còn môi trường thì dường như được cải thiện do các hoạt động kinh tế và xã hội tạm thời bị đình trệ, giảm bớt. Tuy vậy, bức tranh môi trường nước ta thực tế cũng vẫn có những mảng xám, tối. Trong thời gian chống dịch Covid-19 ở nước ta (từ đầu năm 2020 đến nay), bên cạnh những thông tin về sự cải thiện chất lượng môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn liên tiếp đưa tin về các vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong sáu tháng đầu năm 2020 đã phải xử lý hơn 1.000 vụ việc ô nhiễm môi trường[2]. Đó là chưa kể các vụ việc xảy ra thuộc trách nhiệm quản lý cấp địa phương. Nhiều vụ việc trong số đó đã lợi dụng sự tập trung chú ý của các cơ quan chức năng và của xã hội vào các hoạt động chống dịch Covid-19. Chất thải sinh hoạt và chất thải y tế thông thường cần được xử lý có lẽ là vấn đề lớn nhất trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội. Chưa có con số thống kê cụ thể về lượng chất thải sinh hoạt và y tế trong thời gian ứng phó với dịch Covid-19 ở nước ta nhưng có thể thấy là tăng lên. Lý do là trong thời gian này tiêu dùng gia đình có thể không thay đổi nhiều so với trước dịch Covid-19 nhưng phương thức thực hiện thay đổi cơ bản là chuyển sang đặt mua trực tuyến (online) với sự gia tăng đáng kể bao bì, nhất là bao bì nhựa và nilon; còn chất thải y tế thông thường gia tăng lớn bởi các trang thiết bị bảo hộ chống dịch và lượng bệnh nhân tăng đột biến.

       Một vấn đề khác về môi trường và PTBV cũng cần được chú ý là ngay cả khi đã khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 thì điều đáng lo, như các nhà khoa học quốc tế đã cảnh báo nêu ở trên, là về nguy cơ khi đại dịch qua đi các nhà quản lý dễ sa vào những toan tính sớm phục hồi nền kinh tế với sự coi nhẹ hoặc bỏ qua, thậm chí phớt lờ những gì đã cam kết về môi trường. Sự nôn nóng sớm cứu nguy và phục hồi nền kinh tế sau khi kiềm chế đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến những quyết định phát triển với sự trở lại của tư duy “kinh tế trước, môi trường sau”. Khác với nhiều nước khác, ở nước ta vẫn còn tồn tại tình trạng cần được sớm khắc phục là kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng các thành phần môi trường lại kém đi hoặc được cải thiện không tương xứng. Nếu không được chú ý đúng mức rất có thể tư duy “kinh tế trước, môi trường sau” trở lại và càng làm cho khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta doãng xa hơn.

      Có thể nói, sau gần 1 năm đối phó với dịch Covid-19 tình trạng phát triển của đất nước đã có những biến đổi, thay đổi theo hướng xấu đi (tạm thời) trên hầu hết tất cả các khía cạnh, các mặt của PTBV, đặc biệt là về kinh tế. Những “vết thương” do Covid-19 để lại vẫn sẽ còn hằn sâu trên cơ thể đất nước, mỗi gia đình mà thời gian để lành lại phải tính bằng năm. Ngay cả với vắc xin chống virus corona - cách duy nhất để chiến thắng loại virus này trên phạm vi toàn cầu - cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo là chỉ có thể sản xuất đại trà và thương mại hóa sớm nhất vào giữa năm sau (2021), còn với giá 1 liều vắc xin này ước tính vào khoảng 20 - 50 USD thì đối với các nước thuộc nhóm nước nghèo và thu nhập trung bình thấp thì sẽ rất khó khăn trong tiếp cận vắc xin này. Cho đến thời điểm hiện tại (tháng 9/2020), theo Tổ chức phi chính phủ Oxfam, nhóm các quốc gia giàu có đại diện 13% dân số toàn cầu đã đặt mua hơn một nửa số liều vắc xin Covid-19 được hứa hẹn trong tương lai[3]. Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đã nhiều lần lên tiếng về phân phối công bằng vắc xin này cho mọi quốc gia và người dân. Nước ta có dân số gần 100 triệu người cũng cần tính tới thực tế này để dự liệu cuộc chiến với Covid-19 không thể kết thúc sớm và việc hàn gắn những “vết thương” không nhỏ sau cuộc chiến cam go này đòi hỏi cả thời gian và sức lực đáng kể để thực hiện các mục tiêu PTBV cho giai đoạn 2016 - 2030 đã đề ra và cam kết thực hiện.

      Như vậy, bức tranh phát triển theo hướng bền vững ở nước ta sau khi dịch Covid-19 qua đi sẽ khác nhiều so với trước khi có dịch, trên tất cả các lĩnh vực của PTBV với những hệ quả tiêu cực nặng nề, nhất là về kinh tế và xã hội. Thực tế phát triển ấy, theo cách gọi quốc tế, là trạng thái bình thường mới mà tất cả các quốc gia đều phải tính đến, đối mặt để điều chỉnh chính sách phát triển thích ứng, thậm chí còn phải tính đến chính sách riêng cho giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau những tổn thương nặng nề mới có thể tiếp tục lộ trình PTBV đã vạch ra trước đây. Trạng thái bình thường mới này chứa đựng không chỉ ít đi những cân đối, hài hòa trong phát triển theo hướng bền vững có được sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực ở mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu mà còn tạo ta những mất cân đối mới, thách thức mới cho PTBV.

     Thế giới ngày nay đã trở nên “phẳng” hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển cũng lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Việt Nam đã có thành công bước đầu trong ứng phó với dịch Covid-19 nhưng chiến thắng cuối cùng lại phụ thuộc vào thành công của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Chính sách thích ứng với trạng thái bình thường mới trong phát triển theo hướng bền vững ở nước ta sẽ có 2 yêu cầu: một là, khôi phục năng lực cho PTBV; và hai là, tăng cường tính bền vững trong phát triển.

3. Một số gợi ý chính sách thích ứng với trạng thái bình thường mới trong phát triển theo hướng bền vững ở Việt Nam

     Đầu tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước và Chính phủ đã có Đề án về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, trong đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp dựa trên nhận định, đánh giá tình hình và triển vọng chống đại dịch Covid-19 (Hộp 1).

Hộp 1: Nhận định về tình hình và triển vọng chống đại dịch Covid-19

 “Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Tình hình đó, đòi hỏi chúng ta vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”.

Nguồn: Kết luận của Bộ Chính trị số 77-KL/TW về Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

      Dưới đây nêu một số gợi ý về chính sách thích ứng với trạng thái bình thường mới ở nước ta dưới góc nhìn PTBV.

     (i) Về tăng trưởng và mô hình tăng trưởng kinh tế, với những hệ quả khá nặng nề về kinh tế mà dịch Covid-19 để lại thì, cũng giống như sau cơn bão lớn, cần nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh và phát triển. Các định hướng, giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế đã được Chính phủ xác định tại Đề án nói trên. Mặc dù, cho đến nay Chính phủ chưa quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội nhưng đã điều hành theo hướng “cho phép không căn cứ vào các chỉ tiêu này mà dựa trên tình hình thực tiễn trước những tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch và nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức…, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KTXH năm 2020”. Với dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức tăng trưởng kinh tế (GDP) nước ta cả năm 2020 như đã nêu ở trên (đạt khoảng 2%) thì hy vọng của Bộ này vào sự phục hồi ngay trong năm sau (2021) với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,7%[4] có lẽ gây không ít nghi ngại. Sự nghi ngại này có lý do cả từ 2 phía: trong nước và quốc tế. Về trong nước, các tác nhân tạo nên tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp thì đa số hiện đang ở trong tình trạng ốm yếu khá nặng như đã nói ở trên. Mặc dù Chính phủ có những chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế cùng với các gói cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp đối với doanh nghiệp nhưng với nguồn ngân sách và dự trữ hạn hẹp, thậm chí bội chi ngân sách còn tăng lên trong khi nguồn thu ngân sách giảm, thì chắc chắn với hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang cần cứu trợ thì chỉ có thể cải thiện phần nào tình trạng ốm yếu đó mà thôi. Luồng chuyển dịch FDI từ một số nước sang Việt Nam đang được hy vọng tạo làn sóng kích thích mạnh mẽ nhưng có lẽ mới chỉ là hy vọng còn thực tế thì nếu có sự chuyển dịch đó thì sẽ phải cần thời gian tính bằng năm mới đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Đó là với điều kiện nền kinh tế tạo đủ điều kiện cần và đủ cho sự tiếp nhận FDI, như nhân lực, cơ sở hạ tầng. Còn về quốc tế, sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới làm cho kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục và phát triển của các nền kinh tế bên ngoài. Các dự báo quốc tế cho thấy không nhiều triển vọng tươi sáng của các nền kinh tế mà Việt Nam có nhiều quan hệ vì đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế của họ đến mức, trong năm 2020, tăng trưởng âm khá cao (âm 7-8%) (Hình 1). Chính sách kích cầu nội địa cũng có giới hạn, bởi lẽ, lượng cầu nội địa của nước ta với hơn 90 triệu dân vẫn là nhỏ bé so với tổng lượng cầu trước khi có dịch Covid-19 (bao gồm thị trường bên ngoài). Một mức tăng trưởng sau đại dịch phù hợp với thực tế và cho PTBV là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng.

      Thêm vào đó, hiện nay, thế giới đang bàn tới một kịch bản hồi phục và tăng trưởng kinh tế theo kiểu chữ K mà không phải chữ V (kịch bản phục hồi lạc quan nhất), U (kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan) hay W (kịch bản phục hồi hai lần) như sau các đợt đại suy thoái trước đây. Kịch bản hay mô hình chữ K thể hiện sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế phân hóa thành 2 nhóm: nhóm tăng trưởng trong khi phần còn lại sẽ giảm. Có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ về kịch bản/mô hình tăng trưởng kinh tế chữ K này để có chính sách cứu trợ hay hỗ trợ phù hợp, bởi 2 lý do: một là, nguồn lực nhà nước cho cứu trợ hay hỗ trợ rất hạn chế sau một thời gian dài căng mình chống dịch; và hai là, số lượng doanh nghiệp cần cứu trợ hay hỗ trợ là khá lớn (hàng trăm nghìn doanh nghiệp). Tất nhiên, mô hình này (chữ K) chỉ nên trong ngắn hạn và ở thời gian đầu phục hồi để tạo đà và kích thích tăng trưởng cũng như cố gắng sao cho nét hướng lên trong chữ K dài hơn nét hướng xuống càng nhiều càng tốt. Trong dài hạn vẫn phải hướng tới mô hình chữ V. Nhìn từ giác độ tích cực thì dịch Covid-19 là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, theo đó, bản thân mỗi doanh nghiệp phải đổi mới, tự thích ứng và các gói cứu trợ, hỗ trợ của nhà nước cũng chủ yếu nhằm vào những đối tượng (doanh nghiệp, lĩnh vực, khu vực) theo đề án tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ.

      (ii) Về xã hội, cùng với hồi phục và tăng trưởng kinh tế thì vấn đề xã hội lớn nhất, chính yếu nhất trong PTBV là con người, bởi vì trong PTBV con người là trung tâm, là mục tiêu trực tiếp tối thượng mà dịch Covid-19 lại tác động ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện tới con người. Chính sách phát triển trong tình trạng bình thường mới cũng phải là chính sách hướng vào con người, trước hết là việc làm và sinh kế.

       Việc làm và gắn với đó là sinh kế là phương thức tồn tại của mỗi người dân và gia đình họ. Dịch Covid-19 đã làm mất đi, thậm chí tước đoạt mất các cơ hội sinh kế của rất nhiều người vì sự ngưng trệ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế sẽ kéo theo sự hồi phục và phát triển của việc làm. Tuy vậy, sự hồi phục và phát triển này (kinh tế, việc làm) không có nghĩa là trở lại trạng thái như trước dịch mà có sự thay đổi lớn. Sự thay đổi này bắt nguồn từ tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh kéo theo tái cấu trúc việc làm trong nền kinh tế, nhất là từ đón chờ làn sóng chuyển dịch của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sau dịch Covid-19 được dự báo là nhanh và lớn cũng như ứng dụng sâu rộng công nghệ mới, bao gồm công nghệ thông tin (IT). Do vậy, yêu cầu về lao động cũng thay đổi lớn, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo kỹ năng và trang bị kiến thức phù hợp. Sự thiếu hụt nguồn lao động được đào tạo thích hợp ở nước ta đang được cảnh báo là lớn cả về số lượng và chất lượng, là 1 trong 3 điểm nghẽn[5] trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2019, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Thực trạng này cũng có nghĩa là, nếu không được nhanh chóng cải thiện thì sẽ có một bộ phận lớn lao động nước ta sẽ khó/không tìm kiếm được việc làm có thu nhập tương xứng với mức độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước. Nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao không đồng nghĩa với mọi người dân đều có mức thu nhập trung bình cao. PTBV hướng tới cả mục tiêu làm sao mọi người dân đều có mức thu nhập tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau. Với chất lượng nguồn nhân lực nước ta như vậy trong tình trạng bình thường mới đòi hỏi bên cạnh các gói cứu trợ/hỗ trợ kinh tế cũng cần tính tới có các gói cứu trợ/hỗ trợ đào tạo nghề ngay sau dịch Covid-19. Chỉ cứu trợ/hỗ trợ kinh tế doanh nghiệp thôi thì mới là hồi phục các tế bào kinh tế, còn để các tế bào này có thể thích nghi được với tình trạng bình thường mới gắn với cấu trúc nền kinh tế thay đổi nhanh, bao gồm cả thay đổi cơ cấu ngành hàng, mặt hàng, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh thì cần đồng thời chú ý tới nguồn cung lao động. Các yếu tố vật chất của sản xuất kinh doanh, như nguyên vật liệu, công nghệ, quản trị…, có thể nhập từ bên ngoài nhưng nguồn cung lao động thì chỉ có thể trông chờ ở trong nước. Nghĩa là, đồng thời cùng với gói chính sách cứu trợ/hỗ trợ kinh tế đối với doanh nghiệp thì cần có cả chính sách hỗ trợ chuyển đổi lao động nhằm thích ứng với bối cảnh việc làm mới khi nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19. Một số nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp do không thể trông chờ nhiều vào nguồn cung lao động trong nước, bên cạnh cứu trợ/hỗ trợ kinh tế doanh nghiệp còn có chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cư trú cho lao động nước ngoài. Theo một báo cáo mới (2020) của ILO có tiêu đề “Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”, trước dịch Covid-19, năm 2019, Việt Nam có tới 54% người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương[6]. Trong và sau dịch này con số này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Cũng theo báo cáo này, 53% số việc làm trên cả nước cần kỹ năng trung bình, và 12% đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp. Các con số này là thách thức lớn đối với lao động, nguồn lao động và gắn với đó là sinh kế của người dân nước ta và cần được chú ý ngay từ bây giờ trong loạt các gói hỗ trợ hồi phục và phát triển trong tình trạng bình thường mới.

       (iii) Về môi trường, trong dịch Covid-19, so với sức nóng của các vấn đề kinh tế và xã hội thì môi trường dường như ít nóng hơn. Nhưng thực tế ở nước ta không hẳn như vậy, bởi lẽ trước dịch này môi trường thậm chí còn nóng bỏng hơn cả kinh tế và xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước ta đã từng nêu tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2016 rằng, “Môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”[7]. Chỉ là các vấn đề môi trường nước ta bị lấn át bởi mức độ nóng gay gắt của các vấn đề kinh tế và xã hội mà thôi. Khi nền kinh tế được hồi phục và phát triển sau dịch Covid-19 chắc chắn sức nóng của các vấn đề môi trường sẽ quay trở lại, thậm chí còn nóng hơn nếu như không có phương án chuẩn bị ngay từ bây giờ. Sự chuẩn bị này cần bao gồm cả về tâm lý và cả về chính sách. Về tâm lý, chắc chắn sẽ xuất hiện tâm lý “xả láng” thường có sau những kìm nén cả trong sản xuất và cả trong tiêu dùng. Chúng ta đang phấn đấu thực hiện các mục tiêu PTBV, do đó, không được sao lãng các mục tiêu bền vững về môi trường. Trong các gói chính sách cứu trợ/hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế và xã hội cần được gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cả phía bên quản lý (các cơ quan hoạch định và tổ chức thực hiện) và cả phía bên được hỗ trợ (các doanh nghiệp).

Kết luận

      Đại dịch Covid-19 là thách thức mới to lớn, đe dọa trực tiếp và sâu rộng tới tiến trình PTBV của mọi quốc gia. PTBV trong trạng thái bình thường mới do đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý tiến trình PTBV cả trên bình diện quốc gia và toàn cầu.

      Cho đến nay, Việt Nam đã có những thắng lợi quan trọng bước đầu trong ứng phó với dịch Covid-19, giúp hạn chế, giảm bớt tác động tiêu cực tới tiến trình PTBV của đất nước. Tuy vậy, tình trạng kém bền vững trong phát triển, nhất là về kinh tế và môi trường đặt ra không ít vấn đề về PTBV trong trạng thái bình thường mới do dịch Covid-19. Sức khỏe trong phát triển (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) theo các chỉ báo phát triển PTBV đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đòi hỏi thời gian không ít để phục hồi và lấy lại đà phát triển theo hướng bền vững.

      Trạng thái bình thường mới do dịch Covid-19 đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách thích hợp và khôn khéo. Điều đáng lưu ý trong điều chỉnh chính sách, cũng là thông điệp chính của bài viết này là cái cốt lõi của PTBV là sự hài hòa của các khía cạnh/các mặt của PTBV cho các thế hệ. Chính sách ứng phó trong trạng thái bình thường mới do dịch Covid-19 lấy phục hồi và phát triển kinh tế là trung tâm nhưng để bền vững thì con người và môi trường mới là cái đích và nền tảng mà Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định.

Tài liệu tham khảo

  1. ILO, 2020, Báo cáo quốc gia, Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
  2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.
  3. Một số tư liệu trên các trang website.
 

 

[1] https://vnexpress.net/vaccine-covid-19-chua-chac-cuu-duoc-kinh-te-toan-cau-4158161.html

[2] https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_743698/lang--vi/index.htm

[3] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=223097

[4] Trong báo cáo gần đây nhất (tháng 8/2020), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã cảnh báo rằng, nhiều cú sốc của đại dịch đối với thanh niên có thể dẫn đến một “thế hệ cách ly không thể phát triển” (https://www.24h.com.vn/tai-chinh/gan-mot-nua-gioi-tre-bi-mat-thu-nhap-vi-khung-hoang-do-covid-19-c587a1175161.html).

[5] Theo: https://www.sggp.org.vn/dai-dich-covid19-co-hoi-hay-moi-nguy-cho-moi-truong-656618.html

[6] Thí dụ như Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.

[7] https://nhipcaudautu.vn/chuyen-de/don-nen-ap-luc-no-cong-3335153/


Tác giả: Nguyễn Danh Sơn
Nguồn:Covid-19, Đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...